Ngày 16/7, tại Helsinki, Phần Lan, trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ, hai Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump đã thảo luận về tình trạng hiện tại của quan hệ Mỹ - Nga, cũng như triển vọng trong quan hệ của họ. Những bất đồng liên quan đến Syria, Ukraine, kiểm soát vũ khí hạt nhân, cũng như các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016… được cho là những vấn đề lớn mà hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đề cập đến. Tuy nhiên, trên thực tế, từ góc độ kinh tế vốn đã ít được nhắc tới trong mối quan hệ này, thì Mỹ và Nga đúng là cũng không có nhiều cơ hội để bàn về việc củng cố và phát triển quan hệ kinh tế. Thậm chí, giữa hai cường quốc này, những mối ràng buộc về kinh tế dường như ngày càng trở nên lỏng lẻo hơn.
Gần đây, ông Trump thường xuyên bày tỏ mong muốn có một mối quan hệ tốt hơn với Nga. Trước cuộc gặp Thượng đỉnh (16/7), thậm chí Tổng thống Trump còn nói với giới truyền thông rằng, hai nước đang có cơ hội lớn để làm ấm hơn mối quan hệ này, nhưng kể cả như vậy thì quan hệ kinh tế Mỹ - Nga vẫn đang ngày càng thu hẹp nhanh chóng.
Mỹ và Nga không có nhiều cơ hội để bàn về việc củng cố và phát triển quan hệ kinh tế. (Nguồn: Getty Images) |
Không nhiều điểm chung
Kể từ khi Tổng thống Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, trao đổi thương mại Nga - Mỹ đã tăng khá mạnh, khoảng 17%. Nhưng mặc dù lượng hàng hóa trao đổi đang ngày càng gia tăng, thì Mỹ vẫn chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Nga, chiếm khoảng 3,4% tổng trao đổi ngoại thương của nước này.
Các con số và thứ hạng này còn thấp hơn trong các số liệu thống kê thương mại của Mỹ, theo Dmitriy Frolovskiy - một nhà phân tích tại Moscow, Nga đang đứng thứ 30 trong danh sách các đối tác thương mại của Mỹ, đứng sau cả Chile và UAE.
Ngay cả trước khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, mối quan hệ thương mại giữa hai bên cũng không mấy mặn mà. Thị trường thương mại nhỏ bé, đầu tư khiêm tốn, không nhiều thương hiệu lớn của Mỹ hoạt động ở Nga và ngược lại… Điều này đã biến thị trường giao thương giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia rộng lớn nhất hành tinh thậm chí còn nhỏ hơn cả một thị trường ít ai biết đến như Bermuda - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong vùng Bắc Đại Tây Dương.
Về cơ bản, hai nền kinh tế Nga – Mỹ được đánh giá là không có nhiều điểm chung để tăng cường hơn nữa trong quan hệ kinh tế giống như quan hệ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc… với Mỹ. Trong khi đó, động thái mới nhất của Nga gần đây lại là chủ động nhập cuộc Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bằng cách áp đặt mức thuế quan riêng của họ đối với hàng hóa của Mỹ.
Mới đây, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga đã cho biết, mức thuế nhập khẩu từ 25% đến 40% đã được áp dụng cho các sản phẩm của Mỹ, chủ yếu là công cụ và máy móc. Mặc dù tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ có thể tương đối nhỏ, nhưng "điện Kremlin coi vấn đề này khá nghiêm túc", chuyên gia Frolovskiy cho biết.
Trong khi đó, các biện pháp bảo hộ của Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga, vốn đang gặp khó khăn trong một thời gian khá dài. Ngược lại trong mối quan hệ thương mại khá tốt với Trung Quốc, Bắc Kinh đang giữ vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Chưa thêm nhiều cơ hội
Cách đây một năm, Nga vẫn đứng thứ 12 trong số các quốc gia nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất. Hồi tháng Tư vừa qua, họ đã bán phá giá khoảng một nửa số cổ phần này và hiện chỉ còn nắm khoảng 48,7 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất của bất kỳ “chủ nợ” nào của nước Mỹ. Mới đây, sau khi tái đắc cử chức Tổng thống Nga, ông Putin đã không giấu giếm ý định thoát khỏi đồng tiền của Mỹ (USD) và củng cố chủ quyền kinh tế Nga, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục siết chặt lệnh cấm vận đối với các cá nhân và thực thể kinh tế của Nga vào năm 2017 và 2018.
Nhà phân tích Frolovskiy cho biết "Chính phủ Nga muốn thể hiện bằng mọi cách rằng họ đang chủ động tách rời khỏi Mỹ và hệ thống tài chính hàng đầu thế giới này. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Nga quyết định bán nợ của Mỹ trong năm nay". Tuy nhiên, từ đây đã xuất hiện xung đột giữa mục đích mà Chính phủ của Tổng thống Putin muốn hướng tới với chính nhu cầu của các doanh nghiệp nước này. Các nhà đầu tư Nga chưa bao giờ hết quan tâm đến nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ.
"Các doanh nghiệp Nga đã, đang và còn tiếp tục quan tâm đầu tư vào Mỹ. Trong con mắt họ, thị trường Mỹ đang bùng nổ và có rất nhiều cơ hội ở đó, đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ cao", Frolovskiy phân tích.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Frolovskiy cho rằng, ông không thấy bất kỳ cơ hội tăng trưởng nào cho các khoản đầu tư của Nga tại Mỹ, bởi “ở Mỹ, các doanh nghiệp Nga và tiền của họ thường bị coi là có mối quan hệ nào đó với điện Kremlin".
Trên đây là những lý do cơ bản cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Moscow dường như không mấy quan trọng để hai nhà lãnh đạo đem đặt lên bàn trao đổi. Không thể nói là các biện pháp trừng phạt của bên này không gây tổn hại và khó khăn gì cho bên kia. Nhưng tổn hại thực tế trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau đều không đáng để hai yếu nhân hàng đầu thế giới này đem ra trao đổi.