Sơ đồ các “điểm nóng” về trường hợp nhiễm cúm H5N1 từ năm 2003 đến tháng 2/2009. (Nguồn: www.un.org) |
Báo cáo khống
Ở Việt Nam, tính từ ca nhiễm cúm A H5N1 đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2003 đến nay, đã có 110 trường hợp mắc, trong đó 55 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định, nguyên nhân là do các tỉnh đã lơ là công tác tiêm phòng vaccine cúm gia cầm.
Ông Tần cho biết, mới đây, khi đi kiểm tra tình hình tại các địa phương, ông phát hiện nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng trên thực tế chỉ đạt 30-40% tổng lượng gia cầm đang nuôi, nhưng trong báo cáo của tỉnh gửi lên bộ lại nói rằng đã tiêm phòng đạt 100%. Nhiều nơi nhận vaccine về nhưng bỏ trong kho, không đem tiêm phòng.
Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là kiểm soát dịch đối với đàn vịt thả đồn ở khu vực ĐBSCL bởi virus cúm A H5N1 có thể ủ bệnh trong cơ thể gia cầm khoảng 15 ngày rồi mới phát bệnh. TS. Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, bất cứ khi nào dịch ở gia cầm bùng phát thì con người chắc chắn chịu nguy cơ lây nhiễm và nếu việc lây nhiễm từ người sang người xảy ra, có thể thấy được sự bắt đầu của một đại dịch cúm mới và tỷ lệ tử vong sẽ rất cao (xấp xỉ gần 50%).
Bình thường, virus cúm ở gia cầm khó lây sang người, tuy nhiên khi việc lây nhiễm xảy ra, tỷ lệ tử vong là 50%. Đặc biệt, khi xảy ra biến thể thì nó sẽ nhanh chóng thích ứng hơn với con người và việc lây lan virus cúm gia cầm từ người sang người sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc.
Chính vì vậy, việc lãng phí khoảng 250 triệu liều vaccine nhập ngoại để tồn trong kho không chỉ là sự lãng phí mà còn thể hiện sự mơ hồ về nhận thức của cơ quan chức năng địa phương và người dân trước nguy cơ bùng phát một đại dịch lớn ở người.
Người dân vẫn chủ quan
Bộ Y tế chính thức xác nhận bệnh nhân thứ 2 tử vong do cúm A H5N1 trong tháng 2 và cũng là ca thứ 2 từ đầu năm tới nay. Bệnh nhân là anh Cù Văn Chiêu, 32 tuổi, (xóm 12 xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đã tử vong ngày 26/2 sau 13 ngày điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.
- Cúm gia cầm gây tử vong nhưng có thể phòng tránh được. - Cúm gia cầm có thể truyền từ gia cầm sang người. - Không phải mọi gia cầm nhiễm bệnh đều có biểu hiện cúm gia cầm - Gia cầm nhà bạn có thể mắc bệnh mà bạn không biết |
Cùng với đó, dịch cúm trên gia cầm tiếp tục rải rác ở các địa phương. Tuy nhiên, tất cả nguy cơ, mối đe dọa trên vẫn chưa làm cho người dân thay đổi ý thức trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Như vậy, 3 người mắc cúm A H5N1 từ đầu năm đến nay thì đã có 2 người tử vong. Trước tình trạng này, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cảnh báo: “Nếu người dân vẫn chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh, tiếp tục giết mổ, sử dụng gia cầm, thủy cầm ốm chết thì các ngành chức năng dù có cố gắng phòng chống đến mấy cũng không thể ngăn chặn và khống chế được dịch cúm A H5N1”.
Theo các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, để hạn chế sự lây lan của dịch cúm từ gia cầm sang người, điều quan trọng nhất là người dân phải nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và cần hết sức cảnh giác, ngay cả ở những vùng chưa phát hiện cúm gia cầm.
Vân An