Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á, với tỷ lệ chỉ mới một nửa số người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính, 71% nhận lương bằng tiền mặt và khoảng 30% có thẻ ghi nợ… là mảnh đất đầy tiềm năng của tài chính toàn diện sử dụng công nghệ, trong đó ngân hàng số và di động là những giải pháp phù hợp nhất.
Cần xây dựng hạ tầng cơ sở
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Việt Nam phải giải quyết được bài toán “xây dựng cơ sở hạ tầng số” cả về mặt kỹ thuật và pháp lý cũng như tổ chức thực hiện thì “chúng ta mới chuyển đổi sang ngân hàng kỹ thuật số được”.
Đây cũng là ý kiến của đại đa số các chuyên gia tham gia Hội thảo Xây dựng cơ sở hạ tầng số cho tương lai ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) và Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo Xây dựng cơ sở hạ tầng số cho tương lai ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 13/7/2017. |
Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện về chủ đề ngân hàng số và Fintech do ABA tổ chức trong năm 2017 tại một số quốc gia thành viên như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Việt Nam nhằm đáp ứng sự quan tâm của các thành viên.
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu cho rằng, vấn đề then chốt liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng số như: Định danh số (digital ID), Nhận biết khách hàng điện tử (eKyC), công nghệ đám mây (cloud technology), giao diện lập trình ứng dụng (API), an ninh mạng… phải được tiến hành sớm nhất.
Như Định danh số (ID Digital) và Nhận biết khách hàng điện tử (eKYC), hiện một số ngân hàng ASEAN đang sử dụng hình thức xác thực sinh trắc học qua giọng nói và vân tay. Một số hình thức xác thực khác như nhận biết sinh trắc học hành vi, nhịp tim, ven cánh tay, khuôn mặt, mống mắt đang được khai phá. Tuy nhiên, việc triển khai ID digital và eKYC cũng có một số thách thức, đó là việc xây dựng một phương pháp tiếp cận hợp nhất với các hệ thống định danh số để nhiều tổ chức cùng sử dụng, đảm bảo tính thống nhất các tương tác trong khi vẫn đảm bảo các định danh được đảm bảo an toàn.
Cũng như vậy, công nghệ đám mây đang được sử dụng và phát triển nhanh. Lợi ích của công nghệ đám mây có thể rất lớn bởi nó cho phép các tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm và các sáng tạo nhanh chóng, đảm bảo an toàn và bền vững với phi phí vốn có thể tiết kiệm đến 70-80%. Tuy nhiên, các định chế tài chính phải lựa chọn đúng dịch vụ đám mây và nhà cung cấp để tối ưu hóa lợi ích từ đám mây mà không ảnh hưởng đến an toàn của các tài sản thông tin.
Hầu hết các quốc gia ASEAN hiện áp dụng các quy định về thuê ngoài liên quan đến các dịch vụ đám mây. Việc ứng dụng các dịch vụ đám mây có khuôn khổ quy định khác nhau ở mỗi quốc gia và trong một số trường hợp thì quy định chưa rõ ràng.
Thời điểm chín muồi cho Việt Nam
Hiện nay, các ngân hàng ở Việt Nam đã nhận thức cần phải hợp tác với các Fintech bởi đây là cách thức thúc đẩy điểm mạnh của mỗi bên, đặc biệt trong triển khai tài chính số, ngân hàng số - cơ sở cho việc thực hiện tài chính toàn diện.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam khoảng 40 công ty, tập trung vào 8 nhóm: thanh toán, quản lý dữ liệu, trang web so sánh, cho vay, quỹ đám đông (crowdfunding), tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS và blockchain/bitcoin.
Các công ty FinTech đang ngày càng có ảnh hưởng tới các công ty dịch vụ tài chính truyền thống. (Nguồn: Business Insider) |
Trong vòng 2 năm trở lại đây, đầu tư nước ngoài vào các công ty Fintech Việt Nam đã trở thành một xu hướng mới. Theo tổ chức Tropica, trong năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các công ty Fintech của Việt Nam đã đạt 129 triệu USD.
Với dân số dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số, số người sử dụng điện thoại thông minh trên 25 triệu, trên 50% dân số sử dụng internet, tiềm năng phát triển của Fintech tại Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên các Fintech ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, từ việc thiếu khuôn khổ pháp lý, hạn chế trong cơ sở hạ tầng tài chính, hạn chế trong nhận thức của khách hàng, trong thu hút nguồn vốn đến việc thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Với xu thế phát triển của hoạt động ngân hàng trong tương lai, quá trình chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số là tất yếu. Trong đó, phương thức và mô hình hoạt động ngân hàng sẽ đứng trước sự thay đổi rất lớn, vừa mở ra những cơ hội mới, vừa đặt ra những thách thức gay gắt cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, mỗi ngân hàng cần xây dựng cho mình một tầm nhìn chiến lược, bắt tay ngay vào chuẩn bị cho sự thay đổi, đầu tư cho sự chuyển đổi, kịp thời chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp và những điều kiện khác để chuyển đổi thành công, theo kịp được bước tiến của công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng trong thời đại xã hội thông tin ngày nay.
Các công ty Fintech cũng nên định vị được vai trò của mình và mối liên hệ mật thiết với các ngân hàng để xây dựng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, giúp hệ điều hành hoạt động ngân hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đôi bên cùng phát triển.
Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) được thành lập năm 1976, bao gồm đầy đủ đại diện của 10 quốc gia thành viên ASEAN. Là một thành viên của ABA, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã và đang là một nhân tố tích cực của ABA và có những đóng góp thiết thực vào các chương trình hoạt động chung của Hiệp hội khu vực. Tháng 11 tới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 tại TP. Đà Nẵng. |