4 tạ thóc cho một lần khám bệnh
Gần 3 tháng nay, bà bị đau nhức mình mẩy, các khớp xương đau nhức. Nhất là ở hai đầu cổ tay nổi lên 2 cục nhỏ như viên bi, ấn vào đau nhói như có kim châm, rồi đau dần lên dọc hai ngón tay cái, không xoay được cổ khớp.
Lần lữa mãi, tích cóp được chút ít, bà bảo con trai trưởng đưa lên bệnh viện Bạch Mai khám bệnh. Nghe bà kể bệnh, bác sĩ kê một loạt các xét nghiệm cần làm, nào là kiểm tra mỡ, đường máu, nước tiểu, loãng xương, rồi chụp khớp tay để xác định nguyên nhân; xét nghiệm sinh thiết khớp gối để kiểm tra tình trạng thoái hoá khớp…tổng số tiền bà phải trả cho lần khám bệnh này là 990.000đồng.
Xót tiền, bà kéo tay con trai, bảo chỉ kiểm tra khớp cổ tay, nhưng nghĩ chẳng mấy khi có cơ hội đưa mẹ đi khám tổng thể, anh quyết làm tất cả những điều bác sĩ yêu cầu.
Cuối cùng, bà được xác định là viêm đầu gân khớp cổ tay và loãng xương. Đơn thuốc được bác sĩ kê hoàn toàn là thuốc ngoại, được người bán thuốc tính giá 640.000đồng, cộng với thuốc tiêm khớp tại chỗ, thuốc chữa loãng xương, số tiền đã “vọt” lên trên 1 triệu.
Tổng số tiền khám, tiền thuốc khiến bà “méo mặt”, đi đứt 4 tạ thóc. Với số tiền này, hai ông bà có thể chi trả sinh hoạt phí cho mình lên tới 5 tháng.
“Mà để làm ra 4 tạ thóc đâu phải đơn giản. Còn trừ chi phí phân gio, thuê cày, bừa… một xào ruộng qua 4 tháng mới được 1 triệu bạc. Mà hai vợ chồng già, cũng chỉ làm được 5 sào, còn lại phải nhờ vả các con. Khổ, chúng cũng làm nông nghiệp, giờ lại thêm cơ cực làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ”, bà Hiền than thở.
Ngồi cạnh bà đợi đến lượt đo mật độ xương là chị Tạ Thị Sâm (45 tuổi, Thái Bình). Chị cũng bị chứng đau nhức xương, mình mẩy vài năm nay. Đợt này đi khám bệnh, chị cũng đã “đốt” mất 1,2 triệu tiền khám. Đây là một con số quá lớn với người làm nông nghiệp như chị. “Hai vợ chồng đèo nhau đi khám bệnh, buổi sáng khám xong, phải đợi đến 2h chiều mới có kết quả. Đến cơm bụi chẳng dám ăn, đành ăn qua loa mỗi người cái bánh mì, rồi ngồi vạ vật tại bệnh viện chờ kết quả. Dành dụm, tích cóp cả năm trời mới được chút ít. Giờ phải bán thóc mua thuốc, thì đến mấy xào ruộng cũng hết”, chị than thở.
Có mặt tại TT Chống độc BV Bạch Mai sáng 21/7, nhiều người nhà bệnh nhân đang xếp hàng làm thủ tục ra viện. Trong đó, không ít người, bệnh chưa đỡ nhiều nhưng nhất quyết đòi bác sĩ cho xuất viện điều trị ngoại trú vì họ không thể “gánh” được chi phí điều trị.
Cầm tờ hoá đơn thanh toán trên 4 triệu đồng vì không có bảo hiểm y tế, cô bé N.T.Hoa lặng lẽ đi ra cửa. Bé đang đợi bố về quê vay nóng họ hàng, làng xóm để lấy tiền thanh toán viện phí cho mẹ bé xuất viện dù bệnh tình chưa hẳn đã ổn định. Bác sĩ đã dặn đi dặn lại, về nhà vẫn phải mua thuốc uống theo đơn và tái khám khi hết thuốc. Nhưng Hoa không chắc bố có thể vay được nhiều tiền, để vừa đủ thanh toán viện phí, vừa đủ mua thuốc điều trị tiếp cho mẹ.
“Cứu tinh” BHYT
Đến giờ, khi đã thanh toán hết tiền khám, tiền thuốc, bà Hiền vẫn còn tiếc nuối vì trót tiếc tiền không mua BHYTTN. “Tôi đã định bỏ ra 240.000 để mua BHYTTN từ khi mới bị đau xương nhưng tiếc tiền, nấn ná mãi, cuối cùng lại chưa mua được. Nghĩ giờ vẫn tiếc, nếu khám bảo hiểm, tôi sẽ tiết kiệm bét ra cũng được nửa chi phí khám bệnh. 2 tạ thóc chứ ít gì”, nói rồi bà thở dài.
Nếu bà mua BHYT, với yêu cầu đo mật độ xương, thay vì phải đóng 180.000đồng, bà sẽ chỉ phải đóng 100.000, còn được bảo hiểm y tế chi trả. Với những chi phí khám, chụp khác cũng sẽ được giảm tương tự tuỳ vào từng loại hình cụ thể.
BS Nguyễn Trung Nguyên, TT Chống độc BV Bạch Mai nói, chỉ khi bị đau ốm, mỗi người mới cảm nhận được rõ rệt sự ưu việt của thẻ BHYT. Mặc dù BHYT hiện chưa thanh toán được 100% chi phí khám chữa bệnh, nhưng sự chênh lệch quyền lợi giữa người có và không có BHYT là rất rõ ràng. Điều quan trọng hơn là BHYT sẽ giúp chúng ta ít bị ảnh hưởng hơn khi giá thuốc, vật tư y tế có sự biến động.
Tất nhiên, mỗi người không ai mua BHYT để mong được hưởng lợi từ nó nhưng bệnh tật là thứ tai họa bất kỳ không thể đoán định được. Nó có thể xảy đến với mỗi người, ngay cả với những người tưởng như rất khoẻ mạnh.
Ngay tại Bệnh viện K, tuyến cuối điều trị ung thư, vẫn có đến 30% bệnh nhân không có BHYT. Số bệnh nhân này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá thuốc đặc hiệu điều trị ung thư bị biến động. Mỗi đợt xạ trị, số tiền lên tới 25 - 30 triệu đồng, nếu có bảo hiểm, người bệnh sẽ bớt được gánh nặng về kinh tế rất nhiều.
Theo lời khuyên của những người bệnh có “thâm niên” nằm viện, mọi người cần chủ động với vấn đề sức khoẻ, cũng như tiền nong trong mỗi lần khám bệnh. Vì thế, đừng chỉ nghĩ đến BHYT khi phát hiện mình mắc bệnh. Mà hãy luôn có nó để phòng những sự cố sức khoẻ dù không ai mong muốn nó xảy đến với mình.
Bỏ ra một số tiền mua BHYT cho dù bạn không hưởng lợi từ đó đã là một điều may mắn vì bạn có sức khoẻ và còn giúp ích cho những người bệnh khác. Nếu bạn không may có bệnh tật thì BHYT chính là “cứu tinh” giúp người bệnh đỡ lo về viện phí và chi phí khám bệnh.
Theo Dân Trí