Chính phủ mới đây ban hành "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, thành viên ban quản trị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam. |
Phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, thành viên Ban quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam xoay quanh vấn đề phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế
Là người gắn bó với ngành vi mạch, bán dẫn trong nhiều năm, ông nhận định thế nào Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành?
Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh, phát triển trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp bán dẫn. Khi thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, “tài nguyên số” có vai trò quyết định trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, các chuyên gia trình độ cao, tầm nhìn rất dài.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành là văn bản thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, giúp tạo niềm tin, thống nhất sự hợp tác từ tất cả các tổ chức.
Đây chính là căn cứ pháp lý để huy động tối đa nguồn lực đất nước trong các chương trình hành động cụ thể tiếp theo nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà chiến lược đã đưa ra, để Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đối với lĩnh vực bán dẫn, một sản phẩm từ lúc có ý tưởng tới lúc có thể thương mại hóa cần ít nhất 3-5 năm. Do đó, nếu tầm nhìn chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 5 năm, 10 năm là chưa đủ. Chỉ trong khoảng thời gian này, rất khó để định vị hay có được định hướng rõ ràng cho sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn Việt Nam.
Trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, số lượng kỹ sư Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Đội ngũ kỹ sư lành nghề này đóng vai trò là “mỏ neo” lưu giữ các công ty tên tuổi ở lại Việt Nam. |
Chiến lược mà Chính phủ ban hành có tầm nhìn gần 30 năm - khoảng thời gian đủ dài để định hình kiến trúc của ngành công nghiệp bằng việc xác định rõ sản phẩm đầu ra chủ lực trong từng giai đoạn, hoàn toàn có thể đo, đếm được.
Điều này giúp chúng ta định lượng được tính hiệu quả của mỗi chương trình, từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp cũng như điều chỉnh cần thiết để đạt các mục tiêu đề ra.
Là một kỹ sư Việt Nam, theo đuổi lĩnh vực thiết kế chip hơn 20 năm, tôi cảm thấy được động viên. Có thể khẳng định, trong 20 năm qua, chưa bao giờ lĩnh vực nghề nghiệp tôi làm được Chính phủ, xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm tới vậy.
Điều này chứng tỏ bài toán đã rõ ràng, việc của chúng ta bây giờ là làm thế nào để cùng nhau thực hiện thành công chiến lược này.
Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam thế nào, thưa ông? Việt Nam có những lợi thế nổi bật gì?
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu và được đánh giá là nơi định hình sự phát triển trong tương lai của lĩnh vực này. Chính trị ổn định, vị trí tối ưu về chi phí logistics… cũng là những ưu thế nổi bật của đất nước.
Thứ hai, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã sở hữu nguồn nhân lực hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip. Các kỹ sư của đất nước đã và đang chứng minh được năng lực trong công việc, từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài.
Hiện nay, trong các dự án thiết kế chip quan trọng của các tổ chức, kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam.
Những năm gần đây, trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, số lượng kỹ sư Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Đội ngũ kỹ sư lành nghề này đóng vai trò là “mỏ neo” lưu giữ các công ty tên tuổi ở lại Việt Nam.
Ngoài ra, hàng năm, chúng ta có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển Đại học. Đây là con số rất ấn tượng, bảo đảm yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư, phát triển lĩnh vực bán dẫn nào ở Việt Nam.
Thứ ba, sở hữu trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 trên thế giới và chưa khai thác ồ ạt cũng có thể là một lợi thế của Việt Nam. Đất hiếm là nguyên liệu đầu vào quan trọng dùng trong các nhà máy sản xuất chip.
Thứ tư, Mỹ - cái nôi của công nghiệp bán dẫn thế giới - và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam nằm trong số ít nước cùng với Costa Rica, Mexio, Panama, Indonesia, Philippines được Mỹ công khai ủng hộ trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn, cụ thể là mảng đóng gói kiểm thử (ATP).
Rõ ràng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong việc thu hút kêu gọi đầu tư hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.
Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển bền vững công nghiệp bán dẫn. (Nguồn: MPI) |
Thiếu động lực đủ lớn
Còn khó khăn, thách thức thì sao, thưa ông? Và Việt Nam cần làm gì để chủ động gỡ khó?
Tính sở hữu trong chuỗi giá trị bán dẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Sở dĩ mô hình công ty fabless (tự thiết kế ra mẫu chip theo ý của mình) có lãi lớn là do họ là người sở hữu sản phẩm. Việc sở hữu sản phẩm, sản xuất hàng loạt số lượng lớn là yếu tố chính tạo ra lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Khi xét ở góc độ này, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam gần như chưa có nền tảng gì đáng kể vì tính sở hữu của chúng ta còn rất thấp. Gần như toàn bộ các doanh nghiệp liên quan tới bán dẫn ở Việt Nam là công ty có vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài (FDI).
Với các công ty thiết kế chip, Việt Nam có gần 50 công ty. Tuy nhiên, đa phần các công ty ở Việt Nam vẫn đóng vai trò như một chi nhánh cung cấp nguồn nhân lực cho công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, khi chúng ta có ý tưởng công nghệ, bằng phát minh sáng chế nhưng nếu không có nhà máy thì công nghệ và bằng phát minh sáng chế đó chỉ nằm trên giấy. Chỉ khi có nhà máy thì chúng ta mới có thể thu hẹp được khoảng cách về công nghệ. Đây cũng là thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần phải giải quyết.
Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư mô hình công ty fabless để phục vụ nhu cầu nhập khẩu linh kiện bán dẫn. Càng tham gia muộn, chi phí bỏ ra đầu tư sẽ ngày càng lớn, điều quan trọng là chúng ta quyết tâm làm đến đâu. |
Tôi tin tưởng rằng, với mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này cùng với đội ngũ kỹ sư hiện tại, đất nước hoàn toàn có thể hình thành các công ty nội địa, tập hợp được đội ngũ kỹ sư lành nghề làm việc cùng nhau, dần dần nâng cấp “tính sở hữu” trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư mô hình công ty fabless để phục vụ nhu cầu nhập khẩu linh kiện bán dẫn. Càng tham gia muộn, chi phí bỏ ra đầu tư sẽ ngày càng lớn, điều quan trọng là chúng ta quyết tâm làm đến đâu.
Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để hòa mình cùng làn sóng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, từ đó, tiến sâu hơn vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu?
Có lẽ, chúng ta đang thiếu một động lực đủ lớn làm chất kết dính, để có thể tập hợp được đội ngũ, cùng nhau làm việc cho mục đích lớn lao hơn.
Tôi giả thiết một kịch bản như sau: Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng giải quyết thách thức nhất của đất nước là cùng nhau góp vốn xây dựng nhà máy waferfab (nhà máy sản xuất chất bán dẫn) thì đây sẽ là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Nguyên nhân bởi:
Thứ nhất, nhà máy có sự góp vốn của các doanh nghiệp, điều này sẽ thúc đẩy mô hình kinh doanh là bạn chứ không là đối thủ. Điều này cũng bảo đảm doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận khách hàng, thuyết phục các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử ở Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI), thay thế một số linh kiện nhập ngoại trong các sản phẩm như tivi, điều hòa, máy giặt, đèn chiếu sáng, nhà thông minh...
Thứ hai, nhà máy có thể bắt đầu với những chip phục vụ khối chính phủ như chip thẻ căn cước, chip thẻ SIM ... Điều này bảo đảm những đơn hàng đầu tiên đều đặn cho nhà máy, giảm thiểu rủi ro không có đơn đặt hàng để nhà máy vận hành.
Thứ ba, nhà máy đó sẽ là “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt cả hệ sinh thái đi theo, đỡ đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, từ đó, tác động tích cực tới hệ sinh thái khởi nghiệp và kéo thêm được các đối tác khác đặt nhà máy tại Việt Nam.
“Gỡ rối” nhân lực, tiến bước vững vàng trên thị trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn. Theo quan điểm của ông, trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam hiện nay có những khó khăn như thế nào?
Khi nói về chip là nói về sản xuất hàng loạt số lượng vô cùng lớn. Một thiết kế khi đưa vào sản xuất sẽ tạo ra hàng trăm triệu chip. Do đó, chỉ một sai sót nhỏ trong thiết kế có thể sẽ làm hỏng cả chuỗi, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Việt Nam đang thiếu vắng doanh nghiệp nội địa lớn để dẫn dắt. Điều này làm hạn chế tính chủ động về thị trường đầu ra cho đào tạo, đặt ra thách thức khá lớn cho công tác lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. |
Chính vì lý do này, kỹ sư ngành này có tính bảo thủ rất cao, kỹ sư càng có nhiều kinh nghiệm thì lại càng có giá trị, dẫn tới việc các công ty thường ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm.
Do đó, điều khó nhất của đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là không có cách gì có thể tạo ra hàng loạt kỹ sư có kinh nghiệm.
Hiện tại, Việt Nam đang thiếu vắng doanh nghiệp nội địa lớn để dẫn dắt, làm hạn chế tính chủ động về thị trường đầu ra cho đào tạo, đặt ra thách thức khá lớn cho công tác lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, tác động gián tiếp tới chất lượng đào tạo. Đây là thách thức không dễ giải quyết một sớm một chiều đối với các trường Đại học trong việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.
Việt Nam chưa có hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, tác động gián tiếp tới chất lượng của đào tạo. (Nguồn: VGP) |
Cần làm gì để “gỡ rối” trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn để đạt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, thưa ông?
Bản chất của con số 50.000 nhân lực chính là 50.000 việc làm, đây là bài toán đầu ra cho đào tạo nguồn nhân lực chứ không hẳn là vấn đề đào tạo.
Điều này liên quan đến chính sách làm sao tạo ra nhiều việc làm mới cho ngành bán dẫn. Các con chip sẽ ngày càng phức tạp kéo theo nhu cầu về nhân lực trong ngành này sẽ tiếp tục tăng ở quy mô toàn cầu. Cơ hội việc làm của nguồn nhân lực Việt Nam không nên chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý của đất nước.
Đứng từ phía doanh nghiệp, chúng ta có thể tạm chia làm hai nhu cầu. Thứ nhất, nhu cầu tuyển kỹ sư có kinh nghiệm, cần người có thể làm việc ngay. Thứ hai, nhu cầu tuyển kỹ sư mới ra trường hàng năm cho chiến lược phát triển trong dài hạn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng hiểu, nếu không tuyển dụng sinh viên mới ra trường thì việc tuyển dụng kỹ sư có kinh nghiệm sẽ ngày càng khó khăn. Do vậy, tăng cường củng cố kiến thức nền tảng cho học sinh sinh viên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình trưởng thành của các “tân binh”, tác động tích cực tới tỷ lệ tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm của doanh nghiệp.
Về cơ bản, sách giáo khoa thì ở đâu cũng giống nhau. Điểm khác biệt là cách con người tương tác với sách giáo khoa như thế nào.
Trong quá trình trực tiếp nói chuyện và quan sát các bạn sinh viên, tôi nhận thấy, nếu một bạn sinh viên chịu khó làm bài tập thì khi trả lời phỏng vấn sẽ có nhiều nội dung và tự tin hơn so với bạn chỉ chăm chăm đọc để hiểu/nắm được nội dung phục vụ mục tiêu thi qua môn.
Với việc đào tạo ngành bán dẫn cũng vậy. Điều này sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm của các công ty.
Thêm vào đó, việc bắt tay hợp tác một cách thực chất, cụ thể giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo các môn học định hướng vi mạch cũng là việc có thể làm được ngay.
Xu hướng dịch chuyển của các tập đoàn lớn trên thế giới đặt Việt Nam vào thời điểm “nghìn năm có một” trong ngành bán dẫn. Chính phủ đã “mở đường”, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hãy cùng nhau tiến thẳng vào đường đua bán dẫn toàn cầu!
Xin cảm ơn ông!