Lĩnh vực công nghiệp vẫn là một trụ cột của nền kinh tế với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận khi lội ngược dòng ngoạn mục. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Bức tranh đáng ghi nhận
Với ngành Công Thương, năm 2023 những khó khăn tác động trực tiếp phải kể đến việc sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh những tháng đầu năm (trong 2 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua).
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm trước, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Tin liên quan |
Kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng 5,05% |
Cụ thể, lĩnh vực chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm tăng đã kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước (IIP năm 2023 ước tăng 2,3% so với năm 2022; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 năm 2023 ước tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước tăng 9,7%; khai thác quặng kim loại tăng 10,2%; sản xuất thuốc lá ước tăng 10,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất ước tăng 8,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế ước tăng 6,7%; sản xuất chế biến thực phẩm ước tăng 6,5%; dệt ước tăng 6,1%...
Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương). Các địa phương giữ được tăng trưởng khá là: Trà Vinh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Yên, Thái Bình,...
Tập trung một số ngành mũi nhọn
Nhìn lại năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, Chính phủ về việc tạo dựng nền móng để tạo đà cho công nghiệp tiếp tục phát triển bài bản, vững chắc. Có thể kể đến các Quy hoạch về phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những khung khổ rất quan trọng để Việt Nam hướng tới một nền công nghiệp hiện đại, bền vững phục vụ sự phát triển của đất nước và cũng phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, công nghiệp xanh của quốc tế.
Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa là Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ KH&ĐT, cùng nhiều địa phương trong cả nước triển khai nhiều giải pháp kết nối khối doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, hàng loạt các hoạt động khuyến công cũng được Bộ triển khai rộng khắp ở các tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Không chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Bộ Công Thương còn chú trọng, quan tâm đến cả những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để hỗ trợ cùng phát triển, bắt kịp xu hướng CMCN4.0.
Tin liên quan |
Việt Nam - Điểm sáng tăng trưởng ở Đông Nam Á |
“Những thành quả này đã cho thấy sự đúng đắn trong phương hướng, mục tiêu và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc thúc đẩy toàn diện quá trình công nghiệp hóa đất nước, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên theo hướng hiện đại. Cũng như không bỏ quên những doanh nghiệp nhỏ và vừa” – tư lệnh ngành nói.
Với những kết quả tích cực trên, có thể thấy ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tương đối toàn diện và vẫn tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn, Bộ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đổi mới mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện mục tiêu của Chính phủ là kiến tạo một không gian, hệ sinh thái cho phát triển công nghiệp và thương mại, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu, phát triển lành mạnh thị trường nội địa… Cụ thể hơn là làm sao để lan tỏa tinh thần đồng hành, phục vụ mạnh mẽ hơn nữa của ngành Công Thương tới từng người dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.
Để thực hiện, Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
(theo Báo Kinh tế Đô thị)
| Việt Nam đề nghị Malaysia hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp Halal Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác ... |
| PetroVietnam vượt gió ngược nuôi dưỡng mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng hàng đầu Những kết quả năm 2023 sẽ là cơ sở để PetroVietnam tiếp tục phấn đấu, nuôi dưỡng mục tiêu xây dựng và phát triển trở ... |
| Hàn Quốc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chiến lược Ngày 22/12, Chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận về các biện pháp hỗ trợ đồng bộ cho sự phát triển của các ngành công ... |
| Quyết tâm 'bỏ đói' ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, Mỹ có được ung dung? Khi Mỹ và các đồng minh tăng cường nỗ lực hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chip bán dẫn tiên tiến, ... |
| Khu Công nghiệp Bá Thiện II hòa nhịp phát triển bền vững cùng đất nước Toạ lạc tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Công nghiệp Bá Thiện II phục vụ các ngành công nghiệp nhẹ, điện tử và ... |