SunPower – Tập đoàn hàng đầu của nước Mỹ chuyên về năng lượng mặt trời với nhiều cơ sở sản xuất tấm pin mặt trời tại nước ngoài đã phải chịu thiệt hại lên tới 2 triệu USD/tuần kể từ khi biểu thuế quan mới được áp dụng. Trong khi đó, đối thủ chính của SunPower – một nhà sản xuất nội địa là SolarWorld Americas lại đang hưởng lợi khá nhiều từ chính sách này. Để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có, SunPower buộc phải mua lại SolarWorld Americas với giá cao. Hiện tại, hai bên đang tiến hành các thủ tục cuối cùng trong thương vụ sáp nhập.
Sau SunPower, một loạt các doanh nghiệp trong ngành cũng có những động thái nhằm giảm bớt thiệt hại từ chính sách thuế quan mới. Một nhà đầu tư Trung Quốc vừa công bố kế hoạch sẽ mở một nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại bang Florida (Mỹ) đầu mùa Thu năm nay.
Một nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Quyết định của chính quyền Mỹ được xem là một phần của cuộc chiến thương mại leo thang nhắm vào Trung Quốc. Các chuyên gia ngành năng lượng Mỹ nhận định, những bước đi đầu tiên của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang khiến nhiều ngành công nghiệp Mỹ, trong đó ngành công nghiệp năng lượng mặt trời chịu thiệt hại.
Lo ngại từ người trong cuộc
Bước đi thương mại cứng rắn của Washington được cho là để bảo vệ nền sản xuất nội địa của nước Mỹ, khi khoảng hơn 80% sản phẩm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ là hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước châu Á. Tuy nhiên, chính sách này lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính những nhà sản xuất Mỹ. Các công ty chuyên về năng lượng mặt trời lý giải, chính sách thuế mới sẽ làm gia tăng chi phí lắp đặt tấm năng lượng. Hàng chục công ty năng lượng mặt trời có cơ sở sản xuất ngoài nước Mỹ đang kiến nghị được miễn thuế.
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ Abigail Ross Hopper nhận định, quyết định của chính quyền Trump đã làm chậm sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này. “Không có tăng trưởng đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm”, bà lo ngại.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ áp đặt mức thuế tới 30% lên các mặt hàng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu sẽ khiến sản phẩm được bán ra với giá đắt hơn, điều này càng gây khó cho nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang theo đuổi mục tiêu thúc đẩy năng lượng mặt trời để kiềm chế ô nhiễm carbon. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ được dự báo sẽ thấp hơn 11% so với thời điểm trước khi có chính sách thuế mới.
Tăng trưởng trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ được dự báo sẽ thấp hơn 11% so với thời điểm trước khi có chính sách thuế mới. (Nguồn: Reuters) |
Tom Werner, Giám đốc điều hành của SunPower cho biết, Tập đoàn này đang đẩy mạnh thương vụ mua lại SolarWorld – một công ty trong ngành có trụ sở tại bang Oregon (Mỹ). “Chúng tôi hiểu mục tiêu của người dân Mỹ và mục tiêu của chính quyền nên chúng tôi quyết định sẽ có một hành động đầu tư táo bạo là mua lại một doanh nghiệp Mỹ”, ông này nói.
Trước phản ứng trái chiều từ phía các công ty trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trong nước, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đang cân nhắc xem xét các yêu cầu miễn giảm thuế. Dù vậy, thời điểm đưa ra các kết luận cuối cùng vẫn chưa được công bố. Để được miễn thuế, các công ty năng lượng mặt trời phải chứng minh rằng họ đang cung cấp những công nghệ vượt trội và phải được sản xuất tại Mỹ.
Đại diện của Sun Power có trụ sở tại San Jose bang California cho hay, trước đây, việc đặt toàn bộ quá trình sản xuất ngoài nước Mỹ, phần lớn là tại châu Á đã khiến cho chi phí sản xuất các tấm pin mặt trời rẻ hơn rất nhiều. Bởi vậy, “chúng tôi chắc chắn sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể”, ông Tom Werner nói.
Không chỉ các nhà sản xuất, chính sách thuế mới còn tác động đến cả người sử dụng các sản phẩm năng lượng mặt trời. Rob Freeman, Giám đốc điều hành của Tradewind Energy - Công ty phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió có trụ sở tại bang Kansas đánh giá: “Điều này đang gây tác động tiêu cực lên ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Thuế quan làm tăng chi phí của các tấm pin mặt trời nhập khẩu khiến việc cạnh tranh với các nguồn năng lượng khác như gió và các nhà máy nhiệt điện trở nên khó khăn hơn”.
Nguy cơ mất việc làm
Tập đoàn SunPower đang có một dự án cần tuyển dụng 280 nhân viên nhưng trong tương lai, họ không thể hứa sẽ có thêm bao nhiêu cơ hội việc làm cho người lao động. Còn JinkoSolar - một công ty có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) dự kiến sẽ chuyển nhà máy sang Mỹ vào năm nay. JinkoSolar cho biết, công ty vẫn đang kiến nghị Chính phủ Mỹ miễn trừ thuế quan để mở rộng quy mô tại Mỹ. Theo đó, hoạt động lắp ráp sẽ được thực hiện tại Mỹ, còn các tấm pin mặt trời sẽ tiếp tục được sản xuất ở châu Á và chịu thuế quan. “Chúng tôi sẽ không mở rộng sản xuất nếu chưa nhận được phản hồi về lộ trình miễn thuế”, Tổng giám đốc của JinkoSolar tuyên bố.
Ngay cả khi ngày càng có nhiều công ty nước ngoài ngỏ ý mở rộng quy mô tại Mỹ, Hiệp hội công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ vẫn đưa ra cảnh báo về khả năng người lao động bị sa thải từ việc đình chỉ hoặc chấm dứt các dự án năng lượng mặt trời do chi phí quá cao.
Theo Hiệp hội này, biểu thuế quan mới có thể khiến khoảng 48.000-63.000 công nhân Mỹ trong ngành năng lượng mặt trời mất việc. Tại Mỹ, khoảng 250.000 người làm việc trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, chủ yếu liên quan tới công việc lắp đặt và bảo dưỡng.
Năng lượng mặt trời hiện đang tạo ra gần 2% điện năng và đang ngày càng phổ biến tại Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Năng lượng mặt trời hiện đang tạo ra gần 2% điện năng và đang ngày càng phổ biến tại Mỹ do những lợi ích to lớn như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2016, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã vươn lên trở thành nguồn năng lượng tái tạo cung cấp điện năng hàng đầu của Mỹ.
Tính đến tháng 11 năm 2016, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ đã sử dụng hơn 260.000 nhân công, tăng 24,5% so với năm 2015, với tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 17 lần so với toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Trong đó, số lượng công việc làm về quang điện mặt trời là hơn 240.000 người, 13.000 công việc trong lĩnh vực sưởi ấm và làm mát bằng Thái dương năng và 5.200 công việc trong lĩnh vực hội tụ năng lượng mặt trời (CSP).
Trước khi có chính sách thuế mới, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ cung cấp điện năng cho 13,7 triệu hộ gia đình Mỹ vào năm 2022. Tuy nhiên, dự báo này đã được điều chỉnh giảm hơn 10% sau khi áp dụng biểu thuế quan mới.