Chiều 24/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Hội nghị vinh dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Nguồn: VGP) |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường cùng dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, năm 2020 là một năm hết sức khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ để vươn lên hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của ngành NN&PTNT.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Các kết quả đạt được các chỉ tiêu tổng hợp năm 2020, như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Năm 2020, có 1.055 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc; đến hết năm 2020 phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 03 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hiếu) |
Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui khi trong bối cảnh khó khăn, ngành NN&PTNT vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì đảm bảo cho dân số 100 triệu dân, duy trì xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Thủ tướng cho rằng, trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp đạt rất cao, đặc biệt là sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan vượt khó, đổi mới sáng tạo, đóng góp quan trọng của thành tích chung của cả nước. Đặc biệt bà con nông dân chịu thương chịu khó vượt qua thiên tai, lũ dữ, bão lớn, dầm mưa, dãi nắng để cùng Chính phủ, các bộ, ngành vượt qua khó khăn để có thành công ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra...
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh, thành trong nước. (Ảnh: An Lê) |
Thủ tướng đề nghị, ngành NN&PTNN cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; phát triển thị trường, coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất...
“Với truyền thống vượt khó của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn và nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phương hướng năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 2,7 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS trên 2,8 - 3,1%; trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 19.500 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam; kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu và cơ bản hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. |
| Công bố bảng xếp hạng địa phương về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2019 TGVN. Trong các địa phương thuộc nhóm triển khai tốt trong quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Hà Nội xếp vị trí ... |
| Tôn vinh các “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần hai năm 2019 TGVN. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN & PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp ... |
| Kết nối tiêu thụ nông sản: Từ hợp tác xã đến siêu thị TGVN. Ngày 13/9, tại TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Chương trình tập huấn “Các hợp tác xã, tổ hợp tác và ... |