📞

Ngành thời trang tìm cách 'đại tu' sau kỳ 'ngủ đông' do Covid-19

An Lê 07:45 | 18/05/2020
TGVN. Mang đến nhiều thiệt hại nhưng cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 dường như lại đang tạo ra một cuộc cách mạng trong thương hiệu, phong cách cá nhân cũng như thay đổi các tuần lễ thời trang.

Cửa hàng thương hiệu Burberry tại Anh. (Nguồn: The New York Times)

Có nhất thiết phải là Tuần lễ Thời trang?

Khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, các Tuần lễ Thời trang Milan, Paris vẫn diễn ra đúng như lịch trình, mặc dù có rất nhiều cảnh báo về diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Nhưng khi các bệnh nhân Covid-19 bắt đầu xuất hiện trong ngành thì người làm thời trang phải tự hỏi các tuần lễ thời trang có cần thiết nữa hay không...

Vì vậy, đại dịch Covid-19 đã thành cơ hội để các chương trình diễn thời trang trải qua cuộc đại tu lớn. Lúc này, các thương hiệu xa xỉ quay sang thử nghiệm với nền tảng kỹ thuật số và cho phép người xem tương tác trực tiếp với nhà thiết kế. Nhiều hãng thời trang buộc phải dần chuyển sang trưng bày trên mạng.

Có thể khẳng định Covid-19 khiến chuỗi công nghiệp thời trang cao cấp phải thức tỉnh để hướng tới câu chuyện thời trang bền vững. Người ta có thể mong chờ ngành này trách nhiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn, áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo phúc lợi cho lực lượng lao động hơn.

Theo Financial Times, từ khi châu Âu áp lệnh phong toả, các nhà thiết kế và CEO của những thương hiệu xa xỉ như Giogio Armani cho đến Vetements, Gur Guram Gvasalia đã kêu gọi thay đổi trong ngành công nghiệp bằng cách hạn chế sản xuất.

Những thương hiệu xa xỉ được "ông lớn" chống lưng như LVMH và Kering được dự đoán sẽ hồi phục đầu tiên và bành trướng thị trường.

Các thương hiệu đơn lẻ trụ qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 như Prada, Ferrregamo, Burberry, Tod's sẽ phải xem xét lại bảng cân đối tài chính của mình...

Các show thời trang không còn nhất thiết phải đầu tư. (Nguồn: The New York Times)

Những xu hướng mới

Cũng theo Financial Times, không phải mọi thứ đều tồi tệ sau đại dịch. Tác động của ngành công nghiệp thời trang lên môi trường như lượng carbon tạo ra, hàng triệu lít thuốc nhuộm vải thải ra biển... giảm mạnh trong năm nay.

Phải giảm tải sản xuất, số lượng bộ sưu tập cũng sẽ ít hơn trong vài quý, thậm chí vài năm nhưng các thương hiệu Mỹ sẽ tái đầu tư vào sản xuất tại địa phương, trang bị thêm việc làm và kỹ năng mới.

Xu hướng mua sắm theo mùa dần biến mất khi nhà thiết kế tập trung vào các sản phẩm mang tính "cổ điển" có thể diện được quanh năm.

Sự chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm "không lỗi mốt" này sẽ dần mở lối cho các bộ sưu tập mới mẻ và hào nhoáng, giống như việc chia vải thời chiến đã mở đường cho bộ sưu tập New Look của Dior vào năm 1947 hay màn ra mắt của Nhà thiết kế Alessandro Michele cho Gucci vào năm 2015 sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Đặc biệt, với thu nhập giảm đi, người tiêu dùng trở nên thận trọng với hầu bao, coi mặt hàng xa xỉ là món đầu tư trong nhiều năm hoặc họ chỉ mua những món có giá trị bán lại.

Thay đổi trong hành vi tiêu dùng - nhu cầu túi xách hàng hiệu sẽ đổi sang các sản phẩm sức khoẻ, chăm sóc da, thực phẩm bổ sung, các lớp thể dục thẩm mỹ sẽ ngày một nhiều.

Trong hoàn cảnh mới, các thiết kế thời trang cũng thay đổi, chẳng hạn như phong cách “trikini” - một mẫu bikini có thêm khẩu trang đồng bộ về mặt màu sắc đối với bộ đồ bơi trong mùa hè năm nay.

Tờ Daily Mail cho biết, thiết kế này hiện đang gây sốt với nhiều chị em nữ giới dù ban đầu đó là một ý tưởng thiết kế có phần hài hước, nảy sinh khi một nhà thiết kế đồ bơi người Italy Tiziana Scaramuzzo phải ở nhà để cách ly xã hội đã nghĩ ra để… giải sầu.

Ý tưởng thời trang “trikini” thoạt tiên không phải một ý tưởng nghiêm túc, nhưng giờ đây, nhà thiết kế chủ sở hữu của thương hiệu thời trang đồ bơi Elexa này đã nhận được nhiều đơn đặt hàng cho “trikini”.

Tái tạo thương hiệu tại Việt Nam

Việc tái tạo thương hiệu sau dịch cũng là câu chuyện được các nhà thiết kế Việt Nam tính toán sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lý Giám Tiền - quán quân cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2014 phải chuyển hình thức kinh doanh của thương hiệu từ offline đến online cũng như phải học cách tuỳ cơ ứng biến với những việc xảy ra bất ngờ như Covid-19.

Mẫu thiết kế áo thân thiện môi trường của Tom Trandt. (Ảnh: Tom Trandt)

Khẳng định ngành thời trang sẽ hồi phục lâu hơn so với các ngành khác, nhà thiết kế Hoàng Minh Hà cũng khẳng định thời trang sẽ phải có một chuyến hành trình tìm kiếm những giá trị mới phù hợp với người tiêu dùng.

Điển hình trong xu hướng ấy là nhà thiết kết Tom Trandt đã cho ra mắt sản phẩm mới để thu hút khách là Áo thun sáng trưa chiều tối và bộ sưu tập No, Thanks! thân thiện với môi trường.

Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng cũng đã dành thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch cho một số thay đổi nhằm thích nghi với thời cuộc mới. Theo anh, sắp tới sẽ có hai xu hướng: những người sống tiết kiệm và những người có điều kiện sẽ hưởng thụ.

Vì vậy, anh dự kiến thực hiện song song giữa dòng cao cấp và dòng sản phẩm áo dài là dòng phổ cập tiện dụng và thoải mái.

Quan tâm đến phương thức kinh doanh trực tuyến, các nhà thiết kế như Thủy Nguyễn, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long hiện cũng triển khai một số dự án cộng tác với các trang thương mại điện tử giới thiệu các sản phẩm phân khúc giá bình dân hơn, cũng như cho ra mắt các dòng sản phẩm đầm đơn giản qua hệ thống bán trực tuyến, giới thiệu mini collection trên trang web.

Tất cả đều mong muốn có thể tìm được hướng phát triển phù hợp cho thương hiệu của mình, đồng thời đóng góp vào việc phục hồi ngành thời trang Việt hậu Covid-19.

(tổng hợp)