📞

Ngày 1/6, nghĩ về những đứa trẻ ‘cách ly’ bố mẹ do Covid-19

Lưu Đình Long 15:05 | 01/06/2021
Thương! Một chữ này có thể lột tả tình cảm mà cộng đồng dành cho các bạn nhỏ nằm trong diện F1 phải vào khu cách ly do Covid-19, phải tự ăn, tự sinh hoạt.
Ngày 1/6, thương những đứa trẻ xa cha mẹ vì Covid-19.

Hình ảnh mà báo chí và mạng xã hội lan tỏa trước ngày 1/6 (Quốc tế Thiếu nhi) tại Khu cách ly 16, Tiểu đoàn 16, Trường Sĩ quan Chính trị, đóng tại thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã chạm đến trái tim nhiều người.

Trong đợt dịch trước ở Hà Nội, có những bạn nhỏ tiểu học cũng đã tạm xa gia đình đi cách ly 14 ngày, một “khóa học” ngoài chương trình, bất ngờ và không ai mong muốn. Nhưng Covid-19 đã không chừa bất kỳ ai - nếu chẳng may gặp phải nguồn lây trong cộng đồng.

Tội nghiệp nhất là người dân bình thường trên khắp hành tinh này. Tội nghiệp hơn nữa vẫn là trẻ em, vô tư chưa biết gì nhưng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi đại dịch. Đâu đó trên thế giới, có những trẻ thơ mồ côi vì bố mẹ tử vong do Covid-19. Thật khó diễn tả nỗi mất mát này.

Trở lại nỗi niềm của trẻ khi phải xa bố mẹ đi cách ly và cả các bé có bố mẹ là thành viên trong tuyến đầu chống dịch, nhiều ngày không được gặp. Đối với trẻ thơ, cố nhiên, ai cũng sẽ dành tình cảm đặc biệt, với lòng thương vô điều kiện. Do vậy, với con cháu mình, tình thương ấy thường sẽ bội phần.

Trẻ cũng thế, nên mới có chuyện một bé gái 20 tháng tuổi khi thấy mẹ trong tivi đã khóc òa, vì thương nhớ. Mẹ bé xa nhà làm nhiệm vụ chống Covid-19 ở tâm dịch Bắc Giang. Đó là lệnh điều động của công việc nhưng cũng là sự dấn thân vì tiếng nói trái tim của người thầy thuốc.

Chợt nghĩ, nước mắt của trẻ thơ, hình ảnh chấn động lòng người từ khu cách ly mà F1 gồm những bạn nhỏ có gợi lên tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong cộng đồng hay mọi người lại lướt qua, tiếp tục chủ quan?

Cuộc sống vốn nhiều áp lực, đầy khó khăn; đại dịch đã làm cho những điều đó tăng thêm theo thời gian. Đôi khi chỉ vì một vài người vô ý hoặc vô ý thức đã trở thành mối nguy cho cộng đồng. Chúng ta thường không đội trời chung với đối tượng được cho là phát tán virus, nhưng có khi bằng cách nào đó, chúng ta đang tiếp tay cho họ.

Tuần qua, hình ảnh nụ cười của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu - công tác tại khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh được lan tỏa như một nét đẹp lạc quan trong dấn thân vào chiến tuyến chống dịch. Nhiều người cảm phục nhưng có ai cảm thấy mình cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm phối hợp cùng những người tuyến đầu để đẩy lùi Covid-19 với những biến thể nguy hiểm hơn?

Chỉ cần chúng ta ở yên, chỉ cần mỗi người ý thức nguyên tắc 5K là mình đã có thể góp sức cho cuộc chiến thành công và sớm kết thúc hơn. Và đó cũng là để cho những đứa trẻ sớm được về nhà hoặc được gặp lại bố mẹ mình - những chiến sĩ trong tuyến đầu.

Chính phủ cùng nhiều tập thể, cá nhân đang nỗ lực - góp sức mua thêm và sớm mua đủ vaccine Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu dân, nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng. Mỗi người trong khả năng cũng có thể đóng góp cho dây chuyền này vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thật xúc động khi đọc những dòng này của bác sĩ Hiệu, viết từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang: “Bắc Giang nóng đổ lửa, như muốn thiêu đốt cái ngột ngạt căng thẳng ròng rã hơn một tháng qua. Dịch dã tưởng chừng như nuốt chửng lấy những con người nơi đây. Thế nhưng không! Một chút dễ thương của những món quà mà Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang gửi cho các bé, là con nhân viên của bệnh viện, làm mọi người trở nên rộn ràng, những cuộc điện thoại rôm rả cho các con ở nhà để khoe quà.

Và bố Ninh ở chung phòng với mình cũng không ngoại lệ, điện về khoe con gái, hai bé nhảy cẫng lên vui mừng vì thích quá, nào truyện, nào búp bê. Thế rồi mấy bố con bàn tính sẽ chia quà như thế nào cho hai chị em, rồi bố đọc truyện cho hai chị em nghe...

Xong cuộc trò chuyện, mặt bố vẫn chưa hết cái khí thế vui vẻ với con gái quay qua nói với mình: “Tụi nhỏ ở nhà thích quà lắm, chả có thích tiền đâu. Mỗi khi nghe quà là nhảy tưng lên chú Hiệu à!”. Rồi mặt anh giãn ra một chút: “Mà giờ thì không biết... khi nào mới đem quà ra cho hai chị em nó được đây. Tính ra ở luôn trong này cả tháng rồi...”. Mình im lặng! Nghe lồng ngực nóng rang lên như có ai đó bóp ngặt. Thầm nghĩ: “Mình có là gì đâu! Anh hùng của bé là bố chứ còn ai đây nữa mà!”.

Vâng, dịch bệnh đã tạo ra những anh hùng, những sáng kiến giúp cải thiện cuộc sống của người yếu thế, làm tăng thêm những giá trị yêu thương vốn dĩ được nuôi dưỡng ngàn đời nay của dân tộc Việt.

Đâu đó, nó cũng đã giúp con người nhận ra bình yên là bên người thân thương. Hay được tặng một món quà ngày 1/6 cho con đôi khi đã là hạnh phúc lớn lao. Những bạn nhỏ còn được bố mẹ tặng quà, được nhận quà từ bố mẹ hôm nay thật may mắn. Nhưng những bạn nhỏ cách ly để có ký ức về tự lập từ khu cách ly, ở góc nào đó cũng có thể xem là học kỳ trải nghiệm thú vị ngoài giáo án ở trường tiểu học.

Và với những bạn nhỏ có bố mẹ đang dấn thân làm nhiệm vụ chống dịch, món quà búp bê có thể chưa được gửi về nhưng món quà về niềm tự hào vì có người thân mình từng là chiến sĩ quả cảm trên mặt trận chống Covid-19 sẽ được các con mang theo suốt đời, nó thật lớn lao, đáng quý. Như bác sĩ Hiệu nói, bố là anh hùng của con chứ đâu!