TS. Cù Văn Trung cho rằng, chuyển đổi số quốc gia giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức của người dân. |
Dấn thân trong ứng dụng chuyển đổi số
Năm 2023, chủ đề của Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10) là "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Có thể nói rằng, về mặt cơ hội, chuyển đổi số giúp quốc gia chính là tận dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật... giúp cải thiện chất lượng, hiệu quả tiếp cận các dịch vụ công, tăng cường giao tiếp và hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước và người dân.
Chuyển đổi số quốc gia cũng giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh tế mới, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường toàn cầu; giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức của người dân trong xã hội học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều thách thức, bởi lẽ, chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi sự thay đổi lớn về nhận thức, hành vi và văn hóa của các cá nhân, tổ chức trong việc ứng dụng công nghệ số, an ninh mạng, bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư. Tiến trình này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
Thật vậy, đứng trước thách thức của kinh tế, mỗi bạn trẻ càng phải dấn thân trong việc ứng dụng chuyển đối số để hiểu và tối ưu công việc của mình. Các bạn trẻ phải cập nhật, học tập và ứng dụng các công nghệ thông tin ngay từ bây giờ. Bởi nếu không nhanh, chỉ trong khoảng vài năm nữa thôi, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cũng như độ mở của cơ chế, chính sách nước ta, người trẻ sẽ lâm vào tình trạng lạc hậu một cách không đáng có. Thậm chí, nhiều công việc thuần túy, đơn giản như trả lời tự động, tư vấn, văn thư… đều bị công nghệ thay thế.
"Để trở thành một công dân số có trách nhiệm, người trẻ phải luôn trên tư thế học hỏi, ứng dụng số một cách có trách nhiệm và chủ động 'chuyển mình'". |
Thế hệ các bạn nhỏ, các cháu thiếu nhi hiện nay được học lập trình, công nghệ thông tin từ rất sớm. Chính những lực lượng này sẽ “trám” vào các vị trí, công việc trong tương lai. Có thể nói, các bạn trẻ hiện nay nếu chủ quan, thiếu chủ động học tập các kỹ năng cần thiết thì nguy cơ tụt hậu diễn ra trông thấy.
ChatGPT khiến những người làm truyền thông, viết content (nội dung) cũng phải thay đổi cách làm, cách nghĩ về nghề. Hiệu ứng đám mây, tích hợp nhiều dữ liệu, ứng dụng và tính năng giúp cho các nhà vườn, biệt thự tiết kiệm được nhân công, bảo vệ, tưới cây, đèn điện thắp sáng. Dạy học bây giờ nhiều nơi không cần phòng ốc vì học qua zoom, học trực tuyến, kinh doanh, buôn bán nhiều người không phải thuê mặt bằng to, rộng…
Hiện nay, trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta chưa thấy được những diễn biến và tác động to lớn của công nghệ số hóa. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, những hiện tượng trên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Do đó, các bạn trẻ đừng chần chừ đổi mới, hãy năng động, học tập và cập nhật kiến thức không ngừng.
Ngay ở Hà Nội đây thôi, gần cổng Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông - một doanh nghiệp được coi là hình mẫu trong quá trình chuyển đổi số - có treo khẩu hiệu “Xã hội tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”.
Tôi cho rằng, lãnh đạo công ty này đã nhận thức rất sâu sắc về sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0 và họ mong muốn người lao động hãy cập nhật công nghệ, học tập không ngừng. Do đó, một khẩu hiệu rất dễ hiểu, mộc mạc như thế được treo lên.
Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng chính là thách thức đối với các bạn trẻ. (Nguồn: IADB) |
Người trẻ phải luôn trên tư thế học hỏi
Trong cuộc chuyển đổi số hiện nay, các bạn trẻ ngày càng tiếp cận nhiều với mạng xã hội. Những cạm bẫy, rủi ro trên không gian mạng không khác gì đời thực. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ bị dẫn dắt, được “bơm” sự liều lĩnh của công nghệ ảo. Tội phạm về công nghệ cao, an ninh phi truyền thống thách thức các bạn trẻ phải hết sức cảnh giác. Bởi không có gì nhanh bằng công nghệ, không ghi hấp dẫn hơn bằng cách kiếm tiền nhàn nhã từ công nghệ.
Với kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình, không ít lần tôi chứng kiến sự ăn nên, làm ra của một số bạn trẻ nhưng cũng rất đau lòng vì những lỗi ngớ ngẩn của họ khi sử dụng ứng dụng công nghệ. Vì thế, với độ mở của nền kinh tế hiện nay, cần hết sức lưu ý "độ hở" trong kinh doanh của giới trẻ. Họ phải thực sự cầu tiến, nắm rõ các quy định của pháp luật để làm việc chắc chắn, bền vững.
Có thể nói, với tư cách của một phụ huynh, tôi cũng như nhiều người thực sự quan ngại, lo lắng về mặt trái của công nghệ số. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta vẫn phải học tập lứa các em về tri thức công nghệ mới của thời đại 4.0. Thế hệ cha mẹ truyền thống không hiểu hết được các hành động của con em mình, từ học tập, công việc đến mối quan bạn bè, có những thứ vượt qua tầm với. Vì thế, việc cảnh báo các hệ lụy từ công nghệ số và thực hiện nền giáo dục toàn dân, học tập suốt đời phải được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, mạnh mẽ trong xã hội.
Chúng ta có nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể được lập ra để chăm lo và bảo vệ trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Cục Bảo trợ trẻ em, Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, đường dây nóng 111, Tổng đài Quốc gia về trẻ em, giới luật gia cũng có Hội bảo vệ quyền trẻ em mà thành viên là những luật sư có tiếng, có trách nhiệm cao với xã hội.
Hiện nay, các cơ quan chức năng ở nước ta đang cố gắng phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Youtube… nhằm kiểm soát, ngăn chặn các tin xấu tin độc, các clip bạo lực, bạo hành trẻ em, phản cảm hoặc trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhìn chung, thời gian gần đây các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất tốt công tác kiểm soát các tin xấu, tin sai sự thật, các clip nhạy cảm...
Theo tôi, thời gian tới, cần tiếp tục mạnh tay hơn nữa, xử phạt nặng những kênh nhảm nhí, youtuber câu view, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền; chia sẻ, tuyên truyền để tẩy chay những clip độc, hình ảnh gây sợ hãi cho trẻ em; thực hiện các nút dislike hay báo xấu, báo khóa kênh…
Những giải pháp của các cơ quan chức năng thường cũng rất đa dạng, tuy nhiên, hoạt động quản lý trên một không gian rất rộng, với nguồn lực về tài chính, nhân sự chưa đủ lớn nên giai đoạn này, sự chủ động của mỗi gia đình, người dân trong việc bảo vệ bản thân và con em tránh xa các tác nhân tiêu cực trên thế giới ảo vẫn là giải pháp kịp thời và hữu hiệu nhất.
Có thể nói, để trở thành một công dân số có trách nhiệm, người trẻ phải luôn trên tư thế học hỏi, ứng dụng số một cách có trách nhiệm và chủ động "chuyển mình". Không có sự nhảy vọt, không có gì là mơ màng, “không thể đi tắt để làm người” được, các em cần giữ những nhịp điệu bình ổn trong cuộc sống.
Hơn thế, các em cần cố gắng hoàn thiện mỗi ngày, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức, tận dụng những cơ hội mà công nghệ mang lại. Đồng thời, tự tin và kịp thời bổ sung những gì mình cảm thấy thiếu để chuẩn bị hành trang đầy đủ, sẵn sàng nắm bắt tương lai và cơ hội.
Năm 2023 được gọi là Năm dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia. Chủ đề Ngày chuyển đổi số năm nay cũng hướng tới mục tiêu “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân. Cũng trong tháng 10 này, chương trình “Tháng tiêu dùng số” được khởi động với rất nhiều ưu đãi về sản phẩm, dịch vụ số cho người dân. |