Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, TS. Vũ Thu Hương đã chia sẻ quan điểm của mình về vị trí, vai trò của giáo viên. (Ảnh: NVCC) |
Có người cho rằng, sức mạnh của trường học nằm ở nhân cách và trí tuệ người thầy. Bà có cùng quan điểm?
Tôi cho rằng, nghề giáo là nghề rất đặc biệt, đặc thù với đối tượng là nắm giữ và điều khiển sự trưởng thành của những con người. Dù phương pháp giáo dục đã được đào tạo bài bản nhưng quan điểm giáo dục, tính cách của từng người, mỗi giáo viên sẽ gặt hái các hiệu quả giáo dục khác nhau. Nhân cách, trí tuệ chưa đủ, kỹ năng và cả sự trải nghiệm của mỗi giáo viên sẽ đem lại các hiệu quả khác nhau. Vì thế, sức mạnh của trường học nằm ở trong từng giáo viên, đặc biệt là người đứng đầu.
"Để đảm bảo điều kiện và quyền của người thầy, những nhà quản lý giáo dục cần lên tiếng bảo vệ người thầy khi cần thiết. Người thầy cần những tiếng nói sáng suốt mang lại công bằng cho họ hơn mọi thứ trên đời". |
Hơn nữa, sức mạnh của trường học còn nằm ở các quy định cụ thể và nghiêm túc. Sống trong một môi trường rành mạch về đúng và sai, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái. Miễn là thực hiện nghiêm túc các quy định thì mọi sự tôn trọng đều có thể được đảm bảo. Sức mạnh ở các quy định, các nội quy có giá trị hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ.
Làm sao để thầy cô giáo có thể được “đảm bảo quyền” định hướng cũng như vun trồng nhân cách, tri thức cho trẻ?
Người thầy để có thể giáo dục trẻ cần phải có uy. Cái uy của người thầy phải đến từ trí tuệ, kỹ năng, nhân cách và sự đóng góp của họ cho giáo dục và cho trẻ. Ngoài ra, thái độ của xã hội và gia đình dành cho thầy cô sẽ ảnh hưởng nhiều đến cái uy này.
Với những giáo viên bị xã hội hạ thấp sẽ rất khó để giáo dục trẻ. Người thầy là một trong hai lực lượng có trách nhiệm giáo dục trẻ. Khi họ bị mất uy sẽ không có đủ vũ khí để giáo dục trẻ. Khi đó, các con sẽ gặp nhiều vấn đề mà không phải lúc nào cũng có thể kịp thời xử lý.
Với người thầy, tiền lương đôi khi không phải là vấn đề lớn nhất. Hạ thấp vị trí người thầy khiến họ mất đi cơ hội được làm nghề, khiến cho nghề nghiệp bị mất hết sự hấp dẫn mới chính là vấn đề.
Để đảm bảo điều kiện và quyền của người thầy, những nhà quản lý giáo dục cần lên tiếng bảo vệ người thầy khi cần thiết. Người thầy cần những tiếng nói sáng suốt mang lại công bằng cho họ hơn mọi thứ trên đời.
Nhưng người thầy cũng phải thay đổi ra sao để bắt nhịp được với sự thay đổi của giáo dục?
Dĩ nhiên, để người thầy rơi vào những áp lực, không thể chỉ ở một phía là cái nhìn khắt khe của xã hội. Đã có không ít người thầy không hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, để lòng tham làm mờ mắt hoặc khả năng quản lý cảm xúc kém đã gây ra những bức xúc trong học sinh và dư luận.
Theo tôi, người thầy cần biết cách quản lý và kiềm chế cảm xúc của mình, điềm tĩnh tìm hiểu sâu sắc hơn tâm lý học trò, hoàn thành tốt nhất nghĩa vụ của mình bên cạnh việc cập nhật các thông tin và xu hướng mới.
Cô giáo Vũ Minh Hiền và các bạn học sinh trong giờ ngoại khóa. (Ảnh: MH) |
Thái độ của phụ huynh về giáo dục cũng như ứng xử với giáo viên sẽ tác động, ảnh hưởng thế nào đến vị trí của người thầy?
Phụ huynh là đối tác quan trọng, là người đồng hành cùng nhà giáo trong quá trình giáo dục và xây dựng nhân cách cho trẻ. Khi cha mẹ nhận thức nghiêm túc trách nhiệm của bản thân, phân định rõ ràng phần việc của cha mẹ và thầy cô, hợp tác với thầy cô trong giáo dục trẻ thì hiệu quả sẽ tăng lên.
Ngoài ra, cha mẹ là số phận con cái, cha mẹ chính là nhân tố quan trọng nhất, chiếm đến hơn 90% hợp phần hình thành nhân cách và số phận trẻ. Người làm cha mẹ hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với phương pháp đúng đắn sẽ tạo ra những đứa trẻ ổn định về nhân cách, nghiêm túc về hành vi và trách nhiệm trong công việc. Khi đó, công việc giáo dục của nhà giáo sẽ vô cùng nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả.
"Với người thầy, tiền lương đôi khi không phải là vấn đề lớn nhất. Hạ thấp vị trí người thầy khiến họ mất đi cơ hội được làm nghề, khiến cho nghề nghiệp bị mất hết sự hấp dẫn mới chính là vấn đề". |
Ngược lại, với những gia đình có cha mẹ thiếu trách nhiệm giáo dục trẻ, mang theo các suy nghĩ và quan niệm sai lầm hoặc đẩy hết trách nhiệm giáo dục trẻ cho thầy cô, nhà trường thì sẽ tạo ra những đứa trẻ có nhiều vấn đề. Khi đó, việc giáo dục trẻ chẳng hề dễ dàng.
Đó là chưa kể sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình hiện tại chưa tốt, đôi khi nghi kị hoặc coi nhau như kẻ thù thì việc giáo dục trẻ không những không thành công còn đem lại rất nhiều những hệ quả xấu cho trẻ.
Thực tế đã chứng minh, cùng một lớp học với một người thầy nhưng học trò lại có các số phận hoàn toàn khác nhau. Kết quả đến từ các cách giáo dục khác nhau ở từng gia đình.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, bà có thể chia sẻ điều quan trọng nhất đối với một người thầy là gì?
Tôi nghĩ, người thầy không được phép cho bản thân mình sống với cảm xúc bồng bột. Trên hết mọi thứ, trách nhiệm hỗ trợ học sinh trưởng thành là của người thầy và họ phải ý thức rõ điều này. Đồng thời, họ luôn phải tự vấn lương tâm trước những sai sót của chính mình. Chính sự can đảm nhận diện sai lầm của người thầy sẽ là bài học vô cùng giá trị để rèn luyện nhân cách cho trẻ.
Thời gian vừa qua có khá nhiều giáo viên nghỉ việc. Theo bà vì lương thấp hay còn lý do nào nữa?
Người thầy sống bằng tình yêu với trẻ, đôi khi lương thấp không phải là vấn đề chính. Là nhà giáo, họ mong muốn góp công sức của mình để bồi đắp nhân cách và trí tuệ cho trẻ. Khi xã hội quay lưng lại với người thầy, hoặc chưa đặt niềm tin nơi người thầy, hẳn là họ sẽ làm việc đó một cách vô cùng khó khăn, nhiều thầy cô rối trí, rơi vào tình trạng mất kiểm soát và dễ gây ra sai sót. Thậm chí, không ít người cầm phấn không chịu nổi áp lực của nghề đã phải nghỉ việc để tìm lối rẽ khác.
Tôn trọng người thầy, tạo điều kiện và phối hợp với họ để giáo dục trẻ là điều mà người thầy mong mỏi nhất, hơn cả đồng lương.
Xin cảm ơn bà!