Nhỏ Bình thường Lớn

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Người thầy đúng nghĩa không cần tô vẽ hay 'hóa trang' thành người khác

TGVN. GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh khẳng định, với mỗi nhà giáo, để trở thành người thầy đúng nghĩa, hãy là người thầy như bản thân mình đang có, không cần tô vẽ hay 'hóa trang' thành một người khác.
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Mỗi nhà giáo phải luôn đổi mới và cập nhật tri thức
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, hãy là mỗi nhà giáo như bản thân mình đang có, không cần tô vẽ hay “hóa trang” thành một người khác. (Ảnh: NVCC)

Là một người làm công tác quản lý ở trường Sư phạm, ông nghĩ sao về đạo đức nghề giáo thời nay?

Trước hết, bất kỳ nghề nào cũng cần có đạo đức nghề và đây là yêu cầu mang tính bắt buộc. Hơn hết, mỗi người làm nghề tiếp xúc với con người cần có đạo đức nghề nghiệp.

Riêng với nghề giáo, nghề mà từng hành vi, lời nói, cử chỉ, tác phong, nhân cách đều để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm trí của con người thì đạo đức nhà giáo lại càng trở nên quan trọng hơn. Bởi chỉ có đạo đức nghề giáo mới làm người ta theo nghề một cách quyết tâm và có sự hy sinh, nhún nhường hay kiểm soát mình, tự chủ cảm xúc.

Chỉ có đạo đức nghề giáo mới làm cho người thầy trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn sau mỗi trang bài giảng, sau mỗi buổi lên lớp hay sau những thông tin đầy cảm xúc, những trăn trở từ người học.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp ...

Nghề giáo đang gặp những thách thức gì? Có phải người thầy đang phải "gồng gánh" quá nhiều áp lực từ nhiều phía, về tinh thần lẫn vật chất?

Nghề nào cũng có những áp lực khác nhau và trong bối cảnh xã hội hiện nay, áp lực từ cuộc sống, từ con người và từ những sự đổi thay một cách tự nhiên là điều rất bình thường, nghề giáo cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, thật may mắn vì người Việt có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Hơn nữa, chính sự tương tác văn hóa giữa con người và con người luôn là vấn đề được quan tâm nên người thầy dù ở thời đại nào cũng đều ý thức được trách nhiệm của mình.

"Người thầy không chỉ hạnh phúc khi hoàn thành bài giảng hay, điều quan trọng khi bài giảng ấy làm thay đổi một hành vi, một cuộc sống, thậm chí một số phận", GS. TS. Huỳnh Văn Sơn.

Nhưng, không thể phủ nhận một số nhà giáo vẫn bị căng thẳng không đáng có từ phụ huynh, từ chính học sinh của mình và cả những định kiến nhất định. Áp lực về thành tích, những khó khăn, thử thách và những hiểu lầm khiến nghề giáo chịu không ít tác động và đầy sức ép.

Làm nghề mới thấy để có những bài giảng rung cảm và sâu sắc không phải dễ. Để có thể điều chỉnh hành vi lệch chuẩn của một học sinh không thể đếm những giọt mồ hôi đổ và cả những giọt nước mắt âm thầm. Để có thể làm hài lòng người học, thầy cô phải nén lòng mình và đầu tư đáng kể về tâm trí.

Bản thân nhà giáo phải thay đổi, chuyển mình ra sao để thích ứng với những đổi mới cũng như vượt qua mọi thách thức?

Tôi nghĩ nghề nào cũng cần phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, cần nhìn thấy nghề giáo với thách thức và kỳ vọng không những về tài năng mà cả đạo đức, ứng xử của một thế hệ nên nhà giáo phải không ngừng hoàn thiện bản thân.

Là người chuyển giao tri thức, gợi mở tâm hồn, đồng hành để người học vào đời, buộc mỗi nhà giáo phải luôn đổi mới và cập nhật tri thức. Hơn thế nữa, nghề giáo buộc mỗi giáo viên phải điều chỉnh bản thân và có trách nhiệm nhiều hơn với nghề của mình.

Người thầy không chỉ hạnh phúc khi hoàn thành bài giảng hay, điều quan trọng hơn khi bài giảng được người học ủng hộ và ứng dụng. Càng tự hào nếu bài giảng ấy làm thay đổi một hành vi, một cuộc sống, thậm chí một số phận.

Xin hãy nhìn thấy sự kỳ diệu của nghề giáo với những cống hiến thầm lặng, những sự thay đổi từng chút một cho cây đời nhân cách tươi xanh và đơm hoa, kết quả người, thay vì cứ nhìn những điểm số vô tri vô giác.

Phải chăng đã đến lúc giáo viên cần được “cởi trói”, được sẻ chia, được làm một người thầy đúng nghĩa?

Tôi cho rằng hãy là người thầy như bản thân mình đang có, không cần tô vẽ hay “hóa trang” thành một người khác. Thầy của thời nay cần thật và thực bởi không ai hoàn hảo từng milimet. Thầy vẫn là con người, vẫn có những hạn chế, vẫn có chút đặc trưng ở độ tuổi của mình hay kinh nghiệm bản thân.

Nhưng thầy cô không được làm chính mình xấu xí hay quên đi nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghề. Cần dạy đúng, dạy chính xác; cần giáo dục học trò bằng rung cảm chân thành và lý trí khi làm nghề là thế

Nhưng thầy cô cũng cần phải nhận ra sự hạn chế hay chưa hoàn thiện của bản thân để không ngừng cố gắng. Nếu sự cố gắng ấy vì bản thân ta khi làm nghề, sẽ rất cần nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn khi sự cố gắng vì tương lai của lớp lớp học trò, của tình thương yêu và kỳ vọng.

"Xin hãy nhìn thấy sự kỳ diệu của nghề giáo với những cống hiến thầm lặng, những thay đổi từng chút một cho cây đời nhân cách tươi xanh và đơm hoa, kết quả người, thay vì cứ nhìn những điểm số vô tri vô giác", GS. TS. Huỳnh Văn Sơn.

Bên cạnh chuyên môn, người giáo viên phải học cách cân bằng và hài hòa cảm xúc ra sao, thưa ông?

Với sự cầu thị, chúng ta phải luôn ý thức về bản thân và không ngừng điều chỉnh chính mình. Cá nhân tôi, mỗi ngày làm nghề và được đồng hành cùng đồng nghiệp làm nghề, tôi thấy mình đổi thay nhiều hơn.

Để trở thành nhà giáo chân chính đúng nghĩa, có lẽ phải đủ trải nghiệm và có bản lĩnh mới thay đổi được chính mình. Để bớt đi sự nóng nảy, đừng chờ đợi hậu quả từ ứng xử mà hãy nhìn thấy sự xấu xí của mình trong gương để tránh những nguy cơ. Để giảm đi sự giận dỗi hay sự tức tối, hãy ước lượng được sự tổn thương của học trò. Người thầy - hãy bao dung hơn để thấy giá trị của sự mềm mại và tha thứ.

Tôi học những bài này từ việc làm nghề, từ sự dạy dỗ của thầy cô và cả những tâm sự đầy cảm xúc nghe đến nao lòng, xa xót để hiểu về yêu cầu nghề trong thực tế.

Vậy văn hóa ứng xử giữa thầy với thầy, thầy với trò, thầy với phụ huynh thực tế hiện nay ra sao?

Mối quan hệ thầy cô - học trò ngày nay đã có những thay đổi theo hướng công bằng hơn, cân bằng hơn và nhiều thế hệ học trò vẫn kính trọng các thầy cô giáo. Ngược lại, thầy cô giáo vẫn rất thương yêu học trò, có phần ít khắt khe hơn, không kỳ vọng quá mức như trước.

Nếu là thầy cô có tâm, hết lòng, hết sức, dù có yêu cầu cao với học trò, dù uốn nắn học trò bằng sự nghiêm khắc thì chúng ta vẫn là một nhân cách đáng trân quý.

Đặc biệt, quan hệ đồng nghiệp ngày nay đã có phần cải thiện đáng kể. Nghề giáo đã có những thách thức để đồng nghiệp hiểu nhiều hơn về nhau, về nghề.

Song song đó, mối quan hệ giữa thầy cô với phụ huynh vẫn xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng. Tôi nghĩ, trừ những trường hợp quá có vấn đề từ một hay hai phía, chẳng có lý do gì không quý mến nhau, trân trọng nhau. Thầy cô và phụ huynh nếu cùng kết nối, sẻ chia trách nhiệm giáo dục, cùng hướng đến mục tiêu: con nên thân, học trò nên người thì cớ sao chúng ta không vì nhau nhiều hơn nữa?

Là một trong những trường đào tạo giáo viên trọng điểm của cả nước, theo ông phải làm gì để nâng cao đạo đức và nghiệp vụ cho nhà giáo, để họ không phải lúng túng, có thể ứng phó với mọi tình huống?

Tôi cảm ơn câu hỏi này và xin ý thức cao về trách nhiệm của chúng tôi. Trước hết, xin khẳng định trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là trường duy nhất có học phần Nhập môn nghề giáo trong đó có nội dung Đạo đức nghề giáo. Giảng viên phụ trách môn này được trường, các khoa cân nhắc và giao trách nhiệm rất rõ ràng.

Hơn thế nữa, trường là cơ sở có khóa học đào tạo trực tuyến hoàn toàn học phần này và có minh chứng về hiệu quả khi so sánh với học trực tiếp. Ngoài ra, khóa học Đạo đức nhà giáo cũng là khóa học chúng tôi xây dựng trực tuyến và được thầy cô giáo ở thành phố Cần Thơ rất ủng hộ. Chúng tôi cũng có lộ trình khai thác học phần này bồi dưỡng thường xuyên cho các tỉnh thành như trách nhiệm của người đào tạo.

Làm được điều đó, mỗi giảng viên phải không ngừng cố gắng và chính cá nhân tôi khi phụ trách xây dựng và phát triển các khóa học này đã luôn cân nhắc từng câu chữ, từng cách thể hiện bằng cả tâm huyết cũng như sự tự ý thức về nghề. Đồng thời, tuân thủ những chỉ đạo của Bộ, ngành nhất là Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề rèn luyện đạo đức nhà giáo.

Tôi tin rằng đây là sẽ một trong những điểm nhấn trong hành trình làm nghề của mình từ lương tâm của người đã chọn nghề và nghề đã trao cho mình những trách nhiệm đáng quý.

Xin cảm ơn GS.TS!

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp ...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đừng thấy sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận công lao của nhà giáo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đừng thấy sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận công lao của nhà giáo

TGVN. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vai trò của giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội. ...

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy'

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy'

TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (nguyên Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ...

(thực hiện)