Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italy, ngày 12/5/1959. (Ảnh tư liệu) |
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua bao khó khăn, nhiều khi nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Những ngày tháng bị bắt oan, bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác đã viết hơn 100 bài thơ chữ Hán ghi lại trong cuốn sổ tay những sự việc, suy nghĩ, tình cảm của mình trong năm tháng ở trong lao tù được chính Bác đặt tên là Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), trong đó, bài Thế lộ nan (Đường đời hiểm trở) có những câu:
“Ta là đại biểu dân Việt Nam,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” tại nhà giam!
Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xử thế khó khăn hơn”.
Kiên định trong sách lược
Xử thế trước đây đã khó, nay càng khó khăn hơn là lời khuyên mọi người, và trước hết là lời “tự bạch”, khuyên bảo chính mình phải vượt lên mọi hoàn cảnh để chiến thắng. Tư tưởng, tâm thế, phẩm cách này và rất nhiều yếu tố khác đã hun đúc nên vĩ nhân Hồ Chí Minh, giúp Bác tự tin, sáng suốt, bình tĩnh xử trí khôn khéo mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước.
Hầu như tất cả cán bộ ngoại giao lão thành và đương thời ở nước ta và nhiều chính khách, nhà ngoại giao, học giả trên thế giới đều khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam.
Tin liên quan |
Những mốc son đối ngoại và hội nhập nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII |
Trong cuốn sách Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, tư tưởng và phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh gồm: tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; ứng xử linh hoạt; nói giản dị, dễ cảm hóa, thuyết phục và viết ngắn gọn, hàm xúc, dễ hiểu. PGS.TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng, trong hoạt động ngoại giao, đặc điểm lớn của Hồ Chí Minh là “kiên định các vấn đề chiến lược, các vấn đề nguyên tắc, lợi ích sống còn của dân tộc, song vô cùng mềm dẻo các vấn đề về sách lược”.
Trong Hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy, nguyên Trợ lý ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ trách công tác đối ngoại với chính quyền Tưởng Giới Thạch và Hoa kiều, ghi rõ: “Lần đầu tiên Bác đến thăm Lư Hán tại Phủ Chủ tịch hiện nay, họ Lư cho một viên quan tùy tùng ra đón, để Bác ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi. Hành xử như vậy nhưng sau cuộc trò chuyện, Lư Hán đưa Bác ra tận cổng, tiễn Bác lên xe, rồi mới vào.
Những lần sau Bác đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác”. Tiêu Văn, một tên tướng có bề ngoài nho nhã, tỏ ra rất biết điều, khi ông ta cùng vợ sang Việt Nam, Bác Hồ đã cho mở tiệc chiêu đãi cả hai vợ chồng. Các cuộc gặp này (với Lư Hán và Tiêu Văn) tạo được chuyển biến tốt để thực hiện chủ trương hòa với Tưởng ở miền Bắc để đánh Pháp ở miền Nam.
Đây là thời điểm sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, còn non yếu, lại phải đối phó với các lực lượng ngoại bang Tưởng, Anh, Pháp… dưới danh nghĩa quân đồng minh vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất là muốn lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ đã ứng xử ngoại giao khôn khéo, quyết đoán, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong mọi tình huống. Trên đây là một trong rất nhiều ví dụ thể hiện cách xử thế mềm dẻo của Bác Hồ trong đối ngoại.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có cách nói, cách viết khác nhau cho phù hợp, nhưng lúc nào cũng giữ vững sự thống nhất trong tư tưởng ngoại giao của người đại diện anh minh cho dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đang vươn tới tự do, hạnh phúc.
Khi khẳng định về quyền dân tộc cơ bản, bao gồm: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những nội dung tiến bộ mang tính pháp lý và đạo lý có tính phổ quát của nhân loại trong các bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp, trong đó có nội dung về những quyền cơ bản của con người, đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trên cơ sở khẳng định những quyền cơ bản của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận và khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của tất cả các dân tộc trên thế giới đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Khi viết, nói chuyện hoặc trao đổi với người đối thoại trong, ngoài nước về quan hệ quốc tế, Bác Hồ có nhiều cách viết, cách trả lời khác nhau, nhưng đều thể hiện một tư tưởng nhất quán trong đối ngoại.
Trong “Bài nói tại Hội những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế”, ngày 7/2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình”.
Trong “Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước” ngày 13/1/1947, Người viết: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp”; “Việt Nam là một bộ phận trong nền hòa bình chung toàn thế giới. Thực dân Pháp gây nên chiến tranh ở Việt Nam, tức là phá hoại thế giới hòa bình”.
Trong bài nói chuyện “Trả lời nhà báo Mỹ S. Êli Mâysi” tháng 9/1947, khi được hỏi về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: (Việt Nam muốn) “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Hay khi “Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan)”, Người đã khẳng định: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”. Khi nói chuyện với cán bộ ngoại giao, Người căn dặn: “Các chú phải làm sao để mỗi người bạn quốc tế đến nước ta là gần và yêu Việt Nam thêm một chút”; “Ta phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.
Một vài dẫn chứng trên cũng tương đối đủ để khẳng định rằng, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bảo đảm nguyên tắc “dĩ bất biến”, nhưng luôn “ứng vạn biến”, thể hiện phong cách ứng xử nhạy bén, sáng tạo, nên đã mang lại hiệu quả rất cao.
Việc học tập Bác, theo gương Bác trong công tác đối ngoại luôn luôn là việc làm hữu ích, nhất là trong thời kỳ Việt Nam hội nhập khu vực và toàn cầu hóa thì việc rèn luyện, học tập tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trở thành vấn đề cấp thiết cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và tham gia công tác đối ngoại.
| Cây tre và ngoại giao Việt Nam qua cuốn sách của Tổng Bí thư Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, và sắp tròn 50 năm ... |
| Trường phái đối ngoại và ngoại giao 'cây tre Việt Nam' dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh Sáng 18/5, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại ... |
| Gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| 78 năm nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, nhớ lại và suy ngẫm, tự hào và tiếp tục đồng hành, phụng sự, tiên phong Hành trình của ngoại giao Việt Nam trải qua nhiều sự kiện và dấu mốc quan trọng, nhưng ngày 28/8 vẫn có dấu ấn riêng. |
| Phát huy sức trẻ Ngoại giao trong tình hình mới Yêu cầu cốt lõi đối với các cán bộ ngoại giao trẻ trong bối cảnh mới vẫn phải bắt đầu từ việc rèn luyện bản ... |