Girls Takeover - Trao quyền cho trẻ em gái là hoạt động được khởi xướng vào năm 2012 nhằm tạo cơ hội giúp các em gái được trải nghiệm vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực đời sống.
Năm nay, với thông điệp kêu gọi thúc đẩy tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, chiến dịch hướng tới xây dựng một môi trường không gian số an toàn và không có sự phân biệt.
Đại sứ Thụy Điển trao đổi tại buổi lễ trao quyền cho trẻ em gái Việt Nam. (Nguồn; Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội) |
Năm 2019, với vai trò là Đại sứ quán đầu tiên tại Hà Nội tham gia chuỗi sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe khẳng định đây là một sự kiện quan trọng.
Đại sứ nói: “Chưa có quốc gia nào trên thế giới đạt được bình đẳng giới. Phân biệt đối xử và tình trạng phụ thuộc vẫn là vấn đề lớn mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt.
Tuy nhiên, không vì thế mà họ chấp nhận đầu hàng số phận, trẻ em gái nỗ lực hàng ngày để thay đổi các định kiến giới, những quan điểm cổ hủ lỗi thời tồn tại qua nhiều thế hệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn hỗ trợ trẻ em gái để tiếng nói của các em được lan tỏa và có trọng lượng hơn".
Năm nay, Bùi Ý Nhi, 20 tuổi đến từ Hà Nội, được bà Ann Måwe trao quyền đảm nhiệm vị trí Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Sau khi quan sát các cán bộ sứ quán làm việc tại văn phòng, Bùi Ý Nhi có cuộc trao đổi với Đại sứ Måwe và Phương Anh, em gái được Đại sứ trao quyền trong hai năm 2019 và 2020 về những thách thức và thành tựu mà các em cùng tổ chức Plan International Việt Nam đã đạt được với vai trò là Thủ lĩnh tiên phong về bình đẳng giới trong hơn một năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong sự kiện năm ngoái, Đại sứ Ann Måwe và Phương Anh đã kêu gọi mọi người cùng tham gia ký tên vào thư ngỏ yêu cầu các công ty truyền thông có các hành động cần thiết nhằm chống lại tình trạng quấy rối trên mạng.
Để hiện thực hóa lời kêu gọi này, trong suốt một năm qua, Plan International trên toàn cầu và các bạn trẻ đã thực hiện rất nhiều chiến dịch do thanh thiếu niên khởi xướng và dẫn dắt. Một số ví dụ nổi bật bao gồm các buổi đối thoại với Facebook, Instagram, WhatsApp, xây dựng Maru chatbot dành cho trẻ em gái và công bố nghiên cứu “Tương lai trực tuyến” với nỗ lực xây dựng một thế giới số an toàn hơn cho trẻ em gái và trẻ em nói chung.
Tại Việt Nam, thành công này được lan tỏa hơn nhờ sự cam kết đồng hành của Vietcetera, công ty truyền thông nổi tiếng với giới trẻ, sau khi tham gia chuỗi sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái năm nay.
Đại sứ và hai em gái cũng thấy rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng. Covid-19 làm gián đoạn việc học tập, đặt các em trước những thách thức lớn về kinh tế, nguy cơ bị bóc lột, lao động trẻ em và bạo lực trên cơ sở giới, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Khi hầu hết các hoạt động phải chuyển sang hình thức trực tuyến, việc đảm bảo một thế giới số an toàn và không có sự phân biệt, ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, trẻ em và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt với vô số rủi ro trực tuyến. Trong số đó, sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng có rất nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em gái.
Phương Anh bày tỏ lo ngại của mình trước thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng: “Do Covid-19, phần lớn cuộc sống của chúng em, dù là dưới góc độ cá nhân hay công việc, đều diễn ra trên mạng Internet.
Chúng em lên mạng để tìm các thông tin cần thiết về mọi mặt của cuộc cống như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, cơ hội công việc… nhưng việc phân biệt tin giả tin thật không hề dễ dàng. Thông tin sai sự thật ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thực. Vấn đề này cần được giải quyết triệt để".
Nói về hậu quả của vấn đề này, Ý Nhi nhấn mạnh: “Không phải ai cũng được trang bị đầy đủ các kỹ năng để nhận biết tin giả hoặc lừa đảo trên mạng.
Nếu trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng được dạy những kỹ năng cần thiết để điều hướng thông tin sai lệch trên mạng, chúng em tin mình sẽ có khả năng lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước những thông tin sai trái, những quan điểm sai lệch dễ gây thù hận hoặc bất bình đẳng.
Nhiệm vụ này chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả nếu mọi người cùng chung tay trong việc trang bị kiến thức kỹ thuật số cho tất cả trẻ em”.
Đại sứ Thụy Điển và hai em gái Việt Nam được trao quyền vào năm 2019 và năm 2021. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội) |
Đại sứ khẳng định Thụy Điển là quốc gia đầu tiên khởi động chính sách đối ngoại nữ quyền vào năm 2014 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đảm bảo họ được hưởng đầy đủ quyền của mình. Chương trình nghị sự tiên tiến của Thụy Điển về bình đẳng giới là kết quả của quá trình vận động lâu dài và bền bỉ của các tổ chức xã hội.
Tại buổi lễ, Đại sứ và hai em gái cũng thảo luận về một số sáng kiến và đề xuất dành cho các chính phủ liên quan đến tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em và thanh thiếu niên. Thông qua hoạt động này, Đại sứ hiểu thêm về bình đẳng giới trong không gian số tại Việt Nam, đặc biệt là qua lăng kính của thế hệ trẻ và trong bối cảnh Covid-19.
Kết thúc buổi làm việc Đại sứ Måwe cùng hai em gái Ý Nhi và Phương Anh cùng ký vào thư ngỏ do tổ chức Plan International kêu gọi, lên tiếng chống lại việc lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng. Đại sứ quán Thụy Điển cam kết hợp tác với các bạn trẻ và tổ chức Plan International thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em gái và trẻ em nói chung ở Việt Nam.
Sau khi cảm ơn Đại sứ và Đại sứ quán Thụy Điển dành cơ hội đặc biệt này cho hai em Phương Anh và Bùi Ý Nhi, bà Sharon Kane - Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam, chia sẻ: “Cần nỗ lực hơn nữa để trẻ em gái và phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có thể tự tin tham gia thế giới 4.0 và nắm giữ các vị trí lãnh đạo”.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11 tháng 10) là thời điểm tôn vinh các em gái vì sự đa dạng của họ, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần cải thiện. Năm nay, Plan International huy động mọi người trên khắp thế giới ký tên vào thư ngỏ của trẻ em gái và phụ nữ trẻ nhằm giải quyết vấn đề thông qua ghi nhận tầm quan trọng của kiến thức kỹ thuật số. Bức thư ngỏ này được đồng soạn thảo bởi Nhóm những người có ảnh hưởng trẻ toàn cầu của chiến dịch Em gái bình đẳng. Nội dung thư ngỏ được chia sẻ với các đối tác chính phủ, cùng với số lượng chữ ký. Bức thư ngỏ này khẩn thiết yêu cầu toàn thể cộng đồng giáo dục trẻ em gái - và tất cả trẻ em - về kiến thức kỹ thuật số. Các em gái cần có khả năng xác định thông tin sai trên mạng để đảm bảo an toàn. Và tất cả các bạn trẻ cần có khả năng nhìn nhận thông tin và kiểm tra sự thật trước khi tin và chia sẻ những thông tin này. Trẻ em gái cần quyền truy cập, kiến thức và kỹ năng để tự tin hoạt động trực tuyến, tìm kiếm thông tin, cũng như tạo và chia sẻ nội dung. |
| Nữ Đại sứ thiện chí UNICEF: Lan tỏa câu chuyện của phụ nữ và trẻ em gái Liên hợp quốc đưa phụ nữ, trẻ em trở thành ưu tiên hàng đầu thông qua công tác xã hội của những nữ Đại sứ ... |
| UNESCO tổng kết chiến dịch ‘Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái’ tại Việt Nam Chiến dịch #KeepingGirlsinthePicture - Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái được UNESCO phát động đã góp phần khuyến khích trẻ em gái ... |