Nói đến Ấn Độ, không thể không nói đến yoga - niềm tự hào của đất nước sông Hằng. Hơn thế nữa, các chính phủ Ấn Độ những thập niên gần đây đều xem yoga là một giải pháp ngoại giao thân thiện và hòa hợp giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến sự kiện Yoga-Thái Cực Quyền tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 15/5/2015. (Nguồn: PTI) |
Công cụ ngoại giao
Từ đầu thế kỷ XXI, các chính phủ Ấn Độ bắt đầu khai thác yoga như một sức mạnh mềm làm công cụ ngoại giao. Thông qua yoga, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển tải nét văn hóa đặc thù của mình nhằm mục tiêu nâng tầm và vị thế của một cường quốc thế giới đang nổi.
Nếu như Thủ tướng A.B.Vajpayee (nhiệm kỳ 1998-2004) và Thủ tướng Manmohan Singh (nhiệm kỳ 2004-2014) có công nâng cao vai trò chính thức của yoga thông qua việc xác định giá trị văn hóa của yoga thì đến thời đương kim Thủ tướng Narendra Modi, yoga đã trở thành một thứ quyền lực mềm lý tưởng.
Chỉ vài tháng sau khi nắm quyền Thủ tướng, ngày 27/9/2014, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định: “Yoga là món quà vô giá của Ấn Độ dành cho thế giới”.
“Yoga thể hiện sự thống nhất giữa tâm và thân; giữa suy nghĩ và hành động; giữa tự chủ và hoàn thiện; thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên; là phương pháp toàn diện cho sức khỏe và an lạc”.
Và ngày 11/12/2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 69/131, tuyên bố ngày 21/6 là Ngày Quốc tế Yoga.
"Yoga trong cuộc sống cũng quan trọng như muối trong thức ăn. Muối không chỉ làm cho món ăn ngon mà còn bổ sung giá trị bổ dưỡng cho nó... Để đạt được sức khỏe, không cách nào tốt hơn yoga”. (Thủ tướng Narendra Modi, năm 2017) |
Vấn đề cốt lõi trong việc quảng bá yoga là chính phủ Ấn Độ đã chọn cách tiếp cận hợp lý, nêu bật yếu tố thực dụng của yoga để biến nó thành một nét văn hóa mang tính toàn cầu.
Người lãnh đạo cao nhất của chính phủ tập trung cao độ trong việc sử dụng yoga làm công cụ ngoại giao, trực tiếp chỉ đạo việc truyền bá yoga, thậm chí làm sứ giả về yoga.
Đích thân Thủ tướng giới thiệu yoga trong các diễn đàn ngoại giao cấp cao, tặng sách, thảo luận về yoga với các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Australia..; tổ chức biểu diễn yoga trong các chuyến thăm và đón nguyên thủ quốc tế như trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2015.
Cùng với việc thành lập Bộ Ayush chuyên về yoga và các liệu pháp y học cổ truyền (năm 2014), Thủ tướng Modi đẩy mạnh việc quảng bá yoga trên phạm vi toàn cầu thông qua các Đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài nhân Ngày Quốc tế Yoga.
Ngày hội toàn cầu
Những năm qua, các trung tâm yoga phát triển nở rộ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hình ảnh người dân tập yoga trên đường phố, công viên, khu dân cư... trở nên vô cùng quen thuộc. Yoga không chỉ trở thành một phần trong chương trình giáo dục ở Ấn Độ mà còn ở Mỹ và châu Âu.
Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho tính phổ biến của Yoga trên quy mô toàn cầu.
Đặc biệt, Ngày Quốc tế Yoga đã trở thành ngày hội dành cho những người yêu thích yoga cũng như cơ hội tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này. Tại Việt Nam, trong 6 năm qua, Ngày Quốc tế Yoga đã được tiến hành với quy mô lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Yoga ấn tượng tại Vịnh Hạ Long, ngày 21/6/2020. |
Vào năm ngoái, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát, Đại sứ quán Ấn Độ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Yoga ấn tượng tại Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới hai lần được UNESCO công nhận.
Chương trình kỷ niệm được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của Đại sứ quán Ấn Độ với mục đích đưa sự kiện này đến với hàng ngàn người đam mê yoga và khuyến khích họ tham gia sự kiện từ xa.
Các sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Yoga năm 2020 đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành như Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Phú Yên, Thanh Hóa và TP. Hồ Chí Minh.
Năm nay, khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ tổ chức Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 7 qua nền tảng trực tuyến và khuyến khích mọi người tham gia các sự kiện tại nhà để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Thông điệp này đang được quảng bá bằng khẩu hiệu “Be With Yoga, Be At Home” (tạm dịch: Cùng tập Yoga, Cùng ở nhà).
Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến, chẳng hạn hàng loạt buổi tập yoga, chuỗi bài giảng về lợi ích của yoga, cuộc thi đố vui về yoga trên trang Facebook "IndianCultureInVietnam"...
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, cảm ơn sự hợp tác, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ tổ chức Ngày Quốc tế Yoga thành công hàng năm. Trong thư, Thủ tướng Modi đề cập mối liên hệ đặc biệt giữa chủ đề Ngày Quốc tế Yoga năm nay - "Yoga vì Sức khỏe" - với bối cảnh đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện sự quan tâm đối với sức khỏe và đời sống của mọi người dân trên toàn cầu. Luyện tập yoga là nỗ lực đảm bảo tất cả cùng trau dồi sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Sức mạnh vốn có của Yoga là khả năng kết nối nhân loại. |