Ảnh minh họa |
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương nhận định: “Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận tuổi già không phải như một thời kỳ giảm sút sức khỏe không thể tránh khỏi mà phải như là một cuộc sống năng động, ý nghĩa và hữu ích”.
Ông giải thích: “Cách chúng ta già đi phụ thuộc phần nhiều vào cách chúng ta sống. Bằng cách ăn uống hợp lý, chăm vân động thể lực, không hút thuốc và tránh tác động có hại của rượu bia, chúng ta có thể sống thọ và sống khỏe”.
Trong thế kỷ trước, tuổi thọ đã gia tăng đáng kể phần lớn nhờ vào những tiến bộ của hệ thống y tế xã hội. Con người sống lâu hơn trong khi tỷ lệ sinh đã giảm ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, người từ 65 tuổi trở lên sẽ đông hơn số trẻ em dưới 5 tuổi trong vòng năm năm tới. Cho tới năm 2050, những người cao tuổi sẽ đông hơn số trẻ em dưới 14 tuổi.
Tại Việt Nam, dân số toàn quốc sẽ tiếp tục gia tăng, lên tới 111 triệu người. Tuy nhiên, số lượng dân số già với những người trên 60 tuổi sẽ nhiều hơn số trẻ dưới 14 tuổi vào năm 2032. Độ tuổi trung bình tại Việt Nam sẽ tăng 8,2%/năm trong vòng 20 năm tới, từ 28,5 tuổi ở thời điểm hiện tại, tăng lên thành 36,7 tuổi vào năm 2030. Sự gia tăng này lớn hơn nhiều so với con số 6,2 năm của toàn châu Á và 5,1 năm tại châu Âu trong cùng một thời kỳ.
Các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình – chiếm khoảng ¾ dân số thế giới – sắp tới sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ. Đơn cử như trong khi nước Pháp phải mất 100 năm để tăng gấp đôi số lượng người trên 65 tuổi thì Trung Quốc chỉ mất 25 năm. Vào năm 2050, tỷ lệ dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 22%, trong khi tỷ lệ này là 11% vào năm 2000.
Tiến sĩ Shin nhận xét: “Chúng ta nên vui mừng vì tuổi thọ con người ngày càng tăng cao. Cùng với đó, ta cần chuẩn bị sẵn sàng hệ thống y tế và xã hội cho sự biến đổi nhân khẩu học sắp tới. Nếu không, chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi số lượng người tàn tật và người cần chăm sóc như bệnh nhân đột quỵ, đái tháo đường và ung thư”.
Tiến sĩ Shin cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải xóa bỏ những định kiến tiêu cực đối với người cao tuổi như họ trở nên yếu đuối, đãng trí hay vô dụng. Những quan niệm này thường khiến người già trở nên tự ti khi tham gia vào đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, tinh thần và dân sự, cho dù họ vẫn còn có thể cống hiến và chia sẻ nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm của mình. Ông kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức trong việc làm sao để có một cuộc sống khỏe, sống vui và sống có ích.
T.Đ (Theo WHO)