Căn nhà đầy ắp trẻ thơ quây quần
Về Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vào một buổi chiều muộn, gặp nếp nhà tuềnh toàng lối ngõ phên rào chẳng đóng. Đó chính là nhà bà Cầu hát xẩm.
Căn nhà bà ở thường có lũ trẻ kéo sang ngồi quây tròn một chỗ, nghe bà kể chuyện răn đời bằng hát xẩm. Chúng cười lăn lóc với “Chuyện ngược đời”, “Chàng rể lười”, rồi có khi rầu rầu với khúc bi ai “Trương Chi”, ngấm từng lời nhắc nhở phận làm con phải trọn đạo hiếu trong “Thập ân”...
Vài ba đứa hát đế theo từng đoạn chúng thuộc, những đứa còn lại thì say sưa nghe như uống từng lời, nghe như lần đầu nghe bà hát vậy, mặc dù đây đã như là một cái “thú” vui cùng bà.
Ngày bà Cầu bằng tuổi chúng, bà đã bắt đầu kiếm tiền bằng nghề hát rong. Cha mẹ bà là những người hát xẩm, dạy bà nhập tâm vào câu hát ngay từ lúc còn nhỏ. 10 tuổi, bà biết uống rượu, ăn trầu, lâng lâng điệu hát khắp các vùng trời, lời ca như vận vào người: “Một đời đánh phấn đeo hoa. Một đời khổ ải cũng qua một đời”.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (bìa phải) nhận giải thưởng Đào Tấn. (Ảnh: TG) |
Gia tài còn lại...!
Bà Cầu không biết chữ, bài xẩm cũng chẳng nhớ mình thuộc bao nhiêu bài, chỉ biết lúc hát là vanh vách vọng ra. Tiếng ca của bà khoẻ và có chất dân dã, phóng khoáng của người hát xẩm mà không phải ai cũng có được.
Ngày xưa đi hát, bà thường mang theo một cái chậu thau để đựng tiền, một chiếc chiếu chải ra một góc chợ hay đầu con ngõ nào đó rồi miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ trống mảnh. Lời ca khi ấy còn thanh mảnh không đậm chất xẩm như bây giờ nhưng người xem vẫn xúm đông, vây quanh bà, hết lời thán phục.
Có nhiều người biết đến bà đã theo bà về học nhưng chẳng thành vì hát xẩm vốn của lớp người kẻ chợ, lam lũ, mỗi lời than là tiếng vọng tâm hồn, nếu không đồng cảm thì khó mà học được.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu trình diễn xẩm Thập ân "Theo Đảng trọn đời" do chính bà sáng tác (ảnh: Hà Nội Mới) |
“Gừng càng già càng cay” lời hát của bà giờ có những thanh âm của thời gian, có sự giãn nở của đới quản khi bà bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, những quãng giật nghỉ, rồi đột ngột buông, thả vào sâu thẳm ca từ đầy triết lý nhân sinh: “Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần/ Làm thân con nhện mấy lần vương tơ/ Chắc về đâu trong đục mà chờ/ Hoa thơm mất tuyết, biết nương nhờ vào đâu”.
Đêm buông xuống chầm chậm, lũ trẻ vẫn vây quanh bà để buồn vui lẫn vào trong mắt, bà bảo gia tài còn lại của bà là căn nhà, lũ trẻ, là chiếc đài bán dẫn, cái “líu” (nhị) bịt bằng da kỳ đà mà khi hát hết bài dừng lại bao giờ nó cũng nhại tiếng người, xiết lên í ò - bà giải thích “nghĩa là hết rồi...”
Theo VTC News