📞

Nghệ nhân làng Đông Hồ nỗ lực đưa tranh 'xuất ngoại'

Anh Đức 12:09 | 09/01/2025
Được in từ ván khắc gỗ do người dân sáng tạo, những giá trị di sản của dòng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang được các nghệ nhân nỗ lực bảo tồn và phát huy.

"Bóng hồng" 50 năm gắn bó với nghề

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống văn hóa lâu đời, từ thuở nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh đã bộc lộ năng khiếu về hội họa.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thi Oanh sở hữu gần 300 thể loại tranh và khoảng 60 chủ đề. (Ảnh: Anh Đức)

Bà kể: “Lúc 9-10 tuổi, tôi nửa ngày đi học, nửa ngày ở nhà vẽ tranh cùng mẹ. Năm 1974, tôi tham gia vào hợp tác xã làng nghề và may mắn được làm dâu trong gia đình cụ cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tôi có cơ hội được vẽ tranh và làm nghề”.

Kế thừa lại nghề truyền thống của cha ông, bên cạnh sưu tầm, phục chế các bản khắc cổ, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh còn sáng tác thêm nhiều tác phẩm. Sau gần 50 năm gắn bó với nghề, hiện bà đang sở hữu gần 300 thể loại tranh và khoảng 60 chủ đề.

Không chỉ sáng tác, bà còn tích cực tham gia một số hoạt động triển lãm tranh mang tầm quốc gia và quốc tế, đạt được nhiều giải thưởng. Tranh của bà đã có mặt tại nhiều sự kiện lớn ở Pháp, Đức, Czech, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất…

Với nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, được đem nghề truyền thống của cha ông, quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước đến với bạn bè quốc tế và nhận được sự mến mộ, yêu thích là niềm vinh dự, động lực rất lớn. Sự nghiệp của bà gắn liền với các sự kiện chính trị-đối ngoại quan trọng của đất nước.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt quãng đời gắn bó với tranh Đông Hồ, bà tự hào: “Năm 2022, bức tranh “Vinh quy bái tổ” do chính tay tôi làm được lãnh đạo tỉnh lựa chọn làm quà tặng cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến công tác tại tỉnh Bắc Ninh. Đó cũng là lần cuối ông về thăm quê hương chúng tôi.

Và năm 2024, vợ chồng tôi vinh dự được đến Văn phòng Chính phủ, giới thiệu kỹ thuật in tranh; ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của tranh Đông Hồ và hướng dẫn Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường làm tranh Đông Hồ nhân dịp ông có chuyến thăm Việt Nam”.

Ở tuổi ngoài 60, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn nỗ lực gìn giữ “lửa nghề”. Bà cho biết, làng nghề ngày xưa có 17 dòng họ làm tranh, nhưng giờ chỉ còn hai dòng họ.

Chính vì vậy, trăn trở lớn nhất của bà là làm sao để nghề làm tranh Đông Hồ không những được gìn giữ mà còn ngày càng phát triển. Bà nói: “Tôi tự nhủ luôn phải cố gắng làm thật tốt và tốt hơn mỗi ngày để làm phong phú thêm cái nghề mình yêu, mình tâm huyết”.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế là đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng có truyền thống làm tranh Đồng Hồ. (Ảnh: Anh Đức)

Gây thương nhớ trong lòng khách quốc tế

Bên cạnh dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Đăng là một trong hai dòng họ còn gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ truyền thống của làng.

Ở tuổi 90, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế vẫn minh mẫn giới thiệu về dòng tranh và kể lại những kỉ niệm của mình sau hơn 60 năm gắn bó với nghề.

Ông chia sẻ, dòng họ Nguyễn Đăng đã có 22 đời kế tiếp làm tranh Đông Hồ và ông là đời thứ 20. Thuở nhỏ, độ 11-12 tuổi, ông đã chứng kiến chợ phiên bán tranh tại đình Đồng Hồ, đúng như người xưa từng nói “Tết mà không có tranh Đông Hồ treo trong nhà thì chưa phải là Tết”.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, điều tạo nên sự độc đáo của tranh Đông Hồ là giấy được làm từ lá cây dó, màu trắng từ con điệp, màu đỏ từ sỏi núi, màu vàng từ cây hòe, màu xanh từ lá chàm, màu đen từ lá tre…

Đặc biệt, tất cả nguyên liệu đều ở trong tự nhiên và được làm thủ công hoàn toàn. Đồng thời các bức tranh chứa đựng nội dung bình dị về đời sống, văn hóa; phản ánh tâm tư, tình cảm, lối sống, lối nghĩ của người Việt.

Ông Chế cho hay, nhà ông có hơn 10 cuốn sách, lưu lại cảm nhận của du khách khi đến tham quan và trải nghiệm làm tranh.

Lưu bút của du khách nước ngoài khi thăm làng tranh Đồng Hồ. (Ảnh: Anh Đức)

Đã có hàng nghìn đoàn, hàng triệu lượt du khách tới đây. Một du khách nước ngoài đã viết như vậy trong cuốn lưu bút: “Travail admirable et magnifique accueil chaleureux typique pour le Vietnamien! Merci de nous avoir montré ce village et de nous avoir fait connaître l’artisan!"

(Tạm dịch: Công việc đáng ngưỡng mộ và sự chào đón nồng nhiệt đặc trưng của người Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi tham quan ngôi làng này và giới thiệu chúng tôi với những nghệ nhân!”)

Không những bảo tồn và phát huy, việc đưa tranh Đông Hồ vươn tầm thế giới cũng là tâm huyết của ông Nguyễn Đăng Chế. Chỉ trong năm 2024, ông đã có ba chuyến đi nước ngoài để giới thiệu và quảng bá dòng tranh dân gian này.

Để tiếp nối công cuộc gìn giữ vẻ đẹp của tranh dân gian, ông đã xây dựng trung tâm bảo tồn và nhà trưng bày tranh Đông Hồ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, góp sức cùng người dân “làng Mái” bảo tồn giá trị di sản quý báu của dân tộc.