Bà Fang-od Oggay là một nghệ nhân xăm hình thuộc bộ lạc Butbut, một nhóm dân tộc thiểu số sinh sống tại làng Buscalan, vùng Kalinga, ở miền Bắc Philippines. Hàng ngày bà phải thức dậy rất sớm để chuẩn bị những vật cần thiết dùng cho việc xăm hình cho khách. Khách hàng của bà thuộc đủ mọi thành phần, thậm chí có cả những du khách đến từ Slovenia hay Mexico.
Buscalan là ngôi làng nằm biệt lập giữa vùng rừng núi hoang sơ. (Nguồn: New York Times) |
Người lưu giữ vẻ đẹp truyền thống
Dù tuổi đã cao nhưng mỗi sáng, cụ bà Fang-od Oggay vẫn xăm hình cho khoảng 10 khách hàng. Bà chia sẻ rằng mình làm việc này nhằm gìn giữ tục xăm mình truyền thống của Philippines. Ngoài ra, bà còn mơ ước giúp ngôi làng hẻo lánh, nơi bà đang sinh sống trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch đi đến khám phá, lưu giữ những trải nghiệm của họ thông qua những hình xăm trên da. Cụ bà Fang-od Oggay là thế hệ cuối cùng lĩnh hội được nghệ thuật xăm mình truyền thống của vùng Kalinga.
Dù cao tuổi nhưng cụ Fang-od vẫn có thể xăm hình cho hàng chục khách hàng mỗi ngày. (Nguồn: New York Times) |
Tập tục xăm mình bắt đầu xuất hiện tại Philippines từ thế kỷ 16, khi thực dân Tây Ban Nha lần đầu đặt chân đến đây. Khoảng 100 năm trước, phụ nữ vùng Kalinga coi xăm hình là một cách làm đẹp. Hình xăm đại diện cho nhan sắc và địa vị của người phụ nữ. Còn đối với nam giới, họ xăm để thể hiện những việc dũng cảm mà họ đã làm, đặc biệt là những buổi săn bắn đầy mạo hiểm. Mỗi loại hình xăm và diện tích xăm trên da cũng thể hiện những thành tích mà người đó đạt được.
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, Chính phủ Philippines từng cấm việc xăm những hình vẽ mang tính chống đối, cực đoan. Hơn nữa, người dân trong vùng cũng ít tiếp xúc với bên ngoài nên nét văn hóa này cũng dần bị mai một.
Có lẽ cụ bà Fang-od và tục xăm mình của làng Kalinga sẽ không nổi tiếng đến vậy nếu Tiến sỹ Lars Krutak đến đây làm bộ phim tài liệu nổi tiếng “Tatoo Hunter” (2009). Giờ đây, rất nhiều người mong muốn đến tận nơi bà sống để xăm hình và tôn vinh bà như là một di sản sống của văn hóa truyền thống. Kể từ khi bộ phim được công chiếu, lượng du khách đến đây tăng vọt, từ 30.000 lượt (năm 2010) lên con số 17.000 vào năm 2016. Đa số đều đến để gặp bà Fang-od. Họ bốc số thứ tự và chờ đên lượt mình được xăm mình do chính tay nghệ nhân 100 tuổi.
Paulo Vega (29 tuổi), một nghệ nhân xăm hình người Czech chia sẻ rằng, anh rất thích cách xăm mình độc đáo ở đây và những hình xăm của cụ bà Fang-od rất có hồn.
Trăn trở với tương lai
Ngôi làng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu lưu trú của khách du lịch. (Nguồn: New York Times) |
Làng Buscalan có gần 700 người đang sinh sống. Đường đến ngôi làng cũng vô cùng hiểm trở. Du khách sẽ phải băng qua một con đường đất bụi bặm, mờ sương và những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn. Đây là nơi nằm ngoài vùng phủ sóng điện thoại cũng như điện lưới. Đa số nhà cửa được làm bằng gỗ, ván ép hay những vật liệu đơn sơ khác...
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, ngôi làng đã "thay da đổi thịt" nhờ làm du lịch. Nhiều con đường lát gạch được xây dựng, người dân đã bắt đầu có "của ăn, của để". Hiện ở làng Buscalan đã bắt đầu xuất hiện khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng nhỏ chuyên bán đồ hộp và quà lưu niệm cho khách. Nam giới trong làng trở thành những hướng dẫn viên du lịch địa phương...
Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngôi làng. Cùng với đó là việc trong làng chỉ có khoảng 150 hộ dân nên không thể đáp ứng được chỗ ở cho lượng du khách kéo đến ngày một tăng như hiện nay.
Anyu Baydon, 26 tuổi, một tình nguyện viên tại một trường tiểu học cho biết việc nhiều du khách viếng thăm làng Buscalan bởi nét văn hóa truyền thống là một điều vinh dự đối với cô và cả dân làng. Tuy nhiên, cô mong muốn hoạt động du lịch cần được quản lý chặt chẽ hơn bởi hiện rất nhiều trẻ em trong làng đang bị ảnh hưởng bởi lối sống du nhập từ bên ngoài. Trong khi những nghệ nhân như cụ Fang-od ngày càng ít đi.
Phần lớn khách du lịch đến làng Buscalan với mong muốn gặp nghệ nhân gần 100 tuổi này. (Nguồn: New York Times) |
Điều đáng mừng là vẫn có những thế hệ thanh niên muốn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật xăm mình. Sự thành công của cụ bà Fang-od Oggay đã tạo nguồn cảm hứng cho một số thanh niên địa phương tiếp nối nghề này. Một trong số đó là Den-den Wigan (22 tuổi), là cháu bà Fang-od. Cậu học kỹ thuật xăm mình từ bà mình và tạo ra những hình xăm hiện đại tại một xưởng vẽ ở ngoại ô thủ đô Manila. “Tôi muốn tiếp nối truyền thống mà ông cha mình đã dang dở để xăm mình sẽ không bị mai một trong văn hóa của dân tộc”, cậu chia sẻ.