📞

Nghệ sĩ Kim Barbier: “Tôi trưởng thành từ cách giáo dục Việt”

AN BÌNH 18:00 | 26/09/2019
TGVN. Sinh ra ở Paris - chiếc nôi của nền âm nhạc cổ điển hàng đầu thế giới, cô gái người Pháp gốc Việt Kim Barbier đã sớm thành danh trong làng piano quốc tế. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với TG&VN, cô chủ yếu nói về người mẹ Việt và những cảm nhận giản dị, chân thật về quê hương thứ hai của mình.

Với Kim Barbier, mẹ là người truyền cảm hứng đến với con đường nghệ thuật... (Ảnh: Olena Kravtsova )

Trở lại Việt Nam sau gần 10 năm, chị đã có một đêm hòa nhạc tuyệt vời với khán giả Hà Nội. Cảm xúc lần trở về này có gì mới không chị?

Cảm ơn bạn! Đây là lần thứ hai tôi được biểu diễn tại Hà Nội, cơ hội đều đến từ lời mời của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tôi rất vui và ngạc nhiên trước tình cảm và sự quan tâm ngày càng nồng nhiệt của khán giả dành cho âm nhạc cổ điển và bản thân tôi.

Đặc biệt, đây cũng là lần thứ tư tôi có dịp trở về thăm quê mẹ, cảm xúc đương nhiên có rất nhiều mới mẻ vì đã khá lâu rồi tôi mới có thể trở lại!

Mang hai dòng máu Pháp – Việt nhưng ở chị vẫn luôn toát lên vẻ đẹp rất Á Đông. Hẳn là chị có nhiều nét rất giống mẹ?

Mẹ tôi là người Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Bà sang Pháp năm 1973 và gặp cha tôi ở đây. Trước khi sang Việt Nam biểu diễn, tôi đã về thăm và tìm hiểu về quê hương của mẹ tôi. Ở Sài Gòn, tôi chỉ còn một vài người họ hàng nhưng nơi đó vẫn luôn có những tình cảm ấm áp để tôi hướng về.

Con đường nghệ thuật của chị có phải do truyền thống gia đình hay niềm đam mê cá nhân?

Trong gia đình tôi, không ai theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp cả, nhưng mọi người lại rất yêu âm nhạc. Cha tôi có sở thích ca hát và chơi kèn saxophone. Còn mẹ tôi, tuy không chơi được piano, nhưng lại chính là người đã mang cây đàn đầu tiên về nhà và dẫn tôi tới lớp học nhạc ngay từ khi tôi còn rất nhỏ. Có thể nói, mẹ đã là người truyền cảm hứng cho tôi đến với con đường nghệ thuật này. Tuy nhiên, lý do để gắn bó và quyết tâm đi đến cùng với nó là tôi tự quyết định.

Ngoài tình yêu dành cho âm nhạc, mẹ chị đã truyền dạy cho chị những gì về văn hóa Việt Nam?

"Điều khiến tôi lay động chính là sự kết hợp phi thường của chất thơ và kỹ thuật đầy ấn tượng" - Simon Rattle, nhạc trưởng nổi tiếng thế giới nhận xét về nữ nghệ sỹ piano Kim Barbier.

Sinh ra và lớn lên ở Pháp, tận sau này khi đã trưởng thành tôi mới có dịp về thăm quê mẹ. Nhưng tôi nghĩ rằng, từ khi còn bé, những gì tôi kết nối với Việt Nam là ở chính trong trái tim và dòng máu trong cơ thể tôi. Tôi hiểu về Việt Nam qua các món ăn mẹ tôi nấu, cách giao tiếp và đối nhân xử thế của bà trong cuộc sống hàng ngày.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi cảm nhận rõ sự tương đồng ấy giữa những ứng xử của mẹ với những người thân ở Việt Nam. Từ đây, giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về những ứng xử văn hóa của người Việt và cũng bắt đầu phân biệt được những ranh giới đâu là văn hóa Việt và văn hóa Pháp.

Các bà mẹ Việt ở nước ngoài thường dạy con nói tiếng Việt để nhớ về cội nguồn, mẹ chị cũng vậy?

Có lẽ, mẹ tôi suy nghĩ khác. Vì mong một đứa con lai như tôi được hòa nhập tốt hơn vào xã hội Pháp nên bà thường không nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt.

Bạn thấy đó, là một nghệ sĩ biểu diễn quốc tế, phần lớn thời gian làm việc của tôi ở các dàn nhạc châu Âu, hiện tôi đang sống ở Berlin và rất ít có cơ hội về Việt Nam.

Mẹ tôi chưa từng gây áp lực với tôi trong việc học tiếng Việt, nhưng bà đã giáo dục và dạy dỗ như một người Việt Nam. Suốt thời gian qua, bà đã dành hết thời gian để nuôi nấng và chăm sóc tôi với truyền thống Việt là một bà mẹ nội trợ. Bởi vậy ngay khi về quê mẹ, tôi đã nhận ra rằng hóa ra tôi đã được hưởng thụ và trưởng thành từ cách giáo dục rất Việt Nam.

Điều chị cảm nhận rõ nhất về lối ứng xử ấy trong mình?

Đó là việc chú trọng thứ bậc và tình cảm trong gia đình, là kính trên nhường dưới, là “đi nhẹ, nói khẽ”... Cũng bởi thế, dù sống ở Pháp nhưng chị em tôi có tính cánh khá trầm lặng và hiếm khi nói chuyện lớn tiếng hay tranh cãi với người trên.

Kim Barbie "luôn mong có thêm cơ hội và lời mời để quay lại Việt Nam biểu diễn". (Ảnh: Uwe Ahrens)

Lưu diễn khắp thế giới, liệu Việt Nam có nằm trong kế hoạch ưu tiên của chị không? Còn gì ở quê mẹ mà chị muốn được khám phá?

Tôi luôn mong có thêm cơ hội và lời mời để quay lại Việt Nam biểu diễn. Mỗi chuyến về quê mẹ đều mang lại cho tôi những kỷ niệm khó quên. Đó là vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của những động thạch nhũ Hạ Long, vẻ nên thơ, mộc mạc của miền sông nước Cửu Long và đặc biệt là cảm xúc rất khó tả khi được mặc chiếc áo dài Việt trong buổi biểu diễn đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2011. Với tôi, thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam còn rất nhiều mới lạ để khám phá và tôi muốn đến những nơi còn hoang dã và chưa có nhiều người đến.

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Kim Barbier tốt nghiệp chuyên ngành piano tại Nhạc viện Quốc gia Pháp, hiện là nghệ sĩ độc tấu khách mời của nhiều dàn nhạc trên thế giới như Dàn nhạc Giao hưởng Berlin, Dàn nhạc Quốc gia Estonia, Dàn nhạc Đài phát thanh Zagreb, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Trung Quốc, Dàn nhạc thính phòng mới của Potsdam... Là nghệ sĩ nhạc thính phòng, cô hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi danh khác như David Geringas, Tatjana Vassilieva, Sol Gabetta, Guy Braunstein, Emmanuel Pahud, Louis Lortie, Sharon Kam...
(thực hiện)