📞

Nghệ sĩ Trung Dân: ‘Trẻ con học cái xấu dễ hơn cái tốt đẹp trên mạng xã hội’

Nguyễn Cường 20:12 | 26/02/2021
TGVN. Trong talskhow ‘Chuyện cuối tuần’, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng, giới trẻ học được rất nhiều thứ từ mạng xã hội nhưng thứ xấu lại được tiếp thu nhanh và nhiều hơn những điều tốt đẹp.
Trong talskhow ‘Chuyện cuối tuần’, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng, giới trẻ học được rất nhiều thứ từ mạng xã hội nhưng thứ xấu lại được tiếp thu nhanh và nhiều hơn những điều tốt đẹp.

Mở đầu chương trình Chuyện cuối tuần, MC Ngô Như Quỳnh thẳng thắn đề cập một câu chuyện từng khá ồn ào trong giới giải trí, khiến nhiều người phẫn nộ về cách ứng xử của một nghệ sĩ trẻ đối với nghệ sĩ Trung Dân.

Dù không muốn nhắc lại những chuyện cũ đã qua, nhưng trong vấn đề văn hóa ứng xử của người trẻ, nghệ sĩ Trung Dân ngập ngừng cho biết bản thân từng cảm thấy khá hụt hẫng vì câu chuyện này.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, rồi sự nề nếp ấy tiếp tục được ông duy trì với thế hệ con cháu trong nhà, nên chưa bao giờ nghệ sĩ Trung Dân gặp phải một vấn đề như vậy cho đến khi làm nghề, ông mới xót xa khi bản thân lại trở thành “nạn nhân”.

“Tôi tự hỏi đó có phải là bản chất hay nó chỉ là một hiện tượng? Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy nếu người lớn không có trách nhiệm thì nó sẽ dần trở thành bản chất. Đừng nghĩ đó chỉ là vấn đề của người trẻ, đừng nghĩ lúc họ lớn hơn thì sẽ chững chạc hơn”, nghệ sĩ Trung Dân nói.

Với góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Tô Nhi A muốn mọi người nhìn nhận vấn đề một cách công tâm hơn vì ở thời đại nào thì cách ứng xử của người trẻ cũng không thể hợp nhãn người lớn.

Bởi lẽ do sự chênh lệch trong trải nghiệm và tiêu chuẩn mà người lớn đặt ra so với năng lực của các bạn trẻ.

Tuy nhiên theo chị, mức độ chỉn chu trong hành vi, thái độ và ý thức của giới trẻ bây giờ chắc chắn kém hơn giới trẻ cách đây mấy chục năm vì sự ảnh hưởng của xã hội hiện đại.

Do đó, chị hoàn toàn đồng ý với nghệ sĩ Trung Dân về trách nhiệm của những người lớn trong vấn đề này.

Quay trở lại câu chuyện của chính nghệ sĩ Trung Dân, ông khẳng định bản thân gần như không gặp rắc rối với cách cư xử của người trẻ vì hầu như những nghệ sĩ trẻ làm việc cùng ông đều hiểu cách làm việc của ông, cũng như vị trí của họ.

Thế nhưng ngoài đời, ông từng không ít lần “va” phải những trường hợp người trẻ cư xử rất tệ.

Nghệ sĩ Trung Dân kể, có lần ông đang đi trên đường thì gặp một chàng trai đang mắng mỏ một người phụ nữ lớn tuổi, thậm chí còn có những hành động bạo hành.

Nam nghệ sĩ đã chạy qua nhưng vẫn vòng xe lại để yêu cầu cậu ta không được hành động như vậy nếu không ông sẽ gọi cảnh sát.

Thế nhưng đáp lời ông, cậu thanh niên ấy nói đây là chuyện gia đình cậu ta và không liên quan gì đến ông.

Nghệ sĩ Trung Dân cũng khẳng định bản thân không biết chuyện gia đình họ nhưng cách mà cậu thanh niên này cư xử cho ông thấy con người lỗ mãng và vô văn hóa của cậu ta, điều này khiến ông không thể nào làm ngơ được.

Nghệ sĩ Trung Dân từng cảm thấy khá hụt hẫng về câu chuyện liên quan đến văn hóa ứng xử của người trẻ.

Đồng tình với những gì mọi người chia sẻ, MC Ngô Như Quỳnh cho rằng, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội còn khiến cho văn hóa ứng xử của những người trẻ trên thế giới ảo càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Họ dễ dàng "ném đá" người khác, thậm chí cả những người lớn tuổi hơn bằng những ngôn từ rất thô tục trên mạng xã hội, dù có thể ngoài đời họ rất lễ phép.

Nghệ sĩ Trung Dân cũng cho rằng, giới trẻ học được rất nhiều thứ từ mạng xã hội nhưng thứ xấu lại được tiếp thu nhanh và nhiều hơn những điều tốt đẹp.

Khi xem những clip trên mạng mà học sinh túm đầu đánh nhau hay lột đồ bạn học khiến ông vô cùng đau lòng. Nghệ sĩ còn thẳng thắn, nếu trường hợp đó là con ông, chắc chắn ông không đủ bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng.

“Nhưng tôi là người quá hạnh phúc và may mắn vì tất cả mọi thứ đến với tôi đều rất nhẹ nhàng. Dù có biến cố gì xảy ra thì cả gia đình đều cùng ngồi lại để đưa ra những phương án giải quyết hợp lý”, ông chia sẻ.

Đồng thời, khi nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn, nghệ sĩ Trung Dân và MC Ngô Như Quỳnh cũng đồng ý với Tiến sĩ Tô Nhi A rằng, đây là một câu chuyện cũ nhưng sẽ không bao giờ lỗi thời.

Bởi lẽ, có truy đến đâu thì cách cư xử của người trẻ cuối cùng vẫn quay về câu chuyện đứa trẻ đó đã được nuôi dạy như thế nào?

“Và trong câu chuyện uốn nắn hành vi văn hóa của các bạn trẻ, tôi vẫn thấy các bạn là đối tượng cần được hỗ trợ trước khi đem ra xử phạt”, Tiến sĩ Tô Nhi A nói.