Nhỏ Bình thường Lớn

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa

Trở về nước sau chuyến lưu diễn tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo và Italy, nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc và dư âm về chuyến đi đáng nhớ, khi lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ ngoại giao qua một chương trình biểu diễn hòa nhạc.
Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa
Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad, Áo. (Ảnh: NVCC)

Trò chuyện với phóng viên TG&VN, vị Phó Giám đốc trẻ nhất trong lịch sử 70 năm của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã chia sẻ về câu chuyện "bếp núc" cho chuyến lưu diễn đặc biệt, bày tỏ niềm tin về sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, cũng như ý thức hơn về vai trò của văn hóa và người nghệ sĩ trong việc phát huy sức sáng tạo, quảng bá hình ảnh đất nước …

Nhiệm vụ đặc biệt

Tin liên quan
Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa: Muốn làm giàu Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa: Muốn làm giàu 'tấm danh thiếp' của Việt Nam khi giao lưu với thế giới

Dư âm của chuyến lưu diễn vừa rồi hẳn còn để lại trong anh và các nghệ sĩ những ấn tượng khó phai?

Với đoàn nghệ sĩ và cá nhân tôi, đây là một niềm vinh dự rất lớn vì được đại diện cho nghệ thuật nước nhà đến với nước Áo – đất nước đã sinh ra các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Haydn…. Được biểu diễn ở phòng hòa nhạc Haydn-Saad - phòng hoà nhạc số một thế giới trong lâu đài Esterhazy (Eisenstadt) là ước mơ của tác cả các nghệ sĩ cổ điển.

Với nhiều anh chị em trong đoàn đây cũng là lần đầu tiên (cá nhân tôi là lần thứ hai) được đặt chân vào Cung điện Rome của Italy biểu diễn. Đúng là một cơ hội hiếm có, bởi theo tôi được biết, tại cung điện này mỗi năm chỉ diễn ra hai buổi hoà nhạc.

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa
Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy cùng các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad. (Ảnh: NVCC)

Điều này chứng tỏ nước bạn đã dành cho Việt Nam sự trân trọng, đánh giá rất cao và đón tiếp rất trọng thị. Chúng tôi rất trân trọng cơ hội mà Nhà nước tin tưởng trao cho mình. Ấn tượng này sẽ còn đòng lại mãi trong lòng mỗi nghệ sĩ trong đoàn.

Lưu diễn ở nước ngoài không phải câu chuyện mới mẻ với các nghệ sĩ, thế nhưng để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt lần này, quá trình chuẩn bị để “mang chuông đi đánh xứ người” được đoàn thực hiện ra sao?

Bên cạnh niềm tự hào cũng đây là trọng trách rất lớn. Thực ra, chúng tôi khá áp lực vì mình đại diện cho một đất nước với 100 triệu dân với nhiều nét văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc anh em. Chuyến lưu diễn cũng là bài toán khó vì trong một khoảng thời gian ngắn phải thực hiện ba chương trình khác nhau với những tiết mục riêng, không lặp lại.

Tôi cùng PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện và các thành viên đoàn đã suy nghĩ rất kỹ về kịch bản và đã có bước đột phá về cách tiếp cận văn hoá. Cách tiếp cận an toàn là mang theo và giới thiệu âm nhạc, nghệ thuật mang tính bản sắc dân tộc. Nhưng như vậy các bạn sẽ khó hiểu được ngôn ngữ âm nhạc riêng của chúng ta, cũng như khó thẩm định được giá trị nghệ thuật.

Vì vậy, chúng tôi đã kết hợp với âm nhạc hàn lâm – loại hình không thuộc sở hữu riêng của quốc gia nào, mang tính quốc tế và là di sản của thế giới. Một chương trình như vậy mang tính hội nhập rất lớn, không chỉ giúp bạn bè quốc tế có thể hiểu được văn hoá Việt Nam là gì, mà còn biết Việt Nam làm được gì và hội nhập như thế nào.

Lần này, các buổi diễn có sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc hàn lâm và âm nhạc truyền thống, trong đó giới thiệu được một số nét văn hoá tiêu biểu, đặc sắc nhất của Việt Nam, như đàn bầu - tiếng lòng da diết của người Việt và một cụ độc đáo nữa của vùng cao Tây nguyên là đàn T’rưng.

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa

Tổng thống Italy Sergio Mattarella thích thú khám phá cây đàn bầu của Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, với sự chỉ đạo xuyên suốt và sự chuẩn bị chu đáo, chúng ta đã có những chương trình nghệ thuật súc tích, trọng tâm với những tác phẩm có tính khí nhạc cao. Vì vậy, khi thấy khán giả tại Áo và Italy bắt nhịp rất nhanh và dường như không còn rào cản ngôn ngữ nào khác, các nghệ sĩ trong đoàn cũng biểu diễn rất tự tin với một năng lượng tích cực thể hiện được bản sắc và niềm tự hào dân tộc.

Thanh âm lắng đọng mãi

Mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi Thư khen biểu dương, đánh giá cao đoàn nghệ thuật cũng như mong các nghệ sĩ luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng sáng tạo và phát triển, hướng tới những đỉnh cao mới, góp phần đưa văn hoá Việt Nam ngày càng lan toả đến bạn bè quốc tế. Qua đây, anh nhận thức thế nào về vai trò của người nghệ sĩ đối với quảng bá hình ảnh đất nước?

Có thể nhận thấy sự cộng hưởng lớn để tạo nên thành công chuyến thăm của Chủ tịch nước vừa qua, trong đó có đóng góp quan trọng của văn hóa. Bên cạnh những nghi thức, chương trình làm việc…, các buổi hòa nhạc đã làm mềm mại hóa không khí của chuyến thăm. Sau chuyến đi, người ta sẽ vẫn nhớ và lưu luyến những thanh âm ấy.

Tôi cho rằng việc gắn các chương trình hòa nhạc với nhiệm vụ ngoại giao là hướng đi rất đúng đắn và phù hợp với thời kỳ hội nhập hôm nay, trong khi âm nhạc có ngôn ngữ chung, với sức mạnh kết nối rất lớn.

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa
Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy trao đổi với Tổng thống Italy Sergio Mattarella. (Ảnh: NVCC)

Thành công chương trình lần này sẽ làm tiền đề tốt cho những hoạt động văn hoá đối ngoại trong thời gian tới – nơi chúng ta không chỉ giới thiệu về âm nhạc truyền thống, mà còn cho các bạn thấy được sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, khả năng, trình độ của các nghệ sĩ Việt Nam. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ, động viên hơn nữa và tập hợp những nghệ sĩ đã ở độ tuổi chín trong nghề và các bạn trẻ tài năng khác để thực hiện nhiệm vụ này.

Anh có cho rằng dư âm tốt đẹp của các chuyến lưu diễn sẽ mở ra các cơ hội hợp tác trong thời gian tới?

Với sự lan toả mạnh mẽ của truyền thông, đặc biệt trên mạng Internet, chúng tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Điều này khẳng định rằng khi có sự quan tâm, đầu tư và chuẩn bị công phu thì chúng ta hoàn toàn có thể tự tin tham gia những chương trình với chuẩn mực quốc tế cao. Những chương trình chất lượng này cũng giống như một tấm danh thiếp để có thể mang đi giới thiệu với bạn bè quốc tế và cho họ thấy được sự phát triển của Việt Nam hiện nay.

Tôi tin rằng từ chuyến lưu diễn này sẽ còn mở ra nhiều cơ hội khác. Chẳng hạn, ngay sau buổi hòa nhạc, các bạn Áo đã bày tỏ ấn tượng với những màn trình diễn của nghệ sĩ Việt Nam và mong muốn chúng tôi quay lại biểu diễn.

Hay trong những cuộc trao đổi với nhạc trưởng Paolo Olmi, người Italy, chúng tôi cũng gợi mở về cơ hội giao lưu giữa các nhóm nghệ sĩ hai bên, mời nghệ sĩ đến lưu diễn tại Hà Nội… Đây là một trong những hình thức giao lưu nhân dân cần được phát huy trong giới nghệ sĩ, giúp hiểu biết và học hỏi nhau được nhiều hơn.

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa
Các nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật tháp tùng Chủ tịch nước chụp ảnh tại phòng hoà nhạc trong Cung điện Rome. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện văn hóa ngày càng được nâng tầm

Vừa rồi là câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”, còn nhìn về sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, trong đó có âm nhạc cổ điển, anh thấy có những triển vọng gì?

Tôi cho rằng ở Việt Nam đang có nhiều điều kiện để phát triển âm nhạc, như xã hội ngày càng văn minh, đông dân, đời sống và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân ngày càng nâng cao.

Một điều đáng mừng là việc đào tạo âm nhạc của chúng ta đang không kịp với tốc độ phát triển hiện nay. Các em học viên từ trung cấp ra trường gần như đều có việc làm và mỗi cá nhân đều đóng góp vào sự phát triển âm nhạc nói chung.

Tôi lấy một ví dụ, trước năm 1997, ở Hà Nội gần như chỉ có một dàn nhạc thính phòng giao hưởng, nhưng sau 1997 đã có 3 dàn nhạc và giờ đây có tới 6 dàn nhạc trong một thành phố khoảng hơn 8 triệu dân.

Đương nhiên, chúng ta còn nhiều khó khăn về các điều kiện, kinh tế, chính sách… nhưng không vì thế mà bi quan. Tôi cho rằng đời sống tinh thần ở Việt Nam hiện nay khá tốt và khích lệ được tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ để phát triển nền âm nhạc nước nhà.

Thực tế, nhiều nghệ sĩ đang có những thành công nhất định ở nước ngoài vẫn băn khoăn về nước về môi trường hoạt động nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Là một nghệ sĩ tên tuổi đã lựa chọn về quê hương làm việc, anh muốn chia sẻ điều gì không?

Tôi quan niệm lựa chọn hoạt động nghệ thuật ở đâu là do mình, môi trường cũng có thể do mình tạo ra và ở đâu cũng sẽ có những mặt ưu việt.

Nếu như muốn có sự phong phú, khám phá và thử thách thì tôi cho rằng ở Việt Nam có sự thú vị nhất định. Còn ở các nước phát triển, mọi thứ dường như đều chuẩn chỉnh, điều kiện hỗ trợ nghệ thuật tốt… nhưng sự đào thải rất lớn và việc chứng minh bản thân là số một không đơn giản.

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa
Các nghệ sĩ chụp ảnh cùng đoàn tháp tùng Chủ tịch nước tại Italy. (Ảnh: NVCC)

Khi tôi về nước, nhiều người cho rằng đó là một quyết định chưa hợp lý. Tuy nhiên, bản thân tôi biết mình muốn gì và ở đâu là phù hợp với mình.

Hiện nay, Đảng và Chính Phủ đã có những bước đột phá, chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò của văn hóa. Câu chuyện văn hóa ngày càng được nâng tầm và đặt vào những vị trí quan trọng.

Đây là những triển vọng tốt cho môi trường hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Chỉ cần mỗi người có đủ mong muốn, tài năng, cùng với sự kiên nhẫn, quyết tâm thì nhất định sẽ thành công!

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

NSƯT Bùi Công Duy từng là tài năng trẻ của âm nhạc Việt Nam với nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997.

Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), anh là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây Virtouse Moscow danh tiếng trên thế giới. Anh cùng vợ là nghệ sĩ biểu diễn piano Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) về nước làm việc, giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và biểu diễn các chương trình hòa nhạc lớn.

Bùi Công Duy giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 2017 và nhận học hàm Giáo sư danh dự tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan vào tháng 4/2023.

Tìm hiểu kiến trúc Pháp-Đông Dương từ góc nhìn di sản

Tìm hiểu kiến trúc Pháp-Đông Dương từ góc nhìn di sản

Ngày 22/7, Tọa đàm “Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản” đã được Viện Pháp Việt Nam tổ chức tại Trung ...

Ấn tượng Việt Nam tại Lễ hội mùa Hè tại Đức

Ấn tượng Việt Nam tại Lễ hội mùa Hè tại Đức

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Hè (Sommerfest) được tổ chức ngày 22/7 ở trung tâm thành phố Augsburg, bang Bayern, Tạp chí Hương Việt ...

Đoàn báo chí nước ngoài khảo sát, tìm hiểu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, thăm làng Gò Cỏ

Đoàn báo chí nước ngoài khảo sát, tìm hiểu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, thăm làng Gò Cỏ

Sáng 4/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến khảo sát, tìm hiểu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn ...

Khám phá đầm An Khê - dấu ấn trên bản đồ du lịch Quảng Ngãi

Khám phá đầm An Khê - dấu ấn trên bản đồ du lịch Quảng Ngãi

Chiều 4/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đã tham quan, khám phá đầm An Khê - đầm nước lớn nhất ...

Phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế

Phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế

Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị ...