Bidi Bidi đem tới các chương trình âm nhạc và nghệ thuật, tạo không gian cộng đồng để người tị nạn giao lưu văn hóa. (Nguồn: CNN) |
Kể từ tháng 12/2013, khi khủng hoảng chính trị và bạo lực xảy ra ở Nam Sudan, không kể hơn 2 triệu người dân nước này phải lánh nạn ở khắp các địa phương thì có 2 triệu người khác phải tị nạn ở các nước láng giềng như Uganda, Ethiopia và Kenya.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Uganda tiếp nhận số người tị nạn lớn thứ ba thế giới, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, trong đó, gần 86% là phụ nữ và trẻ em. Những người tị nạn phải đối mặt với tình trạng thiếu viện trợ nên phải dựa vào các hoạt động nông nghiệp, tự cung tự cấp để duy trì cuộc sống.
Công cụ có sức mạnh hòa bình và yêu thương
Theo CNN, trong bảy năm qua, Bidi Bidi trở thành một trong những khu định cư tị nạn lớn nhất thế giới, chủ yếu là những người tị nạn chạy trốn cuộc nội chiến ở Nam Sudan. Điều đáng nói, nơi đây đang chuẩn bị ra đời Trung tâm Âm nhạc & nghệ thuật Bidi Bidi - không gian biểu diễn nghệ thuật đầu tiên dành cho những người tị nạn.
Do công ty kiến trúc Hassell và LocalWorks (trụ sở tại thủ đô Kampala của Uganda) thiết kế, đây là dự án kiến trúc tiên phong, hiếm có dành riêng để phục vụ nghệ thuật cho cộng đồng người tị nạn. Công trình hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo bản vẽ, nhà hát Bidi Bidi sẽ có hình tròn, tràn ngập ánh sáng, có phòng thu âm acoustic và lớp học nhạc. Mái thép bóng loáng của nhà hát có công năng hứng nước mưa để tái sử dụng. Một vườn ươm cây và vườn rau đang được trồng bên ngoài.
Ông Xavier De Kestelier, giám đốc thiết kế của công ty Hassell, cho biết, một tổ chức có tên là To.org đã khảo sát các cư dân Bidi Bidi về nhu cầu tinh thần mà họ mong muốn. Câu trả lời là “một nơi dành cho khiêu vũ, âm nhạc và biểu diễn”.
Ông Nachson Mimran, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của To.org nêu vấn đề: “Tại sao hàng triệu người trên toàn thế giới lại không thể tiếp cận các không gian sáng tạo chỉ vì họ đã phải di tản do xung đột, biến đổi khí hậu hoặc vì bất kỳ lý do nào khác?”.
Cho rằng “câu trả lời là không nên”, ông Nachson Mimran lập luận rằng, trên thực tế, “âm nhạc, nghệ thuật, khiêu vũ và sân khấu chính là những hình thức trị liệu có ý nghĩa đối với những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), căn bệnh đặc hữu ở Bidi Bidi cũng như ở các khu tị nạn khác”.
Theo anh Mawa Zacharia Erezenio, người sống ở khu định cư từ những ngày đầu thành lập (năm 2016), phần lớn cư dân ở Bidi Bidi dưới 18 tuổi và đều có nhu cầu lớn về một không gian văn hóa chung. “Cuộc sống tại khu định cư không hề dễ dàng”, anh tâm sự.
Kể từ khi đến đây, Erezenio đã đồng sáng lập Sina Loketa, một tổ chức chuyên dàn dựng các chương trình biểu diễn âm nhạc cho trung tâm. Đây là tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nỗ lực sáng tạo và kinh doanh của những người tị nạn trẻ tuổi.
Erezenio chia sẻ, một trong những khó khăn mà anh phải đối mặt khi lần đầu bắt tay vào việc, là sự căng thẳng âm ỉ giữa các thành viên của các bộ tộc khác nhau, cùng sống trong trại tị nạn. Chính vì thế, việc gắn kết cư dân lại với nhau thông qua nghệ thuật “có thể giúp họ nghĩ về tương lai thay vì tranh đấu với nhau”.
“Chúng tôi mời thành viên của các bộ tộc biểu diễn cùng nhau, giao lưu trao đổi các điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa… Chúng tôi coi đây là một công cụ có sức mạnh, mang lại hòa bình và tình yêu thương”.
So sánh năm 2023 với năm 2016 và năm 2017, theo Erezenio, “có một sự khác biệt lớn”. Những hoạt động của tổ chức Sina Loketa giúp giảm bớt “chủ nghĩa cá nhân” mà anh tin rằng gây bất lợi cho cộng đồng.
Trung tâm Âm nhạc & nghệ thuật ở khu định cư Bidi Bidi dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. (Nguồn: CNN) |
Thân thiện môi trường
Theo ông De Kestelier, ngoài vai trò là một nơi tụ tập của những người tị nạn, công trình kiến trúc mới cần phải hoạt động hiệu quả nhất có thể. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân số đông đúc ở Bidi Bidi hiện còn nghèo nàn, thiếu nước sạch và nguồn cấp điện ổn định.
Để giảm việc sử dụng điện, các kiến trúc sư tính toán để tận dụng ánh sáng mặt trời chiếu xuyên vào tòa nhà thông qua các lỗ hở trên tường và các giếng trời. Việc cung cấp nước cho tòa nhà không cần đến máy bơm mà thay vào đó là nước mưa, nước giếng do các tổ chức nhân đạo tài trợ, chảy qua hệ thống ống nước tự động, cung cấp nguồn nước sạch cho người định cư.
Ông De Kestelier cho biết: “Nước mưa chảy xuống theo mái dốc và được thu, chứa vào một bể lớn, nơi mọi người có thể lấy để sử dụng vì nước sạch thực sự là vấn đề lớn. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi xây dựng mái của nhà hát thì sẽ hứng được nhiều nước mưa”.
Theo ông, đội ngũ xây dựng tránh sử dụng những vật liệu có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Họ chọn mái nhà bằng thép đúc sẵn, sản xuất tại Kampala, để tránh phụ thuộc vào nguồn gỗ địa phương. Họ chọn gạch ép thủ công làm từ đất của địa phương thay vì gạch nung từ lò đốt bằng củi gỗ.
Ngoài những công năng mang tính tiện ích, tiết kiệm và bền vững, De Kestelier muốn cư dân Bidi Bidi có một nhà hát của riêng họ. Ông hồ hởi nói: “Mọi người ở đây gọi nó là Cây nấm, điều này thật tuyệt vời. Khi người ta đặt cho công trình một cái tên, họ gắn bó, gần gũi với nó nhiều hơn”.
Anh Erezenio hy vọng Bidi Bidi và các khu định cư khác sẽ có thêm nhiều dự án giúp người tị nạn có những “công cụ để thành công” bên cạnh những nhu cầu về nơi ăn ở, sinh hoạt.
“Chiến tranh đã hủy hoại tất cả ước mơ, đam mê của họ”, anh nói, “nếu nhận được nhiều sự giúp đỡ và nhiều nguồn tài trợ hơn, chúng tôi có thể tạo ra nhiều sự thay đổi”.