📞

Nghĩa trang nổi và nghĩa trang trong vũ trụ - giải pháp của tương lai?

18:00 | 23/09/2016
Từ cấu trúc theo kiểu chuồng chim bồ câu hay những nghĩa trang nổi, thậm chí chôn cất trong vũ trụ, ngành tang lễ châu Á sẽ trải qua sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, đến năm 2050, tại châu Á-Thái Bình Dương, cứ bốn người sẽ có một người có độ tuổi trên 60.  Đồng thời, mỗi ngày sẽ có 188.000 người đổ xô đến các khu vực đô thị, gây ra áp lực rất lớn về bất động sản. Với việc có nhiều người chết hơn và không gian có sẵn trở nên ít đi, các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị đang phải nghĩ ra cách thức táo bạo và hiện đại để chôn cất những người đã khuất mà vẫn bảo đảm sự tôn kính và đầy đủ nghi lễ cần thiết.

Từ cấu trúc theo kiểu chuồng chim bồ câu hay những nghĩa trang nổi, thậm chí chôn cất trong vũ trụ, ngành tang lễ châu Á sẽ trải qua sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Hình ảnh sống động đáng ngạc nhiên bên trong khu Ruriden của Nhật Bản.

Chết kiểu “công nghệ cao”

Nhật Bản có lẽ là nơi trải qua những thay đổi lớn nhất của ngành này.

Kể từ thời Edo (1603-1868), ở các thành thị và nông thôn, các gia đình Nhật Bản vẫn thường kế thừa khu mộ của dòng họ, được truyền từ đời này qua đời khác.

Thế nhưng, chi phí của việc “giữ chỗ” tại các nghĩa trang đã tăng vọt trong những năm gần đây. Hiện tại, một vị trí trong Nghĩa trang Aoyama uy tín ở tại Tokyo có giá đến 100.000 USD, trong khi một phần mộ chia ngăn kiểu chuồng bồ câu– được gọi là nokotsudo - tại một ngôi chùa Phật giáo nằm ở trung tâm có thể mất đến 12.000 USD.

Hơn nữa, với số lượng các hộ gia đình đơn lẻ tại Nhật ngày càng tăng, các trường hợp thừa kế một khu mộ phần của gia đình ngày càng ít đi.

Khu mộ Ruriden Byakurengedo đặt trong khu mua sắm nổi tiếng của Tokyo Shinjuku, là một giải pháp thay thế công nghệ cao phù hợp với cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản.

Từ bên ngoài, Ruriden trông giống như một nhà an táng truyền thống của Phật giáo với cửa ra vào bằng gỗ và mái hiên uốn cong duyên dáng.

Nhưng sau khi quẹt thẻ điện tử để đi vào trong, quang cảnh bên trong rất sống động và rực rỡ với 2.045 bức tượng Phật được thắp sáng bằng đèn LED hiện ra. Mỗi bức tượng có một màu sắc khác nhau, là chỉ dẫn cho khách biết “người thân” của họ đang ở đâu. Ở đây không có hương hay bia mộ mà mỗi người sở hữu ô chứa sẽ được cấp thẻ điện tử để ra vào tòa nhà Ruriden.

Mỗi ô ở đây có giá 7.379 USD, đã bao gồm cả phí bảo quản, và có thể được sử dụng trong vòng 30 năm trước khi tro cốt được di chuyển đến một khu vực dưới tòa nhà, nhường chỗ cho những người mới.

Đối với những người già không có con cái, công trình này giúp loại bỏ những lo lắng về bảo quản tro cốt, hoặc để lại nó cho thế hệ sau.

"Dân số Nhật Bản đang giảm do tỷ lệ sinh giảm… do đó các gia đình khó mà giao lại phần mộ gia đình cho thế hệ sau”, Taijun Yajima, phụ trách ngôi đền Phật giáo Kokokuji ở Tokyo vận hành khu Ruriden, nói với CNN. "Tuy nhiên, Ruriden chỉ góp phần giải quyết nhu cầu của thời nay. Còn về truyền thống và tình cảm đối với những người đã quá cố không hề thay đổi, ngay cả khi chúng ta sử dụng các giải pháp công nghệ cao."

Một mô hình khác là Shinjuku Rurikoin Byakurengedo, đặt tại Tokyo, thoạt nhìn trông giống như một con tàu vũ trụ, và hoạt động giống như một thư viện thông minh.

"Công trình này không hề mang lại cảm giác giống như một nơi hỏa thiêu”,  Hikaru Suzuki, tác giả cuốn sách "Chi phí cho cái chết: Ngành công nghiệp tang lễ ở Nhật Bản đương đại".

Khi bạn quét thẻ, máy tự động dò tìm hộp tro từ một hầm ngầm và vận chuyển chúng qua một hệ thống băng chuyền đến một ô thích hợp. Khu nhà có thể chứa đến hàng chục nghìn chiếc bình tro mà không yêu cầu bất kỳ một thành viên nào trong gia đình hay người thừa kế nào phải đến để làm công tác bảo quản.

Và vô vàn ý tưởng khác

Tại Hong Kong, một thành phố nổi tiếng với dân số già, đất đai còn không đủ cho người sống, nói gì đến nơi an nghỉ cho người chết. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Điều tra và Thống kê Dân số và Hong Kong, trong 50 năm tới, số lượng người chết mỗi năm sẽ tăng gần gấp đôi. Do đó, thiết lập các bãi chôn lấp là điều không tưởng, và 90% dân số nơi đây chọn cách hỏa táng.

Nhưng ngay cả tro cũng cần một nơi cất giữ, và đặt một lọ tro trong một nghĩa trang cũng giống như là trúng xổ số với người dân Hong Kong, khi hàng nghìn gia đình đang nằm trong danh sách chờ đợi để đảm bảo có được một hốc tường nhỏ để gửi lọ tro với giá đến hơn 100.000 USD, Bộ Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm (FEHD) Hong Kong, cơ quan giám sát các cơ sở này cho biết.

Với khoảng 50.000 người qua đời mỗi năm ở Hong Kong, thành phố với 8 triệu dân này sẽ có một sự thiếu hụt 400.000 hốc tường như vậy vào năm 2023, theo FEHD.

Nhà Vĩnh hằng Nổi.

“Nhà Vĩnh hằng Nổi” là một nghĩa trang nằm trên biển, là một ý tưởng được đưa ra nhằm giảm áp lực lên các bãi chôn lấp của thành phố, và được thiết kế bởi công ty kiến ​​trúc địa phương Bread Studios.

"Ở Hong Kong, chúng tôi có truyền thống thăm mộ tổ tiên hai lần trong một năm - vào tháng Tư và tháng Mười”, Paul Mui, giám đốc thiết kế tại Bread Studio nói. “Nhưng có vẻ lãng phí nếu dành diện tích đất đai quý giá cho những nơi mà chúng ta chỉ ghé thăm hai lần một năm".

Nhà Vĩnh hằng nổi, nếu được xây dựng, sẽ cung cấp đủ chỗ để tro hỏa táng cho 370.000 người. Trong những đợt bận rộn như tháng Tư và tháng Mười, “Nhà Vĩnh hằng nổi” sẽ đỗ tại nhiều cảng khác nhau, công ty cho biết. Bread Studio hy vọng việc ghé thăm nghĩa trang nổi sẽ trở thành một cách để liên kết gia đình.

Bay quanh các ngôi sao và hơn thế nữa

Dịch vụ Không gian Thiên đường đang đưa công nghệ chôn cất lên một bước phát triển mới, bằng cách tung tro hỏa táng vào trong không gian.

Với giá 1.990 USD/suất, mỗi lần phóng tên lửa, 100 gia đình có thể gửi một “viên tro” có có trọng lượng 1gram vào không gian. Vệ tinh mang các viên tro này sẽ quay quanh Trái Đất trong vài tháng trước khi bốc cháy trong không khí, giống như một ngôi sao băng.

"Ý tưởng này không chỉ là về công nghệ, nó còn là một cảnh quan tuyệt đẹp có thể được sử dụng để tạo ra các lễ kỷ niệm thơ mộng", cựu kỹ sư hệ thống không gian của NASA Thomas Civeit, người sáng lập ra Không gian Thiên đường cho biết.

"Những chuyện kể về linh hồn của chúng ta bay quanh các ngôi sao sau khi chúng ta qua đời đã tồn tại ở Nhật Bản," Civeit giải thích thêm khi cho biết khoảng 50% khách hàng của công ty có trụ sở ở Mỹ này đến từ Nhật Bản.

Chuyến đi vào không gian đầu tiên của tro hỏa táng đã khởi hành từ Kauai, Hawaii, trong năm 2015, trong khi một chuyến thứ hai đã được lập trình cho năm nay.

Các gia đình có thể sử dụng một ứng dụng để theo dõi các vệ tinh, thậm chí có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường, nếu đeo ống nhòm.

"Công nghệ kiểu này không xuất hiện một cách bất ngờ”, Suzuki, cũng là một cố vấn cho Elysium Space cho biết. "Việc chôn cất trong không gian là một đỉnh cao của công nghệ và là mong muốn thế hệ trẻ để viết một câu chuyện mới về cuộc hành trình về thế giới bên kia".

Cùng xem một số hình ảnh về các nghĩa trang và nhà để tro hỏa táng:

Nhìn từ bên ngoài, Ruriden trông giống như một nhà an táng truyền thống của Phật giáo. Người qua đường sẽ không đoán được bên trong có gì.
Đèn LED trong một bức tượng Phật ở Ruriden được bật sáng khi người thân tới "thăm".
Mô hình nhà để tro hỏa táng có tên Shinjuku Rurikoin Byakurengedo, đặt tại Tokyo, trông giống như một con tàu vũ trụ, và hoạt động giống như một thư viện thông minh.
Là thành phố có dân số già, Hong Kong thiếu cả đất đai cho người sống, nói gì đến nơi chôn cất người chết.
Nhà Vĩnh Hằng Nổi sẽ di chuyển vòng quanh Hong Kong, thỉnh thoảng cập cảng để người dân đến thăm những người quá cố.
Nhà Vĩnh hằng nổi nhìn từ bên trong

 

(Theo CNN)