Pháo đài cổ Sigiriya nằm trên núi đá cao 200m ở Sri Lanka. (Nguồn: The Blog) |
Pháo đài cổ Sigiriya, hay còn gọi là hòn đá sư tử, là địa điểm du lịch được du khách ghé thăm nhiều nhất khi tới Sri Lanka. Pháo đài đá này nằm trên một tảng đá khổng lồ cao 200m ở quận Matale gần thị trấn Dambulla, Sri Lanka.
Theo sử sách, đây là nơi vua Kasyapa chọn đóng đô. Vua Kasyapa, người trị vì từ năm 477 đến năm 495 sau công nguyên, đã xây dựng tòa thành nằm trên đỉnh Sigiriya. Lo lắng về các cuộc tấn công tiềm tàng từ anh trai Moggallana, người thừa kế hợp pháp của ngai vàng, Kasyapa đã chọn đây làm nơi cư ngụ.
Núi đá trước đó từng được sử dụng làm Tu viện Phật giáo. Sau triều đại của ông, hòn núi đá này một lần nữa được sử dụng như một tu viện rồi bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ XIV.
Khi còn sống ở pháo đài này, vua Kasyapa đã tạo ra một "bức tường gương" được đánh bóng vô cùng tinh xảo dài 140m và cao 40m.
Một phần của bức tường gương vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Hình vẽ graffiti ở đây có ý nghĩa to lớn đối với các nhà sử học, thể hiện sự phát triển của ngôn ngữ và chữ viết Sinhala.
Bức tường gương nổi tiếng kết thúc tại một sân từng được thống trị bởi cổng sư tử. Tất cả những gì còn lại của công trình kiến trúc này là hai bàn chân sư tử lớn đặt hai bên cầu thang. Cầu thang từng dẫn qua cái miệng khổng lồ của bức tượng con sư tử đang nằm thu mình.
Ngày nay, pháo đài vẫn là một cảnh đẹp đáng để chiêm ngưỡng với những khu vườn nước, vườn đá, những bức bích họa nổi tiếng và tàn tích cung điện trên đỉnh núi.
Cận cảnh pháo đài. (Nguồn: The Blog) |
Đến nay, hệ thống thủy lực thông minh, tiên tiến và ấn tượng, bao gồm hồ, kênh, cầu, đài phun nước, đập và máy bơm nước ngầm, vẫn cung cấp nước cho các khu vườn được cắt tỉa cẩn thận.
Để vào Sigiriya, du khách phải băng qua một con hào sâu 5m bằng chiếc cầu kéo. Các bức tường phòng thủ được thiết lập phía sau hào.
Lối đi chính dẫn đến núi đá có các hồ bơi nằm hai bên. Các hồ bên tay phải đã được khai quật trong khi những hồ bên trái vẫn bị chôn vùi dưới lớp đất đá.
Các hồ bơi này được đặt trong sự đối xứng hoàn hảo. Đây là một ví dụ điển hình về quy hoạch đô thị của thời đại Sigiriya.
Khu di tích còn có những bức bích họa Sigiriya, là điểm nhấn của "tảng đá sư tử" mà tất cả du khách đến Sri Lanka đều mong muốn được ngắm nhìn tận mắt.
Trong số những bức vẽ graffiti được tìm thấy trên các bức tường của Sigiriya, đáng chú ý nhất là những bức vẽ cung nữ trong triều đình của vua Kasyapa. Các nhân vật khác được miêu tả bao gồm các vị thần, nữ thần.
Các bức tranh bích họa ở Sri Lanka rất giống với phong cách Gupta của bức tranh phổ biến tại hang động Ajanta của Ấn Độ.
Tuy nhiên, các bức bích họa ở Sigiriya sống động và uyển chuyển hơn so với những bức bích họa được tìm thấy trong hang động Ajanta.
Từ góc độ nghệ thuật, chúng đại diện cho nghệ thuật Sinhala cổ đại ở thời kỳ đỉnh cao, cũng là những tác phẩm hiếm hoi phô bày sự gợi cảm của phụ nữ một cách công khai với hình thức không cách điệu.
Sigiriya trở thành Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1982. Nơi này mở cửa đón khách tham quan mỗi ngày và là điểm đến thú vị dành cho du khách muốn tìm hiểu về văn hóa Sri Lanka.
| Quyết không phong tỏa dù số ca mắc Covid-19 tăng cao, Sri Lanka trông đợi vào vaccine và 'ý trời' Chính quyền Sri Lanka bác bỏ lời kêu gọi áp đặt phong tỏa, trước tình trạng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng ... |
| Số ca nhiễm tăng vọt, Sri Lanka đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba Ngày 9/5, số ca nhiễm Covid 19 tại Sri Lanka đã vượt quá 2.000 ca một ngày, đánh dấu ngày có số ca mới nhiều ... |