Ngoại giao công chúng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia. (Nguồn: Internet) |
Phép thử Covid-19
Covid-19 có thể được xem như một phép thử đối với năng lực và sự quyết tâm trong ngoại giao công chúng của mỗi quốc gia.
Nhiệm vụ phổ biến của ngoại giao công chúng là đưa ra lời giải thích rõ ràng, nhất quán về các chính sách và dự định tới cộng đồng quốc tế, với mục tiêu tạo dựng lòng tin. Thực tế cho thấy rằng, trong thời điểm khủng hoảng thì điều này rõ ràng là quan trọng hơn so với lúc bình thường.
Hiện nay, ngoại giao công chúng phải đối mặt với một thách thức đặc biệt trong bối cảnh của sự ưu tiên về thể chế, sự đa dạng của đối tượng và bối cảnh truyền thông toàn cầu phức tạp. Danh tiếng và uy tín quốc gia có thể sẽ gặp những rủi ro nghiêm trọng và chịu những thiệt hại lâu dài nếu không có sự lãnh đạo can đảm để vượt qua khủng hoảng.
Nhà báo David Brooks trong bài viết trên New York Times đã nhận định rằng, nhìn từ góc độ lịch sử, không giống các thảm họa tự nhiên như bão và động đất, đại dịch thường đẩy con người ra xa nhau hơn. Việc ngăn chặn đại dịch toàn cầu đòi hỏi cần sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.
Sự bùng nổ của dịch Covid-19 có tác động tới nền ngoại giao của thế giới theo những cách không lường trước và những nỗ lực của các quốc gia nhằm duy trì ngoại giao công chúng nhất quán ở nước ngoài trong đại dịch có thể mang đến cái nhìn toàn diện hơn về các mối quan hệ song phương.
Hơn thế nữa, ngoại giao công chúng còn giúp tạo dựng mối liên kết giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế. Các hoạt động gắn kết thế giới thông qua chương trình văn hóa và trao đổi được coi là một con đường để phát triển năng lực quốc tế và năng lực hợp tác của các quốc gia.
Những ý tưởng sáng tạo
Giữa lúc làn sóng Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, một số quốc gia châu Á đã xây dựng những chính sách ngoại giao công chúng mới để ứng phó với đại dịch. Trong đó, việc Nhật Bản và Trung Quốc sử dụng “ngoại giao khẩu trang” để xóa mờ những bất đồng sâu sắc được coi là điểm sáng trong chính sách ngoại giao công chúng của quốc gia. Chiến lược kiên quyết mà Hàn Quốc đã áp dụng để ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh cũng đã giúp đánh bóng danh tiếng của quốc gia này.
Cũng giống với một số quốc gia, thay vì để những tác động của dịch Covid-19 “nhấn chìm”, Mỹ giữ vững sự lãnh đạo của mình đối với ngoại giao công chúng thông qua việc duy trì chặt chẽ truyền thông kỹ thuật số hai chiều với người dân ở nhiều nước trên thế giới, điển hình là tại Cộng hòa Georgia. Chiến lược này nhằm nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy giáo dục để mở rộng tương tác với giới trẻ cũng như tái khẳng định tính trung tâm của ngoại giao công chúng trong quan hệ Mỹ- Georgia.
Khi đại dịch bùng phát, với trọng tâm là phát triển giáo dục trực tuyến, chương trình American Story Time được phát động trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Tbilisi không chỉ giúp các thanh thiếu niên Georgia học tiếng Anh, mà còn là phương tiện để khơi dậy mối liên kết với gia đình, bạn bè và phát huy vai trò của ngoại giao công chúng để kết nối xã hội.
Bên cạnh việc đưa giáo dục trực tuyến thành trung tâm của các chiến dịch gắn kết cộng đồng, Mỹ cũng đã lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo trong việc trao đổi giáo dục Mỹ - Georgia bằng cách mở rộng Chương trình trợ giảng Tiếng Anh Fulbright vào tháng 5/2020.
Ngoài hoạt động đặc biệt này, những thông lệ của ngoại giao công chúng bằng các cách thức truyền thống như trình diễn nhạc jazz, biểu diễn các tác phẩm nhạc jazz của Mỹ và các bài hát của Georgia nhân Ngày Quốc tế Nhạc Jazz 2020 cũng đã được triển khai.
Thêm vào đó, việc mở rộng phạm vi hoạt động trực tuyến và đa dạng hóa các chương trình chuyên đề thông qua trang Facebook của chương trình American Spaces tại Georgia đã thu hút ngày càng nhiều lượng khán giả trực tuyến trong thời gian đại dịch bùng phát.
Có thể thấy rằng, trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, ngoại giao công chúng lại càng phát huy được vai trò của mình trong việc kết nối cộng đồng, khẳng định những nỗ lực của các quốc gia trong việc đẩy lùi dịch bệnh và củng cố mối quan hệ song phương. Chắc chắn sau khi “cơn bão” Covid-19 qua đi, các quốc gia vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm các hướng đi mới để phát triển chiến lược ngoại giao công chúng của mình.