Back to E-magazine
e magazine
08:00 | 09/07/2022
Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

08:00 | 09/07/2022

Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở” của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế thích ứng với tình hình mới, nhằm tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh “bứt tốc”

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

Dưới ánh sáng đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của đất nước nói chung và ngành ngoại giao nói riêng được xác định rõ nhiệm vụ là “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại” trong việc thực hiện ba mục tiêu: “tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định”, “huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước” và “nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” và kết quả Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm, được quán triệt xuyên suốt, thấm nhuần trong mọi hoạt động đối ngoại thời gian qua.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần đi qua, xu hướng mở cửa trở lại của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trước khát vọng phục hồi mãnh liệt của đất nước, công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần hiện thực hoá sứ mệnh “bứt tốc” thể hiện bằng nhiều kết quả thực chất, nổi bật trong sáu tháng đầu năm nay.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

Triển khai tích cực, hiệu quả, bám sát Kế hoạch hành động của Hội nghị Ngoại giao 31, chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (ngày 21/1) cũng như các yêu cầu, quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác ngoại giao kinh tế trong nửa đầu năm 2022 ghi nhiều dấu ấn.

Dấu ấn chiến lược, nhằm triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách đồng bộ và hiệu quả, ngành Ngoại giao đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn nhằm kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch quan trọng về ngoại giao kinh tế, phù hợp với những yêu cầu phát triển và thách thức mới của thời đại. Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã hoàn tất tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày15/4/2010 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và kiến nghị những định hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành Kế hoạch hành động Ngoại giao khí hậu nhằm triển khai các cam kết tại COP26 giai đoạn 2022-2026.

Dấu ấn sâu rộng, phát huy mạnh mẽ “chuyên môn” của mình, ngành Ngoại giao tích cực làm sâu sắc quan hệ kinh tế - thương mại và tháo gỡ vướng mắc trong hợp tác với các đối tác cả về chiều sâu và chiều rộng.

Thông qua các hoạt động đối ngoại song phương các cấp, đặc biệt là cấp cao, hợp tác kinh tế với các nước tiếp tục được chú trọng thúc đẩy. Trong bối cảnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương trực tiếp của Việt Nam được nối lại sau thời gian bị ngắt quãng do đại dịch Covid-19, các chuyến thăm, dù là của Lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài hay của Lãnh đạo nước ngoài vào Việt Nam, đều đặt nội dung kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, trong đó chú trọng các hợp tác về kinh tế số, tăng trưởng xanh, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu…

Những dấu ấn của ngoại giao phục vụ phát triển được thể hiện rõ nét trong các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Singapore (24-26/2), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm Việt Nam (30/4-1/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc (11-17/5), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (26-30/6)… Riêng chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến 25 thỏa thuận được ký kết và trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước.

Đưa các hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, ngành Ngoại giao không ngừng tăng cường các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và tháo gỡ các vướng mắc trong các trao đổi, tiếp xúc các cấp với các đối tác. Tận dụng các sự kiện năm tròn, năm chẵn kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước (Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia…), chúng ta đẩy mạnh, lồng ghép quan hệ kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư… Đặc biệt phải kể đến nỗ lực tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác tiềm năng như Mỹ Latinh, các nước Trung Đông - châu Phi, các nước Nam Thái Bình Dương, trong đó có việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Đảo Cooks.

Dấu ấn tham mưu, công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách kinh tế được triển khai chủ động, kịp thời trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn năm 2021. Hàng loạt rủi ro như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đối mặt với nguy cơ suy thoái, lạm phát ở nhiều nước đạt mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ qua, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn... tác động hết sức tiêu cực đến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Các báo cáo về tác động của xung đột Nga - Ukraine, biến động giá dầu, lạm phát, các sáng kiến liên kết kinh tế mới, thúc đẩy kinh tế số và xanh… cùng với hàng loạt các hoạt động tư vấn chính sách với nội dung và kết quả thực chất đã tham mưu thiết thực cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, góp phần giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong sáu tháng đầu năm 2022.

Dấu ấn xúc tiến, công tác đối ngoại hỗ trợ, đáp ứng kịp thời và trúng nhu cầu xúc tiến kinh tế đối ngoại của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các địa phương, doanh nghiệp. Để phục vụ cho đất nước mở cửa du lịch quốc tế, Bộ Ngoại giao đã chủ động, nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp “khơi thông” dòng chảy du lịch như phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả (15/3) và tích cực đàm phán, vận động công nhận hộ chiếu vaccine. Nội ứng ngoại hợp, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng linh hoạt biến thành những “chiếc cầu nối hàng không” hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá du lịch, mở đường bay thẳng...

Tận dụng những lĩnh vực thế mạnh và thời cơ “trở mình” phục hồi sau đại dịch, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các ngành gặp khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến kinh tế đối ngoại. Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò cầu nối giữa địa phương với các đối tác nước ngoài, nhiều sự kiện đã được tổ chức trong sáu tháng qua kết nối các địa phương như Thanh Hóa, Bình Định, Sóc Trăng, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc… với nhiều đối tác chủ chốt.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến và mở rộng đầu tư, kinh doanh. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hỗ trợ Vinfast mở nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ, Tổng Lãnh sự quán tại Battambang hỗ trợ Sunhouse xúc tiến thương mại tại sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo đầu tư…

Bên cạnh đó, ngành Ngoại giao đã chú trọng nâng cao vai trò cảnh báo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xử lý vướng mắc trong kinh doanh với nước ngoài. Điển hình là vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy đã được xử lý thành công nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, công tác triển khai nhanh chóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy; qua đó, giúp các công ty Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn nhất, trong thời gian ngắn nhất, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế.

Dấu ấn thích ứng linh hoạt, song song với việc tiếp nối các thành quả ngoại giao kinh tế nổi bật như ngoại giao vaccine, ngành Ngoại giao cũng tích cực triển khai, cụ thể hóa các nội hàm mới của ngoại giao kinh tế như ngoại giao khí hậu hay ngoại giao số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của đất nước. Bộ Ngoại giao đã ban hành Kế hoạch hành động Ngoại giao Khí hậu nhằm triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26 giai đoạn 2022-2026 (15/4) và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham vấn các chuyên gia trong nước và Đại sứ COP26 khu vực châu Á - Thái Bình Dương để triển khai các cam kết tại COP26 và thúc đẩy các quan hệ hợp tác, đối tác về chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Dấu ấn đào tạo, nhằm lan tỏa, quán triệt tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, công tác đào tạo về ngoại giao kinh tế không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về đối tượng từ các cơ quan ngoại vụ địa phương đến từng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của các cơ quan Trung ương, địa phương và đặc biệt là các cán bộ ngoại giao ở trong và ngoài nước.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

Năm 2022 được xác định là năm bản lề có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế - xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và sau đó như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra. Một nửa hành trình đã trôi qua, hành trình nửa năm còn lại là thời cơ để công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tăng tốc hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tình hình mới.

Mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn và nhiều rủi ro do đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, tác động của xung đột kéo dài tại Ukraine…, nhưng chúng ta cũng có thuận lợi không nhỏ khi đã trở lại trạng thái bình thường hoàn toàn, kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, riêng quý II/2022 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo cơ sở thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh “bứt tốc”

Tại Hội nghị sơ kết công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo các hoạt động ngoại giao kinh tế thời gian tới cần được nhanh nhạy triển khai, bám sát các chủ trương, định hướng và nhu cầu của đất nước, phù hợp với thế mạnh của các đối tác, địa bàn. Công tác ngoại giao kinh tế đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trên cơ sở lấy hiệu quả, thực chất là tiêu chí hàng đầu, vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm và xây dựng các quy trình, quy chế để thống nhất thực hiện.

Trên cơ sở đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba hướng chính là “đột phá - mở đường”, “đồng hành” và “phục vụ”.

Đột phá - mở đường là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đóng góp kịp thời, thiết thực và hiệu quả cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội; triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2030 ngay sau khi được ban hành, với quyết tâm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới; đồng thời triển khai các nội hàm mới của ngoại giao kinh tế, đặc biệt là ngoại giao khí hậu và ngoại giao số.

Đồng hành với tất cả các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, cần tiếp tục tăng cường nội dung hợp tác kinh tế; đẩy mạnh hợp tác thương mại, lao động, du lịch, đào tạo nhân lực… và tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn trong hợp tác với các đối tác. Trên cơ sở bám sát nhu cầu thực chất của các ngành, doanh nghiệp, địa phương, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối hợp tác thiết thực và hiệu quả.

Phục vụ tận tâm khát vọng, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, những cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế cần thấm nhuần hơn nữa niềm vinh dự, trách nhiệm, tự hào của người cán bộ ngoại giao đang làm một sứ mệnh thiêng liêng là đóng góp, phụng sự Tổ quốc, nhân dân.

Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh 'bứt tốc'

Đồ họa: Lim Dim | Nguồn ảnh: Báo TG&VN, TTXVN…

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.