Ngoại giao kinh tế là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại của mọi quốc gia. Lĩnh vực này không chỉ là hỗ trợ đầu tư quốc tế cho các công dân ở nước ngoài, mà còn đòi hỏi cả kỹ năng đối ngoại và các công cụ kinh tế.
Nếu được thực hiện đúng cách, ngoại giao kinh tế có khả năng thúc đẩy quốc gia tăng tưởng mạnh mẽ. (Ảnh minh họa) |
Vị trí quan trọng
Theo nghĩa hẹp, ngoại giao kinh tế chủ yếu liên quan đến chính sách kinh tế quốc tế, như cách duy trì tài chính toàn cầu ổn định mà không gây ra tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng của thanh niên hoặc bất ổn xã hội; cách kích thích tăng trưởng kinh tế tại các nước kém phát triển đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoại giao kinh tế còn liên quan tới việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, huy động hỗ trợ quốc tế, tài trợ cho các quốc gia khác và thực hiện các quy tắc quốc tế.
Nguồn gốc của ngoại giao kinh tế là ngoại giao thương mại. Xuất phát điểm, ngoại giao thương mại chỉ là lĩnh vực của các nhà ngoại giao trong chính phủ, không có sự tham gia của khối tư nhân và xã hội.
Trong thời kỳ phương Tây thống trị, cùng với sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, mối liên hệ thực dụng giữa kinh tế và chính sách đối ngoại trở nên suy yếu. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ và sự thay đổi quyền lực đáng kể đã một lần nữa tạo động lực và điều kiện cho nhà nước tham gia vào chính sách đối ngoại về kinh tế.
Kể từ đó, ngoại giao kinh tế bắt đầu phát triển theo dòng chảy của toàn cầu hoá và dần có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế như ngày nay.
Tác động của toàn cầu hoá
Toàn cầu hoá đã làm thay đổi cấu trúc của các mối quan hệ kinh tế quốc tế trên toàn thế giới, đồng thời tác động đến chính trị và xã hội. Mối quan hệ giữa các bên trong toàn cầu hóa phức tạp, do chịu sự ảnh hưởng từ nhiều tác nhân tham gia vào các yêu sách đối với thị trường và nguồn lực, cùng các hoạt động truyền thống thuộc về ngoại giao.
Toàn cầu hóa thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng qua sáp nhập và mua lại, đồng thời nỗ lực tác động đến chính sách trong nước và quốc tế để gia tăng lợi ích. Tương tự, các quốc gia cạnh tranh khốc liệt để các thể chế quản lý thay đổi theo hướng có lợi cho mình; cũng như nỗ lực hợp tác trong các thể chế xây dựng tiêu chuẩn và quy tắc như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngày càng nhiều các chủ thể tham gia vào ngoại giao kinh tế, mối quan hệ giữa các chủ thể trở nên phức tạp hơn và các chủ thể phi chính phủ luôn đi đầu trong các cuộc tranh luận về kinh tế-chính sách.
Toàn cầu hoá cũng làm mờ đi ranh giới chuyên môn của ngành ngoại giao. Các bộ chịu trách nhiệm về chính sách chuyên ngành vốn hoạt động độc lập với Bộ Ngoại giao như Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, giờ đây đã tham gia đối thoại chính sách với đối tác nước ngoài nhiều hơn.
Tuy nhiên, ngoại giao là chuyên môn của Bộ Ngoại giao, và Bộ Ngoại giao vẫn là đơn vị đi đầu trong ngoại giao kinh tế. Các bộ khác là các đơn vị liên quan, thực hiện hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực của bộ dựa trên tư vấn của Bộ Ngoại giao.
EU được xem là một nhân tố chính trong ngoại giao kinh tế. |
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, Liên minh châu Âu (EU) - khối thương mại lớn nhất thế giới là một nhân tố chính trong ngoại giao kinh tế. EU sử dụng nhiều năng lực, quy trình và công cụ để thực hiện ngoại giao kinh tế, bao gồm các hiệp định thương mại, các biện pháp trừng phạt, các quy định về tài chính và tiền tệ, cùng các hành động trong WTO.
EU hoạch định chính sách thương mại dựa trên các hiệp định thương mại, trong đó các nhà nước là chủ thể và Ủy ban châu Âu là trung gian.
Tổng cục Thương mại của Ủy ban châu Âu độc quyền tiến hành tất cả các cuộc đàm phán thương mại, dưới sự cho phép của Hội đồng Ngoại giao.
Một số hiệp định thương mại điển hình của EU là Hiệp định Toàn diện EU-Trung Quốc về Đầu tư và Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Vương quốc Anh.
Năng lực của EU trong ngoại giao kinh tế bắt nguồn từ việc tổ chức này được thừa nhận là một nhân tố đóng vai trò chính trên trường quốc tế. EU là thành viên của WTO. WTO, đặc biệt là Cơ quan Giải quyết tranh chấp của tổ chức này, đóng vai trò quan trọng trong thiết lập các chế độ trong vấn đề thương mại.
Tại WTO, các quốc gia thành viên EU hoạt động như một thể thống nhất với một ủy viên đại diện. EU là thành viên sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO thường xuyên nhất với hơn 180 vụ việc.
Hoạt động ngoại giao kinh tế của EU trong WTO bao gồm cải thiện, làm rõ và hỗ trợ các hiệp định của WTO sao cho phù hợp với lợi ích của EU, ví dụ như Chương trình nghị sự phát triển Doha.
Điều 215 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU) quy định về việc gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn quan hệ kinh tế và tài chính với các quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý cho các lệnh trừng phạt kinh tế của EU, bao gồm đóng băng tài sản tài chính, hạn chế, cấm vận vũ khí và cấm đi lại, trong số các hạn chế khác.
Các biện pháp trừng phạt này do Hội đồng châu Âu ban hành và tất cả các quốc gia thành viên phải nhất trí trước khi đưa vào thực hiện. Các biện pháp trừng phạt kinh tế là một phần không thể thiếu trong Chính sách An ninh và Đối ngoại chung của khối (CFSP) và được áp dụng như một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế rửa tiền, tài trợ cho khủng bố và các tội phạm khác.
Ví dụ về chế độ trừng phạt hiện tại của EU bao gồm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Venezuela và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Ngoại giao kinh tế có khả năng thúc đẩy quốc gia tăng tưởng mạnh mẽ. Ảnh chụp bến container tại cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp. (Nguồn: Reuters) |
Xu hướng thời Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã nổi lên như một thách thức lớn nhất hiện nay của thế giới, với tỷ lệ tử vong cao và không ngừng gia tăng. Đại dịch đã vượt ra ngoài một cuộc khủng hoảng y tế, gây ra những tác động lớn đối với các mối quan hệ giữa các quốc gia cũng như các vấn đề chính trị và kinh tế trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia bao gồm cả những quốc gia phát triển đã hành động nhằm đảm bảo lợi ích trong nước, ví dụ như việc cấm xuất khẩu cung cấp thiết bị y tế. Thực trạng này khiến các chuyên gia lo ngại rằng các nguyên tắc của thương mại tự do sẽ bị tổn hại tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Đại dịch cũng khiến một số vấn đề kinh tế trở nên trầm trọng, bao gồm sự bùng nổ của nợ toàn cầu, sự gia tăng bất bình đẳng, sự suy giảm trong xu hướng toàn cầu hóa và thương mại tự do, sự phân nhánh dai dẳng của công nghệ, cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Trước đây, chuỗi cung ứng kịp thời được coi là phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong tương lai, nhiều quốc gia đang lựa chọn phát triển các chuỗi cung ứng phù hợp với mục đích phục hồi.
Một số chuyên gia dự đoán rằng đại dịch sẽ khiến thế giới rơi vào bẫy dòng chảy ngược của toàn cầu hoá, xuất hiện thái độ bảo hộ với thương mại quốc tế, từ đó tàn phá dòng chảy thương mại thế giới.
Điển hình là trong đại dịch, Mỹ đã rút ra rằng việc dựa vào hàng công nghiệp của Trung Quốc có thể gây tổn hại khả năng phục hồi kinh tế, do đó Mỹ đã chuyển dịch ngành công nghiệp của mình.
Theo sau đó là Nhật và Đức, cụ thể là Nhật đã dành một quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty nước này chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
EU đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao kinh tế đối với 28 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có chiến lược ngoại giao kinh tế độc lập riêng, vì lợi ích cụ thể của một quốc gia có thể không phù hợp với lợi ích của EU.
Brexit là một ví dụ về tầm quan trọng của việc mỗi quốc gia cần có chiến lược ngoại giao kinh tế độc lập và sự tự do thực hiện chiến lược đó. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến Brexit là EU áp đặt các quy định nặng nề với Anh, lôi kéo lợi ích hợp tác và ngăn chặn các cải cách cấp tiến.
Do đó, các quốc gia thành viên EU cần có chiến lược kinh tế riêng để duy trì ngoại giao kinh tế phục vụ lợi ích quốc gia. Cộng hoà Cyprus từ năm 2019 và gần đây là Hy Lạp đã cân nhắc về điều này và đang triển khai để đưa vào đúng bối cảnh, tuy nhiên hai nước vẫn còn nhiều điều cần làm rõ với các bên liên quan.
Tóm lại, ngoại giao kinh tế chủ yếu được sử dụng để thúc đẩy lợi ích của các quốc gia. Dưới tác động của toàn cầu hoá, các chủ thể phi nhà nước có nhiều tiếng nói hơn. Mối quan hệ phức tạp của các tác nhân trong toàn cầu hóa tạo ra một sự cạnh tranh nhất định.
Do đó, các quốc gia phải vẽ lại ranh giới ngoại giao kinh tế đã bị lu mờ để củng cố vai trò của ngoại giao kinh tế trong việc thúc đẩy lợi ích của quốc gia. Đặc biệt, các xu hướng mới của ngoại giao kinh tế xuất hiện trong đại dịch Covid-19 có thể tồn tại lâu hơn, và các quốc gia phải điều chỉnh lại chính sách và chiến lược ngoại giao kinh tế của mình để đạt được hiệu quả từ các xu hướng đó.
* Bài viết đăng trên trang ekathimerini.com của Elias G. Hadjikoumis - chuyên gia về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng, đồng thời là thành viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
| Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành chia sẻ về tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, ... |
| Nguyễn Cơ Thạch – Người tiên phong trên mặt trận ngoại giao kinh tế Bên cạnh những đóng góp to lớn trong công tác chính trị đối ngoại, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) còn là người ... |
| Ngoại giao kinh tế: Linh hoạt trong bối cảnh mới TGVN. Nhìn lại năm 2020, tình hình thế giới nảy sinh nhiều vấn đề mới, khó khăn, thách thức chưa từng có. Đại dịch Covid-19 ... |