Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Joe Biden đã tập hợp các đồng minh dân chủ truyền thống của Mỹ qua hàng loạt cuộc họp nhóm, song phương và đa phương tại Thượng đỉnh G7 và NATO. Đồng thời, ông đã mở lời, đề nghị hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Qua đó, với cách nhìn thế giới theo “lối cũ”, ông đã thể hiện triết lý ngoại giao, đàm phán khác xa người tiền nhiệm khi chú trọng quan hệ cá nhân và đề cao đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Joe Biden nhằm xây dựng hình ảnh phong cách ngoại giao của Mỹ với thế giới trong nhiệm kỳ này. (Nguồn: Getty Images). |
Nghệ thuật của thái độ
Trong Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva, lãnh đạo hai nước đã nêu rõ những lĩnh vực bất đồng, với thái độ tôn trọng, song cũng hoài nghi lẫn nhau.
Mối quan hệ Nga-Mỹ đã quay trở lại trạng thái thông thường, khi Nga đóng vai trò “đối thủ xứng đáng”, thay vì “đồng nghiệp” như dưới thời ông Donald Trump. Ông Biden không đề cao ông Putin hay coi Nga là đối tác như cách mà người tiền nhiệm đã làm.
Hai nước sẽ tiếp tục áp dụng một số quy tắc cũ. Căng thẳng về vấn đề dân chủ nhân quyền hay Ukraine còn đó. Kết quả Thượng đỉnh cho thấy quan hệ Nga-Mỹ sẽ cải thiện sau khi đã “chạm đáy”, song hai nhà lãnh đạo đã không miêu tả cuộc gặp này nhự vậy.
Sau cuộc họp 3 tiếng, giọng điệu của Tổng thống Putin có vẻ lầm lì, điềm tĩnh, đôi lúc đề phòng trước các câu hỏi về dân chủ nhân quyền và vấn đề Ukraine.
Trái ngược với người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thái độ rất tích cực. Ông thừa nhận sự lạc quan của mình là có tính toán, vì ông biết thế giới muốn Tổng thống Mỹ không “thể hiện sự tiêu cực về mọi thứ, đặc biệt là ở nơi công cộng”.
Thái độ này thể hiện phong cách đàm phán của ông Biden với Tổng thống Putin.
Bản thân ông Biden từng áp dụng phong cách này với đảng Cộng hoà ở Thượng viện về vấn đề cơ sở hạ tầng, tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận dù tỷ lệ phiếu chống thường áp đảo.
Ông khẳng định: “Nhìn nhận thực tế và thể hiện thái độ lạc quan là việc làm giá trị”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có thái độ tích cực, trái ngược với vẻ “lầm lì" của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị ở Geneva. (Nguồn: AP) |
Đối thoại trực tiếp là thành công
Tổng thống Joe Biden chú trọng mối quan hệ cá nhân hơn tất cả. Đối với ông, chính sách đối ngoại là sự mở rộng từ những mối quan hệ cá nhân, cho rằng “đó là cách bản năng con người hoạt động”.
Theo ông chủ Nhà Trắng, không có gì thay thế được đối thoại trực tiếp và đó là lý do đằng sau thành công của Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva vừa qua.
Hầu hết các cuộc họp của Tổng thống Mỹ tại châu Âu đều được tổ chức kín, không có máy quay hoặc thời gian ghi hình.
Chi tiết này khẳng định quan điểm của ông là quan hệ cá nhân có thể thúc đẩy kết quả tích cực trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Tư tưởng của ông Joe Biden trái ngược với cựu Tổng thống Donald Trump, người có xu hướng công khai các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới. Trong đó, mối quan hệ có xu hướng một chiều khi các quốc gia “khúm núm” cố gắng ủng hộ mặt tốt của ông Trump.
Tuy nhiên, giờ đây, ông Joe Biden đã khẳng định rằng cách tiếp cận này sẽ kết thúc và thay thế nó là ngoại giao “lối cũ”, tích cực, kín đáo, trực tiếp và hiệu quả.