Năm 2021, Mông Cổ kỷ niệm 110 năm giành độc lập, 100 năm quốc khánh. Cùng với đó, Mông Cổ hiện đại đã có 110 năm lịch sử xây dựng và phát triển ngành ngoại giao.
Bên cạnh nhiệm vụ hoạch định chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Mông Cổ cũng đã ghi dấu những thành công trong việc đa dạng hóa lực lượng lao động, hướng tới đẩy mạnh bình đẳng giới. Hiện nay, nước này bổ nhiệm số lượng nữ đại sứ nhiều nhất trong lịch sử.
Ngoại trưởng Mông Cổ Batmunkh Battsetseg. (Nguồn: The Diplomat) |
Vai trò mờ nhạt trong quá khứ
Các hoạt động bang giao và đối ngoại trong suốt chiều dài lịch sử của Mông Cổ phần lớn được thực hiện bởi nam giới. Giới học giả về quan hệ quốc tế khi nghiên cứu về nước này cũng thường dành sự chú ý vào các tài liệu về Thành Cát Tư Hãn (Chinggis Khan) và các nhà lãnh đạo nam của Mông Cổ từ thế kỷ XIII.
Những ghi chép trong cuốn Bí sử Mông Cổ đã cho thấy sự tôn sùng của người dân đối với các bậc quân vương qua nhiều thế hệ.
Kể từ Cách mạng Mông Cổ năm 1921, số lượng tài liệu về các nhà cầm quyền trong quá khứ như Bogd Khan, Choibalsan Khorloo, Tsedenbal Yumjaa, hay sau đó là sáu đời tổng thống được ghi chép lại rất nhiều.
Tuy nhiên, sự tham gia của phu nhân và con gái các nhà lãnh đạo trong việc xây dựng đất nước lại hiếm được đề cập trong các tài liệu thời hiện đại.
Ngoài ra, các tài liệu thường chỉ được đăng tải bằng tiếng Mông Cổ, nên không nhiều người nước ngoài biết được đến vị trí, vai trò của người phụ nữ trong chính trường quốc gia này.
Trong khi đó, hình ảnh những người phụ nữ Mông Cổ xinh đẹp mà không kém phần tài hoa chủ yếu xuất hiện trong truyện dân gian và giai thoại lịch sử.
Hẳn nhiều người cũng biết đến các nữ anh hùng như Nguyệt Luân Thái hậu - mẹ đẻ của Thành Cát Tư Hãn, vợ của ông Bột Nhi Thiếp (Borte Ujin) hay nhà thông thái Mandukhai Khatun, người đã giúp định hình chính sách của Mông Cổ đối với nhà Minh và kết thúc chiến tranh giữa các bộ tộc thảo nguyên.
Mặc dù có những đóng góp không nhỏ cho đất nước nhưng tất cả những người phụ nữ này chỉ xuất hiện bên lề lịch sử và vai trò của họ ít khi được đề cao.
Cuốn Mông Cổ hậu cung bí sử: Các công chúa của Thành Cát Tư Hãn cứu nguy đế chế của Jack Weatherford là một trong những tác phẩm văn học hiện đại nêu bật được những thiếu sót này.
Tác giả nhấn mạnh, nỗ lực khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ Mông Cổ đã có từ lâu: “Một ngày nào đó cuối thế kỷ XIII, một thế lực vô hình đã xóa đi những ghi chép quan trọng nhất - nơi lưu giữ góc khuất chính trị vô cùng nhạy cảm của người Mông Cổ. Họ chỉ để lại một dòng ngắn ngủi để ta mường tượng về những gì đã biến mất: 'Hãy tôn vinh những người phụ nữ của chúng ta'".
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Mông Cổ. (Nguồn: montsame.mn) |
Tăng cường vị thế trong tương lai
Mặc dù bị lãng quên trong quá khứ, nhưng Mông Cổ hiện đại ngày này đã vẽ nên một bức tranh khác. Giờ đây, nỗ lực hướng tới bình đẳng giới là một phần trong quá trình hoạch định chính sách của đất nước. Nhờ đó, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động chính trị - đối ngoại cấp quốc gia.
Kinh nghiệm của Mông Cổ trong quá trình dân chủ hóa những năm 1990 đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải đưa phụ nữ vào hoạt động ngoại giao của nhà nước.
Nhờ đó, phụ nữ bắt đầu đưa ra các sáng kiến nhằm khẳng định sự hiện diện của mình trong chính phủ, chẳng hạn như nắm giữ các vị trí ngoại giao, phục vụ sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhập ngũ hay được bầu làm thành viên Quốc hội. Tất cả những bước tiến ấy đều đóng góp đáng kể vào việc củng cố nền ngoại giao của Mông Cổ.
Vào ngày 19/1 năm nay, Quốc hội Mông Cổ đã phê chuẩn việc bổ nhiệm hai nữ đại sứ của Bộ Ngoại giao nước này. Nhà ngoại giao kỳ cựu, bà Sarantogos Erdenetsogt được bổ nhiệm làm Đại sứ Mông Cổ tại Hàn Quốc và bà Gerelmaa Davaasuren được bổ nhiệm làm Đại sứ Mông Cổ tại Thụy Sỹ.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, bà Nyamkhuu Ulambayar được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên Cơ quan đại diện này có một đại sứ là phụ nữ.
Bà Ulambayar cũng đồng thời đảm nhiệm việc tăng cường quan hệ với các đối tác khác của Mông Cổ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Monaco và Andorra.
Với những vị trí mới này, Mông Cổ chính thức lập kỷ lục về số lượng nữ đại sứ. Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Battsetseg Batmunkh đã đăng tải trên mạng xã hội bằng lời chúc mừng: "Trong lịch sử ngoại giao của quốc gia, Mông Cổ hiện có số lượng nữ đại sứ cao nhất với 6 trong tổng số 31".
Trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất, cựu Thủ tướng Batbold Sukhbaatar phát biểu: “Tôi tin rằng việc bổ nhiệm hai cá nhân đủ tiêu chuẩn này là kịp thời và hiệu quả. Nhưng quan trọng hơn, khi các quốc gia tiếp tục chống lại sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, tôi hy vọng rằng các nhà ngoại giao mới được bổ nhiệm sẽ khởi xướng những phương hướng thực tế để tăng cường quan hệ kinh tế song phương giữa các nước”.
Khi ngoại giao Mông Cổ tiếp tục nỗ lực đóng góp cho hòa bình chung cũng như quyền con người, thì việc bổ nhiệm các nữ đại sứ là một cột mốc quan trọng. Bình đẳng giới là một vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực và quan tâm thường xuyên của Bộ Ngoại giao, quân đội cũng như toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị quốc gia.