Để hiểu thêm về nhiệm vụ quan trọng này của Ngành Ngoại giao và làm thế nào để triển khai hiệu quả, tận dụng tối đa những nguồn lực quý giá từ bên ngoài cho công cuộc phát triển đất nước, Báo Thế Giới & Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng.
Phối hợp các trụ cột
Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Ngoại giao phục vụ phát triển là một trọng tâm ưu tiên của Ngoại giao Việt Nam và nội dung này không phải mới. Ngoại giao phục vụ phát triển không chỉ là ngoại giao kinh tế, mà mang một nghĩa rất rộng, bao gồm cả phát triển kinh tế xã hội ở nhiều lĩnh vực. Chúng ta phải tận dụng tất cả các trụ cột của Ngoại giao Việt Nam phục vụ cho sự phát triển, không chỉ riêng kinh tế. Ngoại giao kinh tế là trụ cột gắn vào Ngoại giao phục vụ phát triển, là trọng yếu và là một yếu tố quan trọng nhất. Ngoại giao chính trị là một trụ cột quan trọng cho phát triển, tạo dựng môi trường ổn định, hòa bình cho phát triển thông qua tạo dựng mối quan hệ với các đối tác phục vụ cho hợp tác kinh tế. Nếu muốn hợp tác kinh tế nhưng không có môi trường hợp tác tin cậy thì không thể hợp tác và phát triển. Hay như Ngoại giao văn hóa cũng rất có ý nghĩa đối với kinh tế. Quảng bá hình ảnh đất nước để họ biết mình nhiều hơn vô cùng có ý nghĩa cho phát triển. Thu hút khách du lịch cũng là để phục vụ phát triển. Rồi vấn đề về kiều bào, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời. Nếu chúng ta làm tốt công tác này rất có ý nghĩa cho sự phát triển. Mỗi năm, kiều hối gửi về nước khoảng 10-13 tỷ USD, một con số rất ý nghĩa đóng góp vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, là sự đóng góp hết sức quý báu vào sự phát triển của đất nước ở nhiều góc độ khác nhau của lực lượng tri thức kiều bào tâm huyết với đất nước. Có thể thấy, tất cả các trụ cột ngoại giao, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tại Hội nghị Ngoại giao 30 vừa qua, vấn đề này cũng đã được đưa vào Chương trình hành động của ngành Ngoại giao.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng (giữa) trao đổi tại Hội nghị Ngoại giao 30. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng, thời gian gần đây, ngành Ngoại giao đã xác định rõ, cụ thể từng trụ cột của ngoại giao và có sự phối hợp tốt giữa các trụ cột đó. Điều này góp phần phục vụ ngày càng hiệu quả, gặt hái được nhiều thành công để đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Những năm qua, ngoại giao được đánh giá là một trong những điểm sáng, rất thành công và điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao 30. Việc chúng ta nêu ra những trụ cột đó, làm sâu sắc những nội hàm của những trụ cột đó đặt trong tổng thể chung để tạo ra sức mạnh, tranh thủ những tiềm lực trong quan hệ của Việt Nam với các đối tác bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước thì đó là điều hết sức có ý nghĩa.
Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định, kể từ khi đất nước mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã khá thành công trong việc tạo dựng các mối quan hệ với hầu hết các nước chủ chốt trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta xác định những đối tác chính của mình, kể cả chính trị và kinh tế, không chỉ nước lớn và cả những nước không lớn nhưng vô cùng quan trọng như các nước láng giềng… Chúng ta đã xây dựng được mạng lưới những mối quan hệ chặt chẽ, tương đối thích hợp với từng đối tác.
Tuy nhiên, tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và những thay đổi này sẽ liên tục và không dừng lại. Điều quan trọng là mỗi khi có những thay đổi, chúng ta phải đánh giá đúng tình hình, xác định cần điều chỉnh như thế nào thì điều này đã được ngành Ngoại giao xác định tại Hội nghị Ngoại giao 30 vừa qua.
Về xử lý mối quan hệ với các nước lớn, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Ngoại giao phục vụ phát triển, Đại sứ Hưng cho rằng, trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta đã xác định đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại, bây giờ và mãi là như vậy. Ở góc độ kinh tế, tất cả các quốc gia trên thế giới đều muốn có quan hệ, hợp tác tốt với các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc và nhiều đầu tàu kinh tế khác nữa. Việt Nam cũng không ngoại lệ, do đó chúng ta cũng tính toán làm sao để tận dụng tối ưu mối quan hệ giữa hai bên, tạo môi trường tốt nhất để phát triển. Tuy nhiên, cũng như bất cứ mối quan hệ nào, có thuận lợi thì cũng có những khó khăn, có những phát sinh thì chúng ta phải điều chỉnh, phải củng cố các cơ chế hợp tác để xử lý tốt các vướng mắc, nhất là vấn đề biên giới lãnh thổ. Cái này chúng ta không giấu diếm, lảng tránh.
Còn đối với Mỹ, Đại sứ Hưng cho rằng, quan hệ giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Việt Nam đã xử lý được tốt các vấn đề giữa hai bên để có thể trở thành quan hệ đối tác toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực góp phần rất lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách nhất quán của Việt Nam là không đi với ai để chống lại ai, tôn trọng và yêu cầu được tôn trọng. Việt Nam cũng không can thiệp vào mối quan hệ của hai nước lớn này. Đại sứ Hưng nhận định, Ngoại giao Việt Nam đã xử lý khéo léo mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này và tạo dựng được vị thế quan trọng cho đất nước trên trường quốc tế, đồng thời cũng mở ra những cơ hội hợp tác mới.