Đó là quan điểm của ông Raja Mohan, Giáo sư thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore trong bài bình luận đăng trên The Indian Express mới đây. Nói một cách đơn giản nhất, ngoại giao tình báo là chia sẻ thông tin với các chính phủ đồng minh và các cơ quan an ninh. Sự trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan của Ấn Độ và các đối tác từ các quốc gia có cùng quan điểm nhấn mạnh sự chuyển đổi của New Delhi từ chủ nghĩa biệt lập sang xây dựng quan hệ đối tác tình báo hiệu quả ngày nay.
Đối thoại Raisina năm 2024 tại New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: PTI) |
Vị học giả người Ấn Độ liệt kê ba sự kiện quan trọng gần đây đã làm nổi bật dấu ấn ngoại giao ngày càng mở rộng của New Delhi. Đầu tiên, Đối thoại Raisina thường niên do Quỹ Nghiên cứu người quan sát (ORF) và Bộ Ngoại giao tổ chức, quy tụ các bộ trưởng, quan chức, học giả và nhà nghiên cứu chính sách từ khắp nơi trên thế giới nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu, lấy Ấn Độ làm trung tâm.
Sự kiện thứ hai là cuộc tập trận hải quân đa phương mang tên Milan diễn ra hai năm một lần trên Vịnh Bengal, thu hút các nhà lãnh đạo hải quân từ nhiều quốc gia đến xây dựng quan hệ đối tác và trao đổi về các vấn đề an ninh hàng hải. Cuối cùng là sự kiện ít được chú ý hơn nhưng không kém phần quan trọng - cuộc họp bên lề Đối thoại Raisina của các quan chức tình báo hàng đầu đến từ nhiều quốc gia.
Ông Raja Mohan nhận định, đối với Ấn Độ, chính sách ngoại giao tình báo mới có thể đem lại tác động tương tự như ngoại giao diễn thuyết của Diễn đàn Raisina và ngoại giao hải quân của cuộc tập trận MILAN.
Ngoại giao diễn đàn
Ba sự kiện này cho thấy xu hướng rộng lớn hơn trong chính trị quốc tế. Khi các hoạt động hợp tác quốc tế bùng nổ trong thế kỷ XXI, các cộng đồng toàn cầu ngày càng quan tâm đến các vấn đề thương mại, chính trị, công nghệ và quân sự quốc tế. Điều này dẫn đến sự gia tăng các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông về vấn đề đối ngoại và an ninh.
Sự nổi lên của các hội nghị quốc tế về chính sách đối ngoại và an ninh cũng nằm trong xu hướng đó. Ví dụ, Diễn đàn An ninh Aspen, Hội nghị An ninh Munich và Đối thoại Shangri-La tập trung vào các vấn đề an ninh của Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong bối cảnh thế giới chịu sức ép về quân sự, kinh tế và cạnh tranh quyền lực, các diễn đàn này tạo điều kiện cho nhiều quốc gia trao đổi thông tin, góp phần giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.
Tiếp cận các phương tiện truyền thông nước ngoài, giới học thuật và xã hội dân sự để tác động đến nhận thức luôn là một phần của nghệ thuật quản lý nhà nước và Ấn Độ không phải là ngoại lệ. Vụ Quảng bá đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài từ lâu đã theo đuổi các hoạt động tiếp cận cộng đồng này. Các tổ chức như Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tiên phong xây dựng các mạng lưới ngoại giao kể từ khi cải cách kinh tế bắt đầu vào đầu những năm 1990. Theo ông Raja Mohan, "những gì chúng ta đã thấy trong thập kỷ qua là sự tăng cường của hoạt động tiếp cận này thông qua ngoại giao hội nghị".
Chỉ trong 8 năm kể từ khi ra mắt năm 2016, Đối thoại Raisina đã trở thành sự kiện “phải tham dự” đối với cộng đồng chiến lược toàn cầu. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng hỗ trợ Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ toàn cầu (Global Technology Summit) hằng năm do Carnegie Ấn Độ đăng cai. Hội nghị này đã trở thành diễn đàn quốc tế lớn để thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ, chính sách và địa chính trị.
Một số hội nghị khác có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Ấn Độ là Diễn đàn Kinh tế châu Á thường niên của Trung tâm quốc tế Pune và Hội nghị Ấn Độ Dương của Quỹ Ấn Độ. Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao nước này đã thay đổi quan điểm về các kênh ngoại giao không chính thức (kênh 2), nhận ra vai trò quan trọng của "ngoại giao diễn thuyết" trong việc định hướng nhận thức và xây dựng mạng lưới xuyên quốc gia tập hợp các quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, nhà phân tích, nhà tư vấn và giới truyền thông.
Ngoại giao hải quân
Cuộc tập trận Milan là một phần của chính sách ngoại giao hải quân lâu đời hơn nhiều. Hải quân luôn là công cụ linh hoạt của các quốc gia trong việc triển khai sức mạnh và ngoại giao. Tại Ấn Độ, Hải quân là lực lượng đầu tiên tham gia vào ngoại giao quân sự trong thời kỳ cải cách, tách khỏi truyền thống “không liên kết” của bộ máy quốc phòng Delhi. Cuộc tập trận Malabar thường niên với Mỹ và cuộc tập trận đa phương Milan là một trong những sáng kiến đầu tiên của Hải quân Ấn Độ vào đầu những năm 1990, thể hiện vị thế chiến lược mới của Ấn Độ ngày nay tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận Milan được khởi đầu từ năm 1995, quy tụ các lực lượng hải quân ở Vịnh Bengal đến trao đổi về an ninh hàng hải khu vực. Năm nước gồm Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận Milan diễn ra tại vùng biển quần đảo Andaman và Nicobar.
Quy mô của cuộc tập trận ngày càng được mở rộng theo từng năm. Cuộc tập trận Milan năm 2022 có lực lượng hải quân từ 39 quốc gia tham gia. Năm nay, cuộc tập trận kéo dài từ ngày 19-27/2 ở Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh với sự tham gia của khoảng 50 lực lượng hải quân đến từ nhiều quốc gia.
Ngoại giao tình báo
Theo tác giả bài viết, mặc dù hầu như không được công khai, các cơ quan tình báo là một phần thiết yếu của cơ quan an ninh quốc gia cùng với các nhà ngoại giao và lực lượng vũ trang. Là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, tình báo trở thành một phần quan trọng trong nghệ thuật quản lý đất nước kể từ thời cổ đại.
Trong những năm gần đây, vai trò của tình báo trong an ninh quốc gia đã tăng lên đáng kể cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, sự phát triển của mạng lưới tội phạm xuyên biên giới, cạnh tranh kinh tế đổi mới, nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng tăng, sự trở lại của sự cạnh tranh nước lớn và tác động của các công nghệ mới đang định hình lại động lực trong nước và toàn cầu. Chuyên gia Raja Mohan khẳng định, chính tầm quan trọng mới của tình báo trong an ninh quốc gia đã dẫn đến ý tưởng “ngoại giao tình báo”.
Có thể hiểu, ngoại giao tình báo là việc chia sẻ thông tin với chính phủ và cơ quan an ninh của các quốc gia đồng minh. Ví dụ, Mỹ có mạng lưới thu thập và chia sẻ thông tin tình báo chặt chẽ với các đồng minh Anglo-Saxon gồm Australia, Canada, New Zealand và Anh.
Tương tự như liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) bao gồm 5 thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Khi những thách thức mới nổi vượt ngoài phạm vi liên minh truyền thống, Mỹ sẽ theo đuổi một loạt quan hệ đối tác rộng hơn. Hợp tác tình báo vì thế trở thành một yếu tố cần thiết trong chiến lược này.
Trong bối cảnh những thách thức về an ninh ngày càng lớn, ngoại giao tình báo trở nên quan trọng với Ấn Độ. Sự trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan tình báo của Ấn Độ và các cơ quan đối tác từ các quốc gia có cùng quan điểm bên lề Đối thoại Raisina nhấn mạnh sự chuyển đổi của New Delhi từ chủ nghĩa biệt lập trong những thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh sang xây dựng quan hệ đối tác tình báo hiệu quả ngày nay.
Chính sách ngoại giao tình báo của Delhi phù hợp với chiến lược xây dựng liên minh khu vực và toàn cầu hiện nay của Ấn Độ. Đây cũng là một phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa các cơ quan tình báo của nước này, gồm Cục Tình báo và nhiều cơ quan trực thuộc, vốn đã có từ cuối thế kỷ XIX.
| Ngoại giao đền thờ của Ấn Độ Quyết định của UAE cho phép Ấn Độ xây dựng ngôi đền Hindu, dự kiến khánh thành vào ngày 14/2, thể hiện quan hệ hợp ... |
| Ngoại giao trái bưởi 'nâng bước' quan hệ Mỹ-Thái Lan Mỹ và Thái Lan đã kỷ niệm mối quan hệ hợp tác gần 2 thế kỷ thông qua loại trái cây đặc sản của xứ ... |
| Ngoại giao kinh tế: Từ Chỉ thị đến Hành động Ngoại giao kinh tế ngày càng đóng vai trò đặc biệt, trở thành một trong những trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại cấp ... |
| Từ bình minh vàng, lũy tre làng đến ngoại giao cây tre Vào ngày đầu tiên của năm 2024, trang tin Equilibrium Global (Argentina) đăng bài viết đánh giá cao trường phái “Ngoại giao cây tre Việt ... |
| Phó Chủ tịch nước cùng các nữ Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trải nghiệm làm tranh Đông Hồ, nghe hát quan họ Sáng 6/3, tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì buổi gặp mặt các nữ Trưởng cơ quan đại diện ... |