📞

Ngoại giao trong tuần: Phiên họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam–EU; Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Mỹ xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ

Chu An 09:00 | 19/12/2020
TGVN. Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 14-19/12.

Hoạt động củaPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Chiều 18/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Từ ngày 14-18/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau gần 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao.


Ngoại giao song phương

Ngày 18/12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã trao đổi các công hàm về vấn đề đất xây dựng trụ sở Đại sứ quán của hai nước.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Hoa Kỳ trong quá trình xây dựng để phía Hoa Kỳ sớm có trụ sở Đại sứ quán mới tại Hà Nội xứng tầm với sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Liên quan đến các vấn đề Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, chiều 17/12, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin cụ thể về việc này.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ và tiếp tục duy trì đối thoại, tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Ngày 17/12, tại Yangon, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Kinh doanh tại Myanmar trong bối cảnh dịch Covid-19", thu hút sự tham gia của đại diện 40 doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Myanmar.

Ngày 16/12, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang và ông Fergus Maguire, Phó Vụ trưởng phụ trách, Chi nhánh Đại lục Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã đồng chủ trì cuộc Tham vấn giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) về quan điểm và kinh nghiệm triển khai hiện đại hóa Bộ Ngoại giao hai nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Từ ngày 12-18/12, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc đã tham dự Hội chợ triển lãm thường xuyên Trung Quốc-Nam Á năm 2020.

Ngày 15/12, tại Tượng đài Đấu tranh Nhân dân Indonesia của Bali và trên trang mạng cũng như qua Youtube của Disbud Prov.Bali, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta phối hợp với chính quyền tỉnh Bali, Indonesia tổ chức thành công Lễ khai trương tuần Triển lãm ảnh trực tuyến và trực tiếp nhân dịp kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Indonesia.

Ngày 15/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 13 Tham khảo Chính trị giữa hai nước theo hình thức trực tuyến.


Ngoại giao đa phương

Với chủ đề “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và bền vững trong thời kỳ Covid-19”, Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) lần thứ 27 và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 15-17/12 với nhiều thảo luận sâu sắc và toàn diện về tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như nhất trí về các định hướng hợp tác, nghiên cứu của PECC trong năm 2021. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC và đại diện Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm Quốc tế: “Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng: Suy ngẫm 2020 vì Hành động chung mạnh mẽ hơn” ngày 17/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng dù bối cảnh địa chiến lược khu vực và quốc tế trong năm có nhiều biến động phức tạp, phát huy tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” trong năm 2020, Cộng đồng ASEAN đã không bị cuốn theo những cơn gió dữ, tiếp tục duy trì được đà hợp tác, củng cố vai trò trung tâm, duy trì động lực cho đối thoại và hợp tác trong và ngoài khu vực vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.

Ngày 17/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin từ Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng, chính sách quản chế tự do báo chí của chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam".

Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan, được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua.

Ngày 17/12, Phái đoàn ba nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), gồm Việt Nam, Nga và Nam Phi, đã tổ chức một sự kiện bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc để kỷ niệm 60 năm Tuyên bố LHQ về Trao độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa (còn được gọi là Tuyên bố Phi thực dân hóa).

Sáng 17/12, HĐBA LHQ đã tiến hành họp trực tuyến để thảo luận về tình hình Afghanistan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại nước này (UNAMA).

Ngày 16/12, HĐBA LHQ đã họp nghe báo cáo tổng kết hoạt động của 10 cơ quan trực thuộc do 5 nước thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an làm Chủ tịch sắp kết thúc nhiệm kỳ 2019-2020.

Sáng 16/12, HĐBA LHQ đã họp định kỳ hàng tháng về tình hình tại Syria bằng hình thức trực tuyến.

Chiều 15/12, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại nước này (UNMISS).

Sáng 15/12, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến về tình hình Libya với sự tham dự của bà Stephanie Williams, Quyền Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Libya kiêm người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL).

Ngày 14/12, HĐBA LHQ họp định kỳ 6 tháng nghe báo cáo và thảo luận về công việc của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (Cơ chế).

Ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và ông Gunnar Wiegand, Tổng Vụ trưởng châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) về triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Ngày 14/12, với vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Geneva (ACG) năm 2020, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của Ủy ban bao gồm các Đại sứ của các Phái đoàn các nước thành viên ASEAN tại Geneva. Cuộc họp do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva chủ trì.


Vấn đề Biển Đông

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 17/12, liên quan đến câu hỏi Philippines thông tin có sự gia tăng bất thường nồng độ phóng xạ ở Biển Đông gần các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm và đang xác minh thông tin như bạn nêu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định rõ ràng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

"Việc sử dụng, khai thác, vận chuyển các phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và không ảnh hưởng đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.


Bảo hộ công dân

Từ ngày 12-19/12, các cơ quan chức năng Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không, chính quyền sở tại đã tiếp tục phối hợp đưa hơn 1.500 công dân Việt Nam từ Anglola, Myanmar, Brunei, Đức, châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ về nước an toàn.

Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.


Các hoạt động khác

Ngày 18/12, Cục Cơ yếu phối hợp với Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao tổ chức Lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể và cá nhân Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng.

Chiều 18/12, đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã làm việc tại Cục Lãnh sự về công tác cải cách hành chính và khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Ngoại giao (Bộ phận Một cửa) đặt tại Cục Lãnh sự.

Ngày 17/12, đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ngày 17/12, tại Viện Pháp Hà Nội – L’Espace đã diễn ra Tọa đàm “Giới thiệu cuốn sách Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” đã được chuyển ngữ sang tiếng Pháp của tác giả, nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung.

Ngày 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Phụ nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng" do Bộ Ngoại giao, Hội Nữ trí thức Việt Nam (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Ban vận động Mỹ thuật & Ngoại giao Văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức.

Kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12), ngày 15/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19".

Ngày 14/12, tại Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ khai mạc kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2020. Kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2020, Bộ Ngoại giao sẽ tuyển dụng 81 chỉ tiêu, tập trung vào các chuyên ngành, như: Quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật quốc tế, báo chí truyền thông, tài chính kế toán, lưu trữ và công nghệ thông tin.

(tổng hợp)