Từ một nước có độ bao phủ vaccine Covid-19 thấp trong những tháng đầu năm, nhờ đẩy mạnh mũi tiến công ngoại giao vaccine cùng một chiến dịch tiêm chủng rộng rãi, quyết liệt và bài bản, đến nay, Việt Nam đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ấn tượng.
Những kết quả đó là thành quả của chủ trương đúng đắn, quyết tâm cao độ của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân.
Lễ tiếp nhận vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 được chuyển về Việt Nam cùng Đoàn công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tháng 9/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chiến lược quyết liệt, kịp thời
Lùi trở lại những tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trên thế giới và trong nước với sự xuất hiện và lây lan của các biến chủng mới, yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh vaccine Covid-19 là một mặt hàng vô cùng khan hiếm trên thế giới, từ khóa “ngoại giao vaccine” xuất hiện và trở thành một trong những “mặt trận” tuyến đầu quyết định thắng lợi của chiến dịch vaccine và đóng góp thiết thực vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Trước yêu cầu cấp bách về phòng, chống đại dịch, ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ liên quan, qua đó đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao vaccine.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine từng chia sẻ rằng, việc thành lập Tổ công tác này có những ý nghĩa rất quan trọng.
Có thể khẳng định rằng, đây là một quyết định kịp thời, nhắm đúng và trúng những gì đất nước đang cần; thể hiện chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết; quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó Thường trực Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, kể từ khi thành lập, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, Tổ công tác đã khẩn trương làm việc không ngừng nghỉ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các khâu, từ đánh giá, tham mưu, đề xuất các hình thức, biện pháp vận động, trao đổi với các đối tác.
Vận động vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ phục vụ phòng chống dịch được xác định là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm, gặp gỡ, hay tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn về dược phẩm/y tế… Tất cả đều vì ưu tiên số một là tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19 nhiều nhất, nhanh nhất, sớm nhất.
Thành quả ngọt ngào
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đi đầu là Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nỗ lực ngoại giao vaccine của Việt Nam đã thu về những thành quả ngọt ngào chính là những lô vaccine Covid-19 liên tiếp cập bến Việt Nam từ nhiều nguồn cung khác nhau.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 25/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 181,5 triệu liều vaccine Covid-19 và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Cùng với đó, nhiều đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ, giao hàng đúng hoặc trước thời hạn, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc với Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Australia họp bàn triển khai ngoại giao vaccine. (Nguồn: ĐSQ VN tại Australia) |
Hiện nay Việt Nam đang ở trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Đây là một kết quả vô cùng ấn tượng mà có lẽ ở thời điểm đầu năm, mỗi người trong chúng ta chưa từng dám nghĩ tới. Những thành tựu này đã góp phần thúc đẩy cuộc chiến đấu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các hệ lụy tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm ổn định xã hội, tạo nền tảng vững chắc để nền kinh tế trở lại đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.
Đồng thời, kết quả nổi bật của ngoại giao vaccine còn mang ý nghĩa chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục. Đây là thành quả của 35 năm Đổi mới, là kết tinh của nỗ lực nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
“Năm 2022 đang đến với những thách thức không thể lường trước vì đại dịch vẫn tồn tại và đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thần tốc ở Việt Nam trong những tháng gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của chính phủ, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi” - Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. |
Tiếp tục đẩy mạnh
Trong thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc trong tương lai gần. Nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới vẫn còn. Tình trạng thiếu hụt vaccine, thuốc điều trị vẫn nghiêm trọng, nhất là ở các nước đang phát triển và kém phát triển.
Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4, dù đang được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao, tác động nghiêm trọng đến việc phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong bối cảnh đó, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 9/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết công tác ngoại giao vaccine tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm 2022.
Cùng với đó, công tác ngoại giao vaccine còn nhằm phục vụ việc tiếp cận các nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em; hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; đảm bảo nguồn mua, hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị phòng Covid-19 trong nước và tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ các trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã xây dựng kế hoạch mua vaccine năm 2022 nhằm bảo đảm có vaccine cho trẻ em và tiêm mũi 3 cho người trưởng thành; tiếp tục tiếp cận nguồn thuốc điều trị; tăng cường kết nối, hỗ trợ hợp tác nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine để hỗ trợ phát triển vaccine trong nước, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài về vaccine.
Xác định thuốc điều trị Covid-19 có vai trò quan trọng trong hạn chế các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong và là giải pháp cho chung sống lâu dài, an toàn với dịch bệnh, Tổ công tác cần đẩy mạnh tiếp cận các loại thuốc đặc trị Covid-19.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, công tác ngoại giao vaccine đã và đang tiếp tục là một trong những mũi tiến công bứt phá trong đại dịch, góp phần phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Triển khai công tác ngoại giao vaccine, mỗi cán bộ ngoại giao đều trở thành những chiến sĩ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân, sẵn sàng xông pha vào “mặt trận ngoại giao” trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần cam go này.