📞

Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Đông Nam Á: Dấu ấn Hành động hướng Đông, khẳng định giá trị chung với ASEAN

Phương Vy 19:32 | 25/03/2024
Nhân dịp chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Ấn Độ, Phó Giáo sư Rahul Mishra tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi đã có bài viết bình luận trên Hindustan Times khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng về chính sách của chuyến thăm này. TG&VN lược dịch bài phân tích.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar có chuyến thăm Đông Nam Á từ 23-27/3. (Nguồn: PTI)

Đưa các mối quan hệ lên tầm cao mới

Từ ngày 23-27/3, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khởi hành chuyến công du Đông Nam Á với 3 điểm dừng chân là Singapore, Philippines và Malaysia, đúng dịp Ấn Độ chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày triển khai chính sách Hành động hướng Đông ở Ấn Độ.

Trong chuyến công du kéo dài 5 ngày, Ngoại trưởng Jaishankar sẽ tìm cách tối đa hóa hoạt động ngoại giao để đưa mối quan hệ của Ấn Độ với các đối tác Đông Nam Á lên một tầm cao mới.

Singapore là đối tác lâu năm của Ấn Độ. Kể từ chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Goh Chok Tong năm 1994, mối quan hệ song phương đã đi được một chặng đường dài. Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ và tăng cường sự hợp tác của Ấn Độ trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Bên cạnh đó, Singapore là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Ấn Độ trong khu vực về thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh và nhiều lĩnh vực hợp tác chiến lược khác. Singapore có thể xem là cửa ngõ của Ấn Độ vào ASEAN.

Ngược lại với Singapore, mối quan hệ của Ấn Độ với Philippines chưa phát huy tối đa tiềm năng. Tuy nhiên, những phát triển gần đây trong thương mại Ấn Độ-Philippines cũng như trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng là rất đáng khích lệ.

Ấn Độ và Philippines đã ký một thỏa thuận quốc phòng vào tháng 1/2022, theo đó Ấn Độ sẽ cung cấp biến thể tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Philippines. Ấn Độ cũng đề nghị cung cấp Tejas Mk1 cho Philippines. Ấn Độ và Philippines đang hướng tới kỷ niệm 75 năm quan hệ đối tác và đây sẽ là thời điểm phù hợp để nâng mối quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược.

Malaysia là một trong 4 nước thành viên ASEAN mà Ấn Độ đã ký các thỏa thuận đối tác chiến lược. Ba nước còn lại là Indonesia, Singapore, Việt Nam. Sự chuyển đổi từ quan hệ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2015 trong chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Narendra Modi, cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Malaysia trong chính sách Hành động hướng Đông của nước này.

Dù quan hệ song phương có những thăng trầm những năm gần đây, điều đáng chú ý là các quan chức chính sách đối ngoại ở New Delhi và Kuala Lumpur đã giải quyết hiệu quả những thách thức bất ngờ bằng sự nghiêm túc và chân thành để giữ mối quan hệ này luôn nồng ấm và có ý nghĩa.

Malaysia cũng tự hào về việc có một trong những cộng đồng người gốc Ấn lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và tương tác văn hóa giữa hai nước.

Tại Malaysia có 2,77 triệu người gốc Ấn, chiếm khoảng 8,5% dân số. Malaysia cũng là nơi sinh sống của khoảng 140.000 người Ấn Độ nhập cư, bao gồm các chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Dòng khách du lịch qua lại đã tăng cường đáng kể kết nối con người giữa hai nước.

Quan hệ thương mại và đầu tư song phương ngày càng phát triển, cùng lúc hợp tác quốc phòng cũng đạt đến những tầm cao mới. Ấn Độ và Malaysia đang thảo luận ý tưởng nhập khẩu quốc phòng từ Ấn Độ, đồng thời khai thác những tiềm năng hợp tác quốc phòng mới.

Với kim ngạch gần 20 tỷ USD thương mại song phương trong năm 2022-2023, hai nước đang nỗ lực vượt mốc 25 tỷ USD vào năm 2026.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar gặp Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn ngày 12/7/2023 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: X)

Vì lợi ích chung, giảm thiểu rủi ro từ cạnh tranh nước lớn

Trong bối cảnh Malaysia chuẩn bị đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, điều quan trọng là cả hai bên phải hiểu được các chính sách của nhau đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi Ấn Độ ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc định hình trật tự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cam kết của Ấn Độ nhằm duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, hòa bình, dựa trên luật lệ và cởi mở, có sự tương đồng với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) cũng như Sáng kiến an ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR) của Ấn Độ củng cố hình ảnh của Ấn Độ với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm và là đối tác bảo đảm an ninh tổng thể của khu vực.

Cam kết vững chắc của Ấn Độ đối với các chuẩn mực và nguyên tắc của ASEAN cũng phù hợp với tầm nhìn và ưu tiên chung của ASEAN trong khu vực.

Các nước ASEAN nhận thức rõ ràng rằng, nhiều thách thức mà khu vực đối mặt cũng là những gì mà Ấn Độ cùng các đối tác đối thoại phải đương đầu. Cả Ấn Độ và ASEAN đều có lợi khi tiến hành những biện pháp có ý nghĩa và hiệu quả để bảo đảm ASEAN vẫn là lực lượng trung tâm trong việc hòa giải các tranh chấp ở Biển Đông.

Điều này là cần thiết để giữ cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực điển hình dựa trên luật lệ, hòa bình, bao trùm, rộng mở và thịnh vượng, tránh xa những tác động tiêu cực từ cạnh tranh nước lớn, chẳng hạn như cạnh tranh Mỹ-Trung.

(theo Hindustan Times)