📞

Ngoại trưởng Kang Kyung-wha dự họp ASEAN: Tính toán của Hàn Quốc trong thế mắc kẹt

Hồng Phúc 06:30 | 09/09/2020
TGVN. Báo chí Hàn Quốc nhận định rằng tuần này "đầy khó khăn" đối với Seoul khi tham dự một loạt cuộc họp của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha có thể tận dụng ARF nêu quan điểm chính thức về vấn đề Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap)

Gửi thông điệp tới Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/9 cho biết sẽ thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong tuần này để gửi thông điệp tới Triều Tiên về việc cần sớm nối lại đàm phán hạt nhân.

Phát biểu trước báo giới ở thủ đô Seoul cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh rằng Seoul có kế hoạch thông qua ARF, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và các hội nghị liên quan khác nhằm tái khẳng định cam kết đối với tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Quan chức này nói rõ rằng Hàn Quốc "đang nỗ lực gửi thông điệp rằng vấn đề then chốt là đưa Triều Tiên trở lại lộ trình đàm phán và đang thảo luận để tái khẳng định các nỗ lực quốc tế hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mang lại tiến triển thực sự cho một nền hòa bình lâu dài".

ARF là hội nghị an ninh thường niên lớn nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một trong những hội nghị quốc tế hiếm hoi mà Triều Tiên tham dự đều đặn.

Thông tin trên báo The Korea Herald dẫn nguồn một quan chức ngoại giao cho hay, mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có cử đại diện tham dự ARF lần này hay không, song ít nhất thì với sự hiện diện của một quan chức Triều Tiên thôi cũng sẽ tạo ra động lực nào đó cho tiến triển ngoại giao giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã cử ông Ri Ho-jun, Đại biện lâm thời tại Việt Nam, tham dự cuộc họp trù bị cấp bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị ARF.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha sẽ tham dự cả 4 cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa Hàn Quốc và ASEAN, ASEAN +3, EAS và ARF diễn ra từ ngày 9-12/9 với sự chủ trì của Việt Nam và theo hình thức trực tuyến.

Sự lựa chọn khó khăn

Liên quan đến vấn đề này, tờ The Korea Times số ra ngày 7/9 có bài bình luận với nhận định rằng tuần này có thể là một tuần đầy khó khăn đối với Hàn Quốc khi tham dự một loạt cuộc họp của ASEAN, cùng với sự tham gia của cả Mỹ lẫn Trung Quốc trong bối cảnh sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này đang ngày càng căng thẳng hơn.

Đây cũng có thể là dịp để cả Washington và Bắc Kinh cùng thúc giục Seoul đưa ra lựa chọn phe phái của mình. Hiện tại Hàn Quốc vẫn thể hiện vai trò trung lập trong cuộc xung đột này bởi Mỹ là một đồng minh lâu năm trong khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất.

Tại các cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao sắp tới, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha dự kiến sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời đề nghị các nước cùng tham gia hỗ trợ để Hàn Quốc sớm bắt đầu nối lại đối thoại với Triều Tiên.

Tuy nhiên, cơ hội này có thể bị ảnh hưởng bởi tranh chấp quyền lực Mỹ-Trung. Washington trên thực tế đã gia tăng sức ép buộc Seoul cùng tham gia liên minh chống Trung Quốc do Mỹ khởi xướng.

Trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 1/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng Seoul và các đồng minh khác sẽ tham gia các nỗ lực của Washington để giải quyết vấn đề mà ông gọi là "sự xâm lược kinh tế và chính trị" từ Trung Quốc. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun cũng đề cập việc mời Hàn Quốc tham gia "Bộ Tứ" (Quad - diễn đàn chiến lược chống Trung Quốc được thành lập vào năm 2007 gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).

Đáp lại, phát biểu tại hội nghị chuyên đề hôm 2/9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy cho rằng, sự can thiệp từ Mỹ là một nguy cơ khác ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực cùng loại bỏ những rủi ro đó để duy trì nền hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nêu quan điểm chính thức về Biển Đông?

Ngoài vấn đề Triều Tiền, tại Hội nghị ARF, người đứng đầu ngành Ngoại giao Hàn Quốc cũng có kế hoạch đề cập sự cần thiết phải tăng cường tình đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề khu vực chủ chốt khác, đặc biệt là đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Đáng chú ý, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/9 nói: "Tại các cuộc họp của ASEAN lần này, chúng tôi dự kiến sẽ nêu quan điểm chính thức của mình về vấn đề này. Đó là Hàn Quốc luôn ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại".

Nhà nghiên cứu Kim Yeoul-soo của Viện Nghiên cứu các vấn đề quân sự Hàn Quốc (KIMA) cho rằng "Washington dự kiến sẽ tập hợp những người ủng hộ mình bằng cách đề cập các vấn đề liên quan đến Trung Quốc từ nền kinh tế bóc lột đến tài nguyên nước và các vấn đề nhân quyền trong khi Bắc Kinh có khả năng đáp trả bằng cách nêu vấn đề đòi hỏi quyền chủ quyền".

Ông Kim Yeoul-soo cũng lưu ý thêm rằng "thay vì vẫn nhập nhằng giữa hai cường quốc, Hàn Quốc cần tham gia một diễn đàn chiến lược như Liên minh châu Âu để có tiếng nói của chính mình".