📞

Ngoại vụ địa phương: Kinh nghiệm từ việc chọn đúng lợi thế, đặc thù

06:00 | 23/09/2016
Lựa chọn đúng lợi thế, đặc thù của từng địa phương để thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư, đa dạng hình thức hợp tác, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu... là kinh nghiệm quý giá được lãnh đạo các UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ chia sẻ sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc cuối tháng 8 vừa qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” cho lãnh đạo UBND và Sở Ngoại vụ các địa phương.

Lạng Sơn: Hợp tác kinh tế xuyên biên giới

Là tỉnh miền núi có đường biên giới dài, tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Lạng Sơn có vị trí thích hợp để trở thành cầu nối cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, ASEAN cũng như hàng hóa của Việt Nam và của ASEAN sang Trung Quốc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, Lạng Sơn đã đẩy mạnh nhiều hoạt động đối ngoại trên các mặt chính trị, kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân với Quảng Tây. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế", từ tháng 2/2007, tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã đàm phán ký kết Bản thỏa thuận nguyên tắc về nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng.

Ông Trưởng cho biết, chính việc các sở, ban, ngành, các huyện thường xuyên có các cuộc giao lưu, đối thoại, gặp mặt, chào hỏi, thăm hỏi lẫn nhau trong các ngày lễ, Tết, kỷ niệm Quốc khánh đã “giúp tháo gỡ những ách tắc, khó khăn, vướng mắc, ràng buộc liên quan tới xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa và liên quan tới chủ quyền biên giới quốc gia”.

Nhờ vậy, những năm vừa qua, đã không có hiện tượng ùn ứ, ách tắc hàng hóa; không có hiện tượng xâm canh, xâm cư lấn chiếm biên giới hay các vụ việc phức tạp khác. Dù cũng chịu tác động nhất định từ tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì đà tăng trưởng. Năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 4,1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2016, đạt trên 2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lâm Đồng và cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp

Trong khi đó, tận dụng lợi thế có khoảng 316.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, Lâm Đồng xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” được tổ chức thực hiện từ năm 2004 đến nay đã thu nhận được nhiều kết quả tích cực. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 43.000 ha (chiếm 16,4% diện tích canh tác), giá trị sản xuất bình quân đạt 45 triệu đồng/ha/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S.

Tính đến nay, Lâm Đồng có khoảng 67 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng, điển hình như Tập đoàn Tài chính Bejo với mục tiêu sản xuất giống rau để xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á từ nguồn kinh phí 9,5 triệu Euro; Dự án nhân giống hoa cao cấp của Công ty TNHH Agrivina với kinh phí 1,5 triệu USD...

Đối với “Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”, Lâm Đồng là 1 trong 2 địa phương làm thí điểm thông qua việc thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với 4 mục tiêu cơ bản: xây dựng thương hiệu số một Việt Nam; xây dựng cụm sản xuất rau, hoa số một Đông Nam Á; xây dựng điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu nông nghiệp chủ lực tại Tây Nguyên. Đây chính là cơ sở, tạo cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng.

“Dự kiến đến cuối 2020, Lâm Đồng sẽ trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững tại Đông Nam Á”, ông Phạm S nói.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thu hút nguồn lực kiều bào

Quyền Giám đốc Sở ngoại vụ Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Thị Tân Tiến chia sẻ, ý thức rằng Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam; là nguồn ngoại lực quan trọng góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm vấn đề khơi dậy và quy tụ những tiềm lực này.

Ngay từ những năm 2000, tỉnh đã tiến hành thành lập Phòng đón tiếp người Việt Nam ở nước ngoài và thiết lập trang thông tin điện tử để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng như về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Đây là các kênh liên lạc, trao đổi, kết nối trực tiếp, gián tiếp với 18.000 kiều bào của tỉnh đang định cư ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức các buổi họp mặt cũng như tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đến thăm các doanh nghiệp kiều bào để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đồng thời giải quyết kịp thời các mong muốn, những khó khăn của kiều bào.

Quyền Giám đốc Sở ngoại vụ Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Thị Tân Tiến.

Tỉnh cũng đã kiện toàn Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cấp tỉnh, cấp huyện - một kênh quan trọng để có thể giúp tỉnh dễ tiếp cận với bà con kiều bào, đặc biệt những người đang âm thầm giúp đỡ người dân tại các vùng khó khăn của tỉnh như hỗ trợ xe đạp, học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó.

Bà Tiến cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có 40 dự án do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ đầu tư, với tổng vốn gồm 40 tỷ USD trong những lĩnh vực chủ yếu là du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, khai thác khoáng sản, thương mại. Phần lớn các dự án sau khi được cấp phép đều triển khai hoạt động bước đầu có hiệu quả, ổn định, phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Số kiều hối hàng năm được kiều bào gửi về giúp người thân nâng cao đời sống và phát triển kinh tế cũng đạt hơn 110 triệu USD.

Thừa Thiên - Huế: Phát huy giá trị di sản

Tại Thừa Thiên - Huế, từ lợi thế có 5 di sản văn hóa thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế; Nhã nhạc Cung đình Huế; Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn; và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế), Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Cao cho biết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian qua, địa phương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với gần 30 quốc gia, tổ chức chính phủ, phi chính phủ trên toàn thế giới trong lĩnh vực hợp tác bảo tồn, phát huy di sản vật thể và phi vật thể. Tiêu biểu gần đây nhất là các dự án Bảo tồn phục hồi các án thờ hoàng gia Triều Nguyễn, dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu-phần Tiền điện tại Đại Nội, Huế do Mỹ tài trợ, dự án lắp đặt hệ thống chiếu sáng Ngọ Môn do Hàn Quốc tài trợ; dự án bảo tồn và trùng tu nội và ngoại thất Cung An Định, và một số công trình trong Kinh Thành Huế do Đức, Ba Lan, Pháp tài trợ.…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao.

Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và các tổ chức quốc tế thực hiện tốt công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới của Huế để góp phần xây dựng Huế xứng đáng trở thành trung tâm văn hoá du lịch của cả nước và cũng là địa phương bảo tồn di sản chuẩn mực của quốc gia và khu vực; xem xét ưu tiên tập trung xây dựng một thương hiệu mới cho ngành du lịch cố đô Huế: “Một điểm đến 5 di sản” và phát triển du lịch tại khu vực miền Trung kết nối các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam trên “Con đường di sản miền Trung” và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).

Ông Nguyễn Văn Cao chia sẻ, kinh nghiệm bảo tồn các di sản của Thừa Thiên - Huế là: chính quyền địa phương và các nhà quản lý bảo tồn cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc lập, tổ chức các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung của tỉnh và thành phố Huế đảm bảo tính phát triển nhưng vẫn thực hiện được các cam kết quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa.

Ông Trần Văn Cao cũng nhấn mạnh việc thường xuyên nâng cao ý thức của người dân. “Chúng tôi thông qua hệ thống thanh niên, hệ thống trường đại học, hệ thống các tổ chức, đoàn thể, thường xuyên có giáo dục, truyền bá. Chẳng hạn, chúng tôi tổ chức lớp học cho người lái xích lô học ngoại ngữ, phải trả tiền cho họ đi học vì họ chính là những Đại sứ đầu tiên giao tiếp với khách du lịch”, ông nói.