📞

Ngoạn cảnh ngắm voọc

10:00 | 09/04/2017
Vân Long là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở huyện Gia Viễn, nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất

Thôn Tập Ninh, xã Gia Vân, Ninh Bình có khoảng 300 hộ. Đa số làm dịch vụ chèo thuyền chở khách đi thăm thú thắng cảnh đầm Vân Long, và một số hộ bán hàng lưu niệm phục vụ du khách. “Ban quản lý bến thuyền sắp xếp người chở khách theo thứ tự, và chúng tôi có việc làm đều hàng tuần nhờ các chuyến chở khách đi tham quan hang động và đi xem voọc,” chị Nguyễn Thị Hà, người trong thôn, chia sẻ.

Du khách đi ngoạn cảnh Vân Long. (Ảnh: Trung Hiếu/TG&VN)

Trọng điểm du lịch

Vân Long là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở huyện Gia Viễn. Vân Long được đưa vào khai thác du lịch năm 1998 và là một trọng điểm du lịch của Việt Nam, sở hữu kỷ lục của Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 là: "Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất".

Voọc là loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao và có tên trong Sách Đỏ thế giới. Những ngọn núi ở khu đất ngập nước rộng 3.500ha này là nơi cư trú của đàn voọc mông trắng (còn gọi là voọc quần đùi trắng) đông nhất Việt Nam, khoảng hơn 40 con.

Vân Long cũng là nơi cư ngụ của hàng vạn con cò, nhiều thú quý hiếm như gấu, báo, khỉ mặt đỏ... và nhiều loài cá. Ở đây, không khí dịu mát, mặt đầm như tấm gương phẳng lặng phản chiếu những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng tên gọi như núi Mâm Xôi, Hòm Sách, Cô Tiên... Mặt nước trong, nhìn rõ từng đám rong rêu đu đưa nhè nhẹ dưới đáy nước. Đây đó trong đám lau sậy, có những người đàn ông đang chèo thuyền đi câu hoặc gỡ cá mắc lưới.

Bảo tồn voọc nhờ ý thức người dân

Trong chuyến đi thực tế ấy, áng chừng sau nửa giờ đồng hồ, thuyền chúng tôi đến chân núi Hoàng Quyển. Trong tâm lý háo hức muốn tận mắt thấy tìm hiểu về loài động vật quý hiếm này, cả nhóm chỉ đăm đăm nhìn lên vách núi. Mặc! Chị lái đò vẫn cần mẫn đưa đẩy tay chèo. Rồi khi chị thốt lên: “Voọc kìa” và chỉ về phía vách núi phía xa, chúng tôi dồn mắt nhìn. Giữa những tán lá xanh um ấy, có khoảng bốn chú voọc màu đen, đuôi dài, phần mông trắng y như mặc quần đùi thoắt ẩn, thoắt hiện. Do khoảng cách quá xa, thoáng cái chúng đã biến mất nên không ai trong chúng tôi kịp chụp hay ghi lại hình ảnh.

“Thú đi thuyền ngoạn cảnh đâu chỉ là ngắm mấy con voọc, mà chủ yếu là được thư giãn khi thả hồn ngắm trời mây non nước, là sự hồi hộp khi chờ voọc xuất hiện, để rồi thêm yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ động vật hoang dã”, anh Ngọc Long, du khách từ Hà Nội nói trong luyến tiếc.

Được biết, hiện nay, cuộc sống của đàn voọc khá ổn định bởi nguồn thức ăn dồi dào, lại là khu vực được bảo vệ. Voọc vẫn sinh sản đều bởi người dân thường bắt gặp voọc mẹ cõng con xuống chân núi uống nước. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng thường xuyên đến đây nghiên cứu. Đặc biệt các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế còn cử người đến thống kê số lượng, theo dõi tập quán sinh hoạt của chúng.

Chị lái đò kể, trước đây người ta thả dê trên núi, nuôi vịt đầy dưới đầm. Nhiều người vác súng săn đi bắn chim trời, bắn cả voọc nữa. Khi cán bộ Ban quản lý vận động bà con thực hiện quy định bảo vệ rừng, nhiều người phản đối nhưng rồi dần dần hiểu biết của người dân tăng lên, đặc biệt là khi họ có thêm việc làm bằng dịch vụ chèo thuyền chở khách, được khai thác cá hợp pháp ở đầm. Nhờ vậy, người dân ý thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái khu đất ngập nước.

“Bây giờ không ai thả dê lên núi, cũng không ai bắt cá bằng kích điện nữa. Đầm Vân Long đang nuôi sống người dân, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn thiếu thốn, nhưng chúng tôi xác định bảo vệ môi trường sinh thái cũng chính là bảo vệ kế sinh nhai của mình”, chị lái đò nói.