Những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt lại được làm bởi những người đàn ông làng Trạch Xá (Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội), còn những người phụ nữ tại đây lại ngày ngày ra đồng cày cấy, chăm lo chuyện gia đình.
Làng Trạch Xá cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km. Nơi đây khiến bất cứ ai nghe đến cũng ngạc nhiên khi phụ nữ chăm chỉ việc đồng áng, đàn ông bao đời nay cầm kim chỉ may áo dài làm đẹp cho phụ nữ khắp từ Nam ra Bắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Những người dân nơi đây kể rằng, nghề may áo dài có từ nhiều đời nay. Từ xa xưa, nghề may áo dài làng Trạch Xá có một quy định bất di bất dịch đó là chỉ truyền lại cho những người đàn ông trong gia đình mà không truyền lại cho phụ nữ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ông Nguyễn Văn Nhiên (84 tuổi) cho biết, trước đây, cứ mỗi độ Tết xong, không khó để bắt gặp những “ông thợ may” Trạch Xá con theo cha, trò theo thầy tay cầm chiếc đẫy, chiếc kéo, tay cầm mảnh thước, viên phấn đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để cắt may áo dài thuê, thực hiện “sứ mệnh” làm đẹp cho phụ nữ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ông Nhiên cho biết thêm, chính vì đặc thù của nghề may áo dài Trạch Xá phải “chu du” thiên hạ mà thân gái dặm trường không thể theo được. Vì vậy, những người phụ nữ đóng vai trò là hậu phương quê nhà vững chắc, cáng đáng mọi công việc từ đồng áng đến gia đình, để những chàng thợ may yên tâm làm tốt công việc của mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Kĩ thuật khâu tay dọc tạo nên những mũi khâu đều tăm tắp “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” cùng việc đo, cắt “ngang canh thẳng sợi” đã tạo nên những chiếc áo dài đẹp, mềm mại, thướt tha mà sang trọng, khoe nét duyên dáng quyết rũ tuyệt vời của người phụ nữ Việt. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hiện nay, ở làng Trạch Xá, hơn 90% số hộ trong làng vẫn theo nghề may áo dài. Một số người ra thành phố mở cửa hàng, một số khác sau khi học may đã ra thành phố may thuê cho các cửa hàng lớn. Cũng có một số người vì không thể chịu được cảnh gò bó của nghề may đã quyết định bỏ nghề. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Theo truyền thống, nghề may chỉ truyền lại cho đàn ông, nhưng hiện nay người dân làng Trạch Xá đã cởi mở hơn trong đối tượng làm nghề. Bất cứ ai muốn học nghề cũng đều được học, không kể là phụ nữ hay đàn ông. Tuy nhiên, số lượng "chàng thợ may” vẫn chiếm đa số tại đây. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Để trở thành một người thợ lành nghề, không chỉ ngày một ngày hai, mà mất nhiều năm, cùng với đó là siêng năng rèn luyện, học hỏi và đặc biệt là niềm yêu thích với nghề. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Anh Mạnh, một thợ may đã có hơn 20 năm kinh nghiệm may áo dài cho biết, mỗi chiếc áo dài được may theo yêu cầu của khách hàng có giá từ 150.000 đồng – 500.000 đồng thậm chí có chiếc áo lên đến hơn 1 triệu đồng, tùy thuộc vào chất liệu và kĩ thuật cầu kì hay không. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Anh Mạnh chia sẻ, hiện nay, với sự trợ giúp của máy móc, mỗi ngày anh có thể may từ 5 – 7 chiếc áo, tùy từng loại. Mùa cao điểm may áo dài là khoảng từ tháng 7 – tháng 11 trong năm. Tuy nhiên, những vạt áo vẫn phải đảm bảo được khâu bằng kỹ thuật tay dọc để tạo sự mượt mà. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hiện nay, khách hàng đa dạng, đặt nhiều loại áo dài từ cổ truyền thống cho đến cổ thuyền hiện đại, mở cúc đến mở khóa, từ áo dài truyền thống cho đến áo dài cách tân. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Người dân Trạch Xá cho biết, trước đây 6 tuổi trẻ con trong làng đã làm quen với kim chỉ, 12 tuổi là có thể may thành thạo. Em Tạ Văn Thành 12 tuổi, học may từ 1 năm trước và hiện đã có thể may cơ bản. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thành tâm sự, em được bố mẹ dạy may áo dài. Tuy ban đầu có gặp khó khăn bởi tay chưa quen, nhưng hiện nay em đã quen dần hơn. Thành chia sẻ, sau này em sẽ tiếp tục học may để nối nghiệp bố mẹ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Với sự say mê, gắn bó với nghề may áo dài, hàng ngày những thợ may làng Trạch Xá vẫn đưa từng đường kim, mũi chỉ cùng nhát lát cắt trên lên những tấm vải đủ sắc màu, để làm đẹp cho những người phụ nữ khắp miền đất nước và với hi vọng mang ra cả thế giới. Những thợ may Trạch Xá tin rằng: hồn cốt tà áo dài Việt Nam sẽ chẳng bao giờ mất đi bởi họ vẫn luôn gìn giữ những nét đẹp làng nghề mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, khẳng định hai bên nên hợp tác, thay vì đối đầu.