📞

Ngôi nhà Ánh Dương - nỗ lực giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới

An Chu 17:55 | 24/01/2022
Trong bối cảnh Covid-19, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ càng trở nên trầm trọng trên toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hoá ngày 22/1. (Nguồn: Molisa)

Theo số liệu, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.

Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất hoặc bạo lực tình dục do người chồng hoặc bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị giấu kín trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Trong nỗ lực giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, Viêt Nam đã thành lập Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới có tên Ngôi nhà Ánh Dương.

Đây là một trong những nỗ lực thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái thuộc dự án “Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Tại Việt Nam, đến nay, có hai Ngôi nhà Ánh Dương đang đi vào hoạt động ở Quảng Ninh và Thanh Hoá. Thống kê cho thấy, số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp tới đường dây nóng tại Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong đại dịch Covid-19 so với cùng kỳ.

Trong 40 ngày đầu vận hành đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực của Trung ương Hội Nông dân do UNFPA hỗ trợ (20/11-31/12/2021) đã tiếp nhận 2615 cuộc gọi.

Tại buổi lễ ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương cơ sở Thanh Hoá ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà khẳng định: “Ngôi nhà Ánh Dương đóng vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ người bị bạo lực mà còn tăng cường sự tham gia, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ban, ngành và các tổ chức liên quan trong việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách chuyên nghiệp và thân thiện, thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm".

Việc xây dựng và vận hành thí điểm mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu xây dựng văn bản quy định tiêu chuẩn áp dụng thống nhất đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu".

Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ LĐTBXH trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

(theo Molisa)