Tiến sĩ Trần Nguyễn Thy Bình làm việc và kí kết với đại diện các trường Đại học danh giá của Mỹ và thế giới về việc công nhận và chuyển tiếp lẫn nhau |
Đang có cuộc sống ổn định và những thành công trong sự nghiệp tại Hoa Kỳ, T.S Thy Bình vẫn thường xuyên về thăm quê hương để làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ,có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong những chuyến đi này, bà đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời khốn khó, có những em nhỏ chưa tới 10 tuổi đã vất vả lao động cực khổ từ sáng đến tối; lang thang trên những quãng đường dài để kiếm tiền phụ nuôi sống gia đình; không có cơ hội đến trường để học như bạn bè đồng lứa và thậm chí chưa học được đánh vần ABC. Không những vậy, trong nhiều chuyến đi khác bà cũng gặp những em học sinh có học lực khá giỏi, đã hoàn thành tốt bậc trung học nhưng vẫn không có cơ hội vào đại học vì một số lý do.
Thấu hiểu và đồng cảm trước những hoàn cảnh ấy, khi quay về Mỹ bà rất băn khoăn và trăn trở về việc phát triển một nền giáo dục chất lượng cao tại quê nhà Việt Nam. Bà tâm niệm: “Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hiếu học, chịu khó, đã có không ít du học sinh, doanh nhân người Việt thành danh rất nhiều nơi trên thế giới. Vậy tại sao chúng ta không quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác giáo dục? Phải chăng nếu có thể tạo ra một môi trường giáo dục tiêu chuẩn quốc tế để các em dễ dàng tiếp cận, thì tài năng của các em mới được phát huy ở mức tối đa nhất?” Với những mong mỏi đó, T.S Thy Bình đã trở về Việt Nam để khởi đầu một hành trình phát triển giáo dục với rất nhiều mốc son vô cùng ấn tượng và đáng ngưỡng mộ.
Hành trình đưa tri thức Việt vươn tầm thế giới
Trở về Việt Nam trong thời điểm nền kinh tế đất nước chỉ vừa mở cửa và còn gặp nhiều khó khăn thì khái niệm giáo dục quốc tế vẫn còn khá xa lạ với rất nhiều người. Hiểu rõ những khó khăn mà mình sẽ gặp phải, T.S Thy Bình vẫn quyết tâm bắt đầu công cuộc thay đổi nền giáo dục của mình bằng việc xây dựng nên những cơ sở giáo dục chất lượng chuẩn quốc tế.
Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị theo các yêu cầu của nhà nước Việt nam và theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của đại học Quốc tế Hoa Kỳ, nên đến năm 1999, bà mới nộp đơn xin thành lập trường Đại học tiêu chuẩn Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam với mong muốn đem đến những tinh hoa của nền giáo dục hàng đầu thế giới đến với các sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch gặp phải nhiều khó khăn vì những hạn chế trong quy chế đối với việc thành lập trường đại học theo chuẩn Mỹ tại Việt Nam giữa hai đất nước vào thời điểm đó. Trong thời gian chờ đợi giấy phép bậc đại học, tập đoàn phát triển giáo dục APU đã thành lập trường Quốc tế APU tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 với sự cho phép của bộ GDĐT để mở chương trình trung tiểu học Hoa Kỳ cho học sinh người nước ngoài và học sinh người Việt Nam từ bậc tiểu học tới bậc trung học phổ thông.
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie C. Damour ghé thăm trường Đại học Mỹ tại Việt Nam - AUV và trường Quốc tế Hoa Kỳ APU Đà Nẵng. |
Tiếp nối thành công của cơ sở tại Hồ Chí Minh, trường Quốc tế Hoa Kỳ APU tại Đà Nẵng được thành lập vào năm 2015 và vào năm 2019 trường đã mở thêm Hệ Song Ngữ để đáp ứng nhu cầu học tập và điều kiện riêng biệt của học sinh. Năm 2015 cũng là dấu mốc đặc biệt với Lễ khai giảng long trọng của trường Đại học Mỹ tại Việt Nam - AUV đánh dấu thay đổi lớn trong đào tạo Hệ đại học tại Việt Nam. Khó có thể tin, chỉ với ngần ấy năm mà hệ thống giáo dục của T.S Thy Bình đã trở thành một trong những hệ thống giáo dục uy tín và tiên phong tại Việt Nam cũng như khu vực. Những nỗ lực này đã thể hiện tầm vóc, tư duy và cái tâm mong muốn đổi mới giáo dục đào tạo tại Việt Nam của T.S Thy Bình trong những năm vừa qua.
Hệ thống giáo dục liên cấp - Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU và trường Đại học Mỹ tại Việt Nam AUV. |
Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU và trường Đại học Mỹ tại Việt Nam AUV - Cái nôi nuôi dưỡng nhân tài
Trong suốt gần 30 năm kết nối giáo dục Hoa Kỳ, APU cùng với AUV đã giúp rất nhiều thế hệ học sinh Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của Mỹ ngay trên quê hương mình cũng như tạo cơ hội cho các em đặt chân vào những đại học danh giá Hoa Kỳ và thế giới với những suất học bổng danh giá. T.S Thy Bình là người tiên phong khai phá và dẫn đường cho hơn 5,000 học sinh, sinh viên Việt Nam vững vàng trên hành trình tiếp thu tri thức nhân loại và đạt được sự thành công ở khắp mọi nơi trên Thế giới. Dưới sự dẫn dắt của T.S Thy Bình, APU đã liên tiếp được công nhận và vinh danh bởi các tổ chức giáo dục uy tín thế giới như tổ chức kiểm định Giáo dục lớn nhất thế giới Cognia™, tạp chí giáo dục Knowledge Review của Mỹ. Đặc biệt, năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, thế nhưng trường Quốc Tế Hoa Kỳ APU vẫn đạt được những thành công vang dội khi đem về hơn 500 suất học bổng danh giá với trị giá hơn 20 triệu USD dành cho các học sinh tốt nghiệp của mình.
T.S Trần Nguyễn Thy Bình tham dự Đại hội Nhiệm kỳ 3 Đại hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. |
Những thành công này là kết quả của nhiều năm làm việc, kết nối với nền giáo dục Hoa Kỳ để mang đến những chương trình học đa dạng và tiên tiến cho các học sinh của APU. Trong đó có thể kể đến chương trình Cầu nối đại học (Dual enrollment Program và CBP - College Bridge Program) chỉ có duy nhất tại APU, liên kết với các trường Đại học danh giá ở Hoa Kỳ giúp các em học sinh thuận lợi tốt nghiệp sớm từ 1-2 năm; không những đặt chân thẳng vào các trường Đại học danh giá thế giới mà còn nhận rất nhiều học bổng từ các Đại học danh giá tại Hoa Kỳ dễ dàng.
T.S Trần Nguyễn Thy Bình trong lễ ký kết hợp tác toàn diện đào tạo các chương trình sau Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ giữa Đại học Mỹ tại Việt Nam - AUV và đại diện các trường Đại học Hoa Kỳ danh giá. |
Đã có rất nhiều thế hệ học sinh APU tốt nghiệp đã thành công và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở nhiều trường đại học, tổ chức nổi tiếng, tập đoàn lớn trên khắp thế giới. Khi nhắc đến những cựu học sinh của mình, ánh mắt của bà không giấu được niềm tự hào: “Những thế hệ học sinh APU và AUV khi bước ra đấu trường quốc tế đều thể hiện được sự tự tin của mình khi ghi danh vào bảng vàng danh giá trong các trường đại học danh giá thế giới.”
T.S Trần Nguyễn Thy Bình cùng Ban lãnh đạo các trường đại học danh giá từ Hoa Kỳ và thế giới ký kết các thoả thuận hợp tác đào tạo toàn diện, công nhận bằng cấp và chương trình đào tạo lẫn nhau. |
Động lực xuất phát từ sự thương cảm
Bên cạnh việc dành thời gian và tâm huyết để phát triển giáo dục nước nhà, T.S Thy Bình còn là mạnh thường quân thầm lặng thường xuyên giúp đỡ những trẻ em và gia đình khó khăn tại các vùng sâu vùng xa của đất nước. Trong suốt những năm tháng trở về Việt Nam, T.S Thy Bình đã không ngại gian nan sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn nhất để đồng hành và giúp đỡ rất nhiều những mảnh đời không may. Câu chuyện bà nhận cưu mang và dưỡng dục nên người 5 anh em có hoàn cảnh khó khăn sau cơn bão Chanchu 2006 là một trong những câu chuyện hết sức cảm động về tấm lòng của một người phụ nữ phi thường. Hiện nay, bà đã có đến 25 người con, trong đó 20 người là con nuôi mà bà nhận từ dịp về thăm quê hương lần đầu tiên từ năm 1990. Tất cả đều đã trở những nhà giáo dục, những nhà quản trị… giỏi giang, tài ba đang làm việc ở Mỹ và Việt Nam.
Ngoài việc nuôi dạy con ruột trưởng thành, tiến sĩ Thy Bình đã nhận thêm một số con nuôi trong đó có năm chị em Thanh Sa mồ côi cha mẹ về TP. HCM trong chuyến cứu trợ các nạn nhân của trận bão Chanchu năm 2006. Hiện nay các em đều đã trưởng thành, là những học sinh xuất sắc và những công dân giỏi giang. |
Khi đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều mất mát, đau thương cho người dân cả nước, bà đã và đang giúp hơn 200 em nhỏ mồ côi cha mẹ rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa với mong muốn bù đắp phần nào những nỗi đau mà các em phải gánh chịu. Không những vậy, T.S Thy Bình còn đầu tư xây dựng thêm cơ sở ký túc xá để sẵn sàng đón nhận thêm các em mồ côi cơ nhỡ khác . Bà tâm sự: “Giải quyết được vấn đề ăn ở chỉ là những biện pháp khắc phục trước mắt. Là một nhà giáo dục, chúng tôi còn muốn giúp các em định hướng, giáo dục và bồi dưỡng để các em tự lập từ đó tiến xa hơn và thành công trong tương lai”. Không dừng lại ở đó, bà còn ấp ủ để những người con, những em nhỏ mà bà đã từng cưu mang, giúp đỡ lâu nay giờ đã lớn khôn trở thành những người anh người chị tiếp tục giúp đỡ những em nhỏ đang gặp khó khăn khác. Như vậy, những nghĩa cử cao đẹp, ngọn đuốc của tình yêu thương sẽ được lan tỏa mãi mãi qua nhiều thế hệ.
T.S Thy Bình cùng các em học sinh trường Quốc Tế APU trong chuyến đi từ thiện đến thăm các em nhỏ mồ côi tại chùa Từ Ân. |
Trong suốt bao năm qua, có lẽ chính bà cũng không thể nhớ hết mình đã giúp được bao nhiêu gia đình, em nhỏ. Chỉ biết rằng, càng giúp được nhiều người T.S Thy Bình như được tiếp thêm động lực để nhân rộng và phát triển giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam vì theo bà thì chỉ có giáo dục là con đường duy nhất giúp các em thay đổi số phận và trở thành những công dân có ích trong tương lai. Đây là một sứ mệnh và một con đường đầy những chông gai, nhưng với cái tâm và cái tầm của mình, T.S Thy Bình đang từng ngày biến những điều không thể thành có thể.
Hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, T.S Trần Nguyễn Thy Bình chính là tấm gương sáng cho niềm đam mê theo đuổi đến cùng, một tinh thần dám nghĩ dám làm và cháy hết mình vì những thế hệ trẻ Việt hôm nay và ngày mai. Như lời bà đã từng nói với các học sinh, sinh viên nữ: “Mỗi người phụ nữ đều có sức mạnh để làm nên điều khác biệt, để nắm lấy vị trí lãnh đạo ở bất cứ nơi đâu, miễn là họ đặt cả trái tim vào công việc của mình.”. Và chúng ta có thể tin chắc rằng với nguồn sức mạnh xuất phát từ tấm lòng chân thành của mình, T.S Thy Bình sẽ còn tạo nên nhiều điều khác biệt ở tương lai phía trước.