📞

'Ngọn hải đăng' trong hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam- Đức

Ly Ly 16:42 | 11/10/2021
Được triển khai từ năm 2011, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) đã trở thành một trong những dự án “hải đăng” trong hợp tác phát triển Việt Nam-Đức. Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức về những thành công nổi bật của dự án này.

Đào tạo nghề là một trong những điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam-Đức, đặc biệt là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011. Ông đánh giá như thế nào những thành tựu nổi bật hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này và triển vọng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới?

Việt Nam và Đức đã là Đối tác chiến lược từ rất nhiều năm qua và giáo dục nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong hợp tác phát triển giữa hai bên.

Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) bắt đầu thực hiện từ năm 2011 với hai “cánh tay” hay còn gọi là hai hợp phần là hợp tác tài chính và hợp tác kỹ thuật. Cả hai hợp phần này đều do Chính phủ Đức tài trợ.

TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình TVET. (Nguồn: GIZ Việt Nam)

Hợp phần hợp tác tài chính là các khoản vay ân hạn và hợp phần hợp tác kỹ thuật là xây dựng năng lực và nguồn tài chính viện trợ không hoàn lại. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động được ủy quyền để triển khai các hợp tác kỹ thuật với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Dựa trên sự thành công của mô hình đào tạo nghề song hành của Đức, chúng tôi đã tư vấn, hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong đổi mới Khung chính sách về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm việc với 11 trường cao đẳng nghề chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp để thí điểm các chương trình đào tạo kỹ thuật dựa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Về những thành tựu nổi bật, ở hợp phần hợp tác tài chính, đã có rất nhiều trường cao đẳng được chúng tôi hỗ trợ có hạ tầng, có thiết bị đào tạo hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ở hợp phần hợp tác kỹ thuật, GIZ đã giúp tư vấn cho các trường chuyển giao kỹ thuật công nghệ, chuyển giao các bí kíp đào tạo cũng như xây dựng năng lực cho cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý của các trường. Chúng tôi đã thí điểm và chứng minh được rằng mô hình đào tạo phối hợp mà ở đó doanh nghiệp và nhà trường cùng song hành trong quá trình đào tạo có thể được thực hiện thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam. Chúng tôi đã thực hiện thành công và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Ở cấp độ tư vấn chính sách, GIZ đã hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có những quá trình thay đổi rất quan trọng, xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình TVET có điểm gì khác biệt so với các chương trình về giáo dục dạy nghề khác, thưa ông?

Hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong phát triển bền vững của cả hai quốc gia như giáo dục nghề nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, năng lượng và môi trường, biến đổi khí hậu…

Tất cả các lĩnh vực này đều có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Đức, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Một số đặc thù của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) là chương trình được triển khai trên cả ba cấp độ.

Ở cấp độ vĩ mô, Chương trình đã hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đổi mới chính sách giáo dục nghề nghiệp và khung pháp lý cho giáo dục nghề nghiệp.

Ở cấp độ trung mô, chúng tôi làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, các hội đồng kỹ năng, hội đồng ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ở cấp độ vi mô, chúng tôi hợp tác với các trường cao đẳng nghề và các doanh nghiệp. Tại cấp độ này, chúng tôi có các chuyên gia kỹ thuật của Đức làm việc trực tiếp tại trường với tư cách là các cố vấn phát triển để hỗ trợ, tư vấn cho các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý của nhà trường.

Một đặc thù khác là Chương trình TVET có sự kết hợp giữa hợp tác tài chính và hợp tác kỹ thuật. Hợp tác tài chính cung cấp thiết bị, công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đại để đào tạo còn hợp tác kỹ thuật giúp xây dựng năng lực cho giảng viên, giáo viên của nhà trường để cung cấp chất lượng đào tạo tốt nhất.

Ông có thể chia sẻ những kết quả đáng chú ý mà Chương trình TVET đã làm được sau khi được triển khai tại Việt Nam?

Chương trình đào tạo phối hợp mà GIZ đã thí điểm tại các trường đối tác thu được nhiều thành công với tỷ lệ 80% các em học sinh tốt nghiệp các chương trình đào tạo đều có việc làm bền vững và có thu nhập tốt.

Các doanh nghiệp tuyển dụng đều rất hài lòng với tay nghề và kỹ năng của các em. Đáng chú ý, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình TVET, số lượng học viên nữ tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật đã tăng đáng kể. Các giáo viên của các trường đối tác cũng được xây dựng năng lực lâu dài và đều đạt được trình độ kỹ năng ở cấp độ quốc tế.

Cả 7 chương trình đào tạo phối hợp mà chúng tôi triển khai đều được xây dựng trên tiêu chuẩn của Đức và đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam; tích hợp các module theo các yêu cầu của ngành công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và có thể được sử dụng ở nhiều cấp độ. Mỗi chương trình gồm 12 module có thể được rút ra để đào tạo ngắn hạn hoặc đào tạo nâng cao.

Chương trình đào tạo phối hợp mà GIZ đã thí điểm tại các trường đối tác thu được nhiều thành công với tỷ lệ 80% các em học sinh tốt nghiệp các chương trình đào tạo đều có việc làm bền vững và có thu nhập tốt. (Nguồn: GIZ Việt Nam)

Trong năm qua, Chương trình TVET đã đào tạo cho hơn 1.000 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục hoạt động đào tạo cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Chúng tôi cũng đã xây dựng được 16 hội đồng tư vấn nghề có sự tham gia của các doanh nghiệp, các trường cao đẳng, trường đối tác của chúng tôi để đảm bảo rằng các chương trình đào tạo của các trường đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp địa phương. Các hội đồng này đều hợp tác rất chặt chẽ và tích cực với các trường.

Hệ sinh thái chuyển đổi số của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được GIZ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các trường cao đẳng nghề. Thông qua sự hỗ trợ của chúng tôi, quá trình chuyển đổi số đang được thực hiện rất tốt.

Quan hệ đối tác giữa các trường dạy nghề với các doanh nghiệp lớn, nổi tiếng như General Motors, BOSCH…hay các doanh nghiệp Việt Nam đã được thiết lập chặt chẽ,

Chương trình TVET cũng đã hỗ trợ một trường đối tác xây dựng module xanh (module về bảo vệ môi trường và xây dựng tài nguyên hiệu quả). Module này đang được triển khai tại nhiều trường đối tác và các trường trên toàn quốc nhằm xây dựng chương trình đào tạo cho các nghề phục vụ phát triển xanh.

Chương trình TVET đã hỗ trợ đổi mới khung chính sách để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với đào tạo nghề; nâng cao nhận thức về các nhóm yếu thế, những người khuyết tật để đảm bảo quyền của họ được tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ Việt Nam tham gia vào Cuộc thi tay nghề thế giới, các cuộc thi tay nghề quốc gia…cũng như các hoạt động truyền thông, quảng bá cho giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường cả về chất lượng và số lượng. Là một trong những quốc gia rất thành công về giáo dục dạy nghề, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm phù hợp từ Đức?

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đức có uy tín ngang bằng với hệ thống giáo dục đại học và số người đi học nghề ở Đức nhiều hơn cả số người đi học đại học.

Thành công trong giáo dục nghề nghiệp của Đức đến từ mô hình đào tạo song hành, ở đó người học được đào tạo 70% tại doanh nghiệp và 30% tại trường nghề.

Học viên sẽ được học lý thuyết tại trường nghề và học toàn bộ phần thực hành tại doanh nghiệp và không phải đóng góp bất cứ khoản chi phí nào. Khi thực hành và đóng góp vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp, học viên còn được trả lương. Ngoài ra, phần lớn các trường dạy nghề của Đức đều thuộc hệ thống trường công nên học viên cũng được miễn học phí.

Một đặc điểm ưu việt nữa của hệ thống đào tạo song hành đó là doanh nghiệp chính là đơn vị tuyển sinh và ký hợp đồng lao động với người học nghề chứ không phải là các trường nghề. Doanh nghiệp sẽ chọn những người mà họ thấy phù hợp để sau này học nghề tại doanh nghiệp và ở lại làm việc.

Chương trình đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu sử dụng lao động, đầu ra được bao tiêu hoàn toàn bởi các doanh nghiệp. Điều này khác với Việt Nam là hệ thống giáo dục nghề nghiệp thường chịu trách nhiệm tuyển sinh và đào tạo nhưng quy trình này chư chắc đáp ứng được nhu cầu về lao động của doanh nghiệp.

Việt Nam không nhất thiết phải áp dụng 100% mô hình của Đức vì mỗi mô hình đào tạo sẽ gắn với lịch sử phát triển kinh tế chính trị xã hội của từng quốc gia. Tuy nhiên, kinh nghiệm thành công của Đức có thể được áp dụng để thích ứng với điều kiện của Việt Nam.