TIN LIÊN QUAN | |
Nhà ngoại giao trong thời đại truyền thông xã hội | |
Tôi - Nhà ngoại giao Nga |
Tiểu thuyết Ngụ cư của tác giả Thăng Sắc, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 9/2017. |
Trong văn đàn, người ta biết đến ông với bút danh Thăng Sắc, với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong số đó, có những tác phẩm đã được dựng thành phim như Những ngày không em (Tiểu thuyết được chuyển thành phim nhiều tập Nụ tầm xuân) hay Chớp mắt cùng số phận (chuyển thành phim nhựa cùng tên)... Trong ngành Ngoại giao, đồng nghiệp biết đến ông là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Algeria, Pháp, Campuchia và từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài.
Những ai từng biết về Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng (hay còn bằng cái tên ông tự nhận là Lều văn Thăng Sắc), dù lâu hay mau, đều có thể cảm nhận được ở ông sự bình dị, an nhiên, tự tại. Văn là người. Văn của ông vừa nhẹ nhàng, vừa xúc tích, nhưng chân chất như cuộc sống thường nhật.
Thân phận con người
Ông chia sẻ, trong những sáng tác của mình, chất liệu đeo đuổi, ám ảnh ông chính là thân-phận-con-người. Chất liệu này hấp dẫn ông từ khi còn trẻ, khi đắm mình trong những tác phẩm văn học hiện thực Pháp. Ông hiểu rằng, dù được rất nhiều nhà văn khai thác, nhưng khi đề cập đến thân phận con người, người viết có thể khai thác dưới rất nhiều khía cạnh. Trong Ngụ cư cũng vậy.
Nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti tặng sách cho nhà văn Thăng Sắc (phải), năm 2016. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Khi bắt tay viết Ngụ cư năm 2016, Thăng Sắc đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc với rất nhiều người đi công tác, học tập, lao động ở Đông Âu trong thời kỳ bao cấp. Chính vì vậy, nhân vật trong tác phẩm của ông có thể là hư cấu, nhưng chất liệu là đời thực. Cũng vì lẽ đó mà khi đọc Ngụ cư, rất nhiều người từng đi học tập, lao động ở Đông Âu trong những năm 80 của thế kỷ trước có thể nhìn thấy một phần cuộc sống của mình trong đó.
Năm 2015, ông tham gia trại viết văn ở Tam Đảo. Ít lâu sau, ông tình cờ gặp mấy người bạn ở Đông Âu về Việt Nam chơi. Nghe họ kể chuyện làm ăn, ông thấy vô cùng thích thú và quyết định “phải viết cái gì đó”. Đầu năm 2016, ông bắt tay vào xây dựng khung câu chuyện, gặp gỡ những nhân vật liên quan đến câu chuyện của mình, trò chuyện và cẩn trọng ghi chép lại… Cứ thế, như con ong cần mẫn, mỗi mẩu chuyện của các nhân vật khác nhau lại được Thăng Sắc khéo léo sử dụng để phác họa nên Bùi Khoái – nhân vật chính trong tác phẩm mới của mình.
Ngụ cư miêu tả dòng đời của một trí thức Việt Nam, tới Tiệp Khắc (cũ) mưu sinh bằng con đường xuất khẩu lao động. Đó là cách duy nhất mà anh ta có thể chọn để có thể tự cứu mình, nuôi sống vợ con và gánh vác trọng trách đối với gia đình trong bối cảnh những năm 80 của thế kỷ trước. Là một người thông minh, hoạt bát, dám nghĩ, dám làm, chuyến đi tới Đông Âu khiến Bùi Khoái như cá được thả xuống nước. Nhưng, trời không cho ai tất cả. Khi bằng mọi giá để có tiền, người ta dễ đánh mất những thứ quý giá khác…
Không đao to búa lớn hay cầu kỳ, màu mè, ngòi bút Thăng Sắc cứ từ tốn mổ xẻ, phơi bày một hình thái xã hội còn mới lạ của thời hội nhập toàn cầu. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về người Việt Nam ở nước ngoài thời kỳ trước và sau chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hay nhất mà tôi được đọc”. (Nhà văn Phạm Quang Đẩu) |
“Mình là ai?”
Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ, nguyên việc đặt tên cho tác phẩm cũng lấy của ông mất nhiều thời gian. Ban đầu, cuốn tiểu thuyết có tên là “Dấu chân người viễn xứ”, rồi sau đó là “Tuyết đỏ”, hay “Xứ người” rồi Ở xứ người”… Thay đổi đến cái tên “Ở xứ người” thì ông thấy có vẻ ổn, nhưng vẫn không thấy toại nguyện. Một đêm, đang nằm, chợt ông nhớ đến một tác phẩm trong văn học Pháp và không hiểu sao chữ “ngụ cư” chợt bật lên trong dòng suy tưởng của ông. Vị Đại sứ đã bật dậy trong đêm, xóa hết các tên gọi trước đó của “đứa con tinh thần” bởi ông biết mình không thể tìm được cái tên nào vừa mang tính tiểu thuyết, vừa có nội hàm phong phú, vừa chứa đựng đầy đủ nhất những ý tứ mà ông muốn trao gửi tới bạn đọc như Ngụ cư.
Dù chưa thực sự hài lòng với Ngụ cư - cuốn tiểu thuyết thứ 5 trong sự nghiệp viết văn của mình – nhưng Thăng Sắc cho rằng cuốn tiểu thuyết đã giúp ông nói lên sự cảm thông, được chia sẻ và sự ngợi ca… đối với những người Việt Nam mưu sinh ở nước ngoài – cụ thể là khu vực Đông Âu.
Có thể thấy, trong những tác phẩm văn học viết về cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài, dù vô tình hay hữu ý, rõ ràng hay thấp thoáng, tác giả Thăng Sắc luôn khiến độc giả bắt gặp câu hỏi đau đáu trong lòng những nhân vật của ông: “Mình là ai?”. Có lẽ, đó cũng chính là tiếng lòng của nhiều người Việt sinh sống xa quê hương, hay chí ít cũng là của những người mà Thăng Sắc đã dày công tìm hiểu, tiếp xúc, sưu tầm những câu chuyện từ họ, để từ đó mang đến cho độc giả một cái nhìn tương đối mới lạ về cộng đồng này.
Sách mới viết về chủng tộc của nhà văn nữ gốc Phi đoạt giải Nobel Toni Morrison - tiểu thuyết gia nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ, nhà văn gốc Phi đầu tiên đoạt giải Nobel gần đây đã phát ... |
Học giả Italy ra mắt ấn phẩm về chủ quyền biển đảo Việt Nam Ngày 19/9, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam tại Turin (Italy), bà Sandra Scagliotti đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách ... |
Bộ sách Văn học Hàn Quốc lần đầu ra mắt tại Việt Nam Sự kiện ra mắt hai bộ sách về văn học Hàn Quốc đã mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập ... |