Những ngày này, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa cao điểm khai thác vụ cá Nam, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu thuyền tấp nập ra vào các cảng bốc dỡ hải sản bán. (Hình minh họa - Ảnh: TX) |
Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh triển khai biện pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú kết hợp kiểm tra chặt chẽ hoạt động tàu cá nhằm tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện, ngư dân trong khai thác hải sản trên biển. Qua đó, góp phần quan trọng cùng ngành thủy sản cả nước sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Những ngày này, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa cao điểm khai thác vụ cá Nam, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu thuyền tấp nập ra vào các cảng bốc dỡ hải sản bán.
Đưa tàu cá số hiệu NT 02119 TS công suất 450CV cập cảng cá Đông Hải, ngư dân Khu Văn Thành (phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) hành nghề lưới rê thường xuyên khai thác ở vùng biển xa bờ chia sẻ, chủ tàu nộp hồ sơ tàu cá và nhật ký khai thác tại văn phòng cảng cá để kiểm tra, xác nhận.
Sổ nhật ký khai thác được ghi chép cẩn thận, chính xác từng loài cá với sản lượng cụ thể, được khai thác ở vùng biển nào phải khai báo rõ ràng. Đây là công việc bắt buộc đối với mỗi chủ tàu cá phải thực hiện trước và sau mỗi chuyến biển.
Ngư dân Khu Văn Thành cho hay: “Ngư dân được Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng liên tục phổ biến, tuyên truyền về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển, đặc biệt không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Do đó, mỗi lần vươn khơi, bên cạnh chuẩn bị ngư lưới cụ, đá lạnh, thực phẩm, đều kiểm tra kỹ máy móc, thiết bị giám sát hành trình nên tàu cá của gia đình chưa từng vướng phải các vi phạm”.
Để kiểm soát hoạt động khai thác, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu bắt buộc đối với các tàu khai thác ở vùng biển xa. Ngư dân Nguyễn Ngọc Quang (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), chủ tàu cá số hiệu NT 02095 TS, công suất 400CV chia sẻ, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá giúp ngư dân biết được địa điểm đánh bắt để không đi qua vùng biển nước ngoài. Khi có vấn đề trục trặc trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan chức năng hỗ trợ.
Khai thác ở các vùng biển xa, bà con ngư dân đi theo đội, nhóm từ 7-10 tàu cá để kịp thời hỗ trợ nhau, nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển. Qua đó, ngư dân đồng hành với lực lượng chức năng để góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo.
Trực tiếp kiểm tra hồ sơ khai thác của ngư dân, ông Nguyễn Phạm Lưu Hiển, Trưởng Cảng cá Đông Hải cho biết, trước khi tàu thuyền cập cảng một giờ, chủ phương tiện, thuyền trưởng thông báo lực lượng trực tại cảng nắm rõ thời gian, sau khi tàu thuyền vào cập cảng, chủ phương tiện đem lên trình nhật ký và sổ tàu thuyền để đơn vị kiểm tra và phối hợp với Chi cục Thủy sản xác nhận thông tin tàu thuyền cập cảng cùng sản lượng hàng hóa.
Đơn vị cắt cử lực lượng trực, tổ chức làm việc 24/24 giờ, kể cả Thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ để phục vụ ngư dân. Qua kiểm tra, đa số các chủ phương tiện, ngư dân đều thực hiện tốt quy định phòng, chống trong khai thác IUU. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện phương tiện không đủ điều kiện, đơn vị phối hợp với Chi cục Thủy sản không cho phương tiện xuất bến và chờ bổ sung đầy đủ thủ tục, hồ sơ mới cho chủ phương tiện xuất bến.
Theo Chi cục Thủy sản, hiện 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản. Tỷ lệ tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%. Tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7%; trong đó, 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
Ninh Thuận hiện còn 8 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình vì nhiều lý do như chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hư hỏng đang nằm bờ không hoạt động... UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương làm việc cụ thể với những trường hợp trên, ghi nhận vị trí neo đậu hiện tại của tàu cá và kiên quyết không cho đi biển khi chưa thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ 2019 đến nay đã tổ chức gần 110 lớp tuyên truyền về chống khai thác IUU với hơn 6.000 lượt thuyền trưởng, ngư dân, cán bộ tham dự. Thông qua tuyên truyền, ngư dân đã nhận thức được tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài.
Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác. tỉnh cũng đã đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, địa phương cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.
Tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể giao cho các sở, ngành, địa phương thực hiện.
Để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Ninh Thuận tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; lập danh sách tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và tàu nguy cơ cao vi phạm IUU, thông báo đến địa phương và cơ quan chức năng cùng tổ chức theo dõi quản lý.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng tại bốn cảng cá (Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân, Cà Ná) phối hợp lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập cảng theo đúng quy định, kiểm tra thiết bị giám sát hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; tổ chức giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại các cảng cá. Đồng thời, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Các đơn vị liên quan bố trí đủ nhân lực tại cảng cá đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác.
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng liên ngành, liên tỉnh và xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU. Đồng thời, tổ chức xác minh, xử lý tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát tàu cá; cập nhật kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo ông Lê Huyền, khai thác hải sản được kiểm soát chặt sẽ góp phần đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững, cùng với triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Do đó, Ninh Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ với trọng tâm là tổ chức, sắp xếp hoạt động nghề cá; tăng cường giải pháp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá theo hướng bền vững; có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Trong năm 2023, Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác trên 124.000 tấn hải sản. Để đạt kế hoạch, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ phương tiện sửa chữa, nâng cấp tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
Đồng thời, tỉnh vận động ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, thông báo bản tin ngư trường, thời tiết để bà con ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển tàu cá khai thác đạt hiệu quả cao nhất.