📞

Ngũ Hành Sơn - 5 viên ngọc sáng

07:00 | 20/05/2016
Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch…Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8km, trước kia Ngũ Hành Sơn thuộc địa phận làng Hòa Quế của tỉnh Quảng Nam. Năm 1997, chính quyền thành lập quận Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng với diện tích 36,5km2.

Nằm trên tuyến đường giao thông chính nối liền Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An, quận Ngũ Hành Sơn có vị trí và điều kiện thuận lợi cho các loại hình du lịch phát triển, vì nơi đây hội tụ cả núi, rừng và biển. Bãi biển Non Nước ở đây khá sạch, đã từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.

Điểm đến của nhóm chúng tôi là quần thể danh thắng núi Ngũ Hành Sơn nổi tiếng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Từ Đà Nẵng đi dọc theo những bãi biển thơ mộng Phước Mỹ, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước, chúng tôi thẳng tiến về Ngũ Hành Sơn. Năm ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ngạo nghễ giữa nền trời xanh ngắt. Những ngọn núi này vốn có tên nôm là Đá, Đùng, Chùa, Mồng Gà và Đất. Cái tên Ngũ Hành Sơn có từ thế kỷ XIX khi vua Minh Mạng đến ngoạn cảnh nơi đây và nhận ra dáng đứng của 5 ngọn núi tương ứng theo ngũ hành nên đã đặt tên và cho người khắc tên vào núi.

Lối vào một ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn.(Ảnh: Du lịch 24h)

Nhìn từ xa tôi có cảm giác mấy ngọn núi này chật hẹp nhưng đến gần mới thấy rất rộng.

Đẹp nhất, cao nhất là ngọn Thủy Sơn (núi Chùa). Từ trên đỉnh núi tôi thỏa sức thu vào tầm mắt cả một vùng biển trời rộng lớn bao la. Trên núi có hai ngôi chùa cổ: chùa Tam Thai vẫn lưu giữ chiếc chuông đồng khắc tên vua Minh Mạng, còn chùa Linh Ứng có tấm bia Vọng Hải Đài (nghĩa là Đài quan sát biển).

Phần lớn các ngôi chùa còn lưu giữ những hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo độc đáo và quý giá.

Kỳ ảo hang động

Ngọn Thủy Sơn có “đường lên trời” qua động Vân Thông (nghĩa là thông lên mây) và “đường xuống âm phủ”. Nhóm chúng tôi động viên nhau nỗ lực leo 156 bậc đá, len lỏi qua các mỏm đá lô nhô khá vất vả, ai nấy mồ hôi ướt đẫm. Nhưng đột nhiên người đi đầu reo òa lên. Đã lên đến đỉnh, ngửa mặt hứng làn gió biển thổi vào, đột nhiên mệt nhọc tan biến. Phóng tầm mắt nhìn ra bờ cát trắng trải dài bên biển xanh lấp lánh dưới ánh nắng, tôi thấy tâm hồn thật thư thái.

Chúng tôi còn lên Hỏa Sơn xem những hố gạch đá sụt lở, một phần di tích đền tháp của người Chàm xưa. Ngọn núi này là nơi người dân hay khai thác loại đá cẩm thạch Non Nước nổi tiếng nhiều vân, nhiều màu sắc.

Không chỉ có vẻ đẹp non nước hữu tình, Ngũ Hành Sơn còn có một hệ thống hang động rất phong phú, bao gồm các động Linh Nham, Hoa Nghiêm, Tam Thanh, Vân Thông, Chiêm Thành, Vân Nguyệt, Tàng Chơn, Thiên Long, Bàn Cờ... mỗi hang động có vẻ đẹp riêng, độc đáo. Có động phải bám bậc đá trèo lên cao, có động lại phải men bậc đá lần xuống thấp.

Nổi bật nhất là động Huyền Không với vòm cao gần 30m, rộng chừng 25m. Vào động Huyền Không, có cảm giác như đang lạc vào một không gian huyền ảo sương khói xa xưa. Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh động, thấy một khoảng trời cao xanh thăm thẳm, vài tia nắng chiếu qua màn sương khói khiến mọi vật trong động như được bao phủ dưới một lớp voan trắng mờ tinh khiết. Ánh sáng chiếu qua các khe đá, lỗ hổng tạo cho các thạch nhũ, vách đá một vẻ đẹp lấp lánh kỳ ảo. Ngắm hang động, tôi mặc sức cho trí tưởng tượng bay xa.

Âm Phủ huyệt là nơi khá đặc biệt, càng vào sâu càng xa, càng tối, gây cảm giác rờn rợn như đi vào nơi không có giới hạn. Người dân địa phương cho biết, động này có thể ăn thông ra biển vì nếu đem những quả bưởi có đánh dấu thả vào động, ít ngày sau sẽ thấy chúng trôi nổi ngoài biển. Nhưng chưa ai tìm ra được con đường đi ngầm của nước...

Lên thăm các hang động, chùa tháp xong, nhóm chúng tôi theo các bậc đá quanh co uốn lượn ven sườn núi, vừa đi xuống vừa ngắm chân núi, nhìn ra xóm làng, rừng cây, bãi biển, thấy cảnh sắc Ngũ Hành Sơn quả là đẹp và độc đáo.

Sau đó mọi người cùng vào thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước, ngắm nhìn và chọn mua một vài sản phẩm tinh xảo của làng nghề đá nổi tiếng lâu đời này.

Thăm quần thể Ngũ Hành Sơn không thể một buổi mà có thể chiêm ngưỡng được hết các cảnh quan, hang động ở đây. Nhưng tôi tự nhủ lòng, nhất định sẽ có dịp trở lại…/.