Trở ngược thời gian, không phải ngẫu nhiên mà trước đây, khi tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh đối với môn Ngữ văn trong nhà trường, chúng ta thường sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa (SGK).
Với phương thức này, chúng ta có thể đánh giá được khối lượng kiến thức cơ bản, cốt lõi mà mỗi học sinh cần nắm vững trong quá trình học tập.
Sự thay đổi tất yếu
Cách thức này cũng giúp duy trì sự công bằng cho tất cả học sinh. Vì thực tế khả năng tiếp cận nguồn tài liệu học tập của mỗi thí sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác nhau như vùng miền sinh sống, điều kiện kinh tế, nguồn lực giáo viên và nhà trường… chứ không chỉ dựa vào yếu tố chủ quan là năng lực học tập của học sinh đó.
Và đặc biệt, việc sử dụng đề thi Ngữ văn với ngữ liệu có trong SGK cũng phần nào giảm áp lực căng thẳng cho học sinh, và cả giáo viên – điều vốn dĩ là luôn là mối quan tâm của một quốc gia còn nặng dấu ấn Nho giáo, trọng bằng cấp như nước ta.
Tuy vậy, dần theo thời gian, cách thức ra đề có sử dụng ngữ liệu trong SGK Ngữ văn cũng bộc lộ những hạn chế không thể tránh khỏi.
Để việc ra đề thi môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong SGK phát huy tối đa hiệu quả, trong quá trình triển khai cần tuyệt đối nói không với bệnh thành tích. (Nguồn: VGP) |
Mặc dù cách thức này giúp đánh giá được trình độ cơ bản của học sinh nhưng lại không phản ánh đầy đủ, tròn vẹn năng lực này, nhất là đối với những trường hợp học sinh có khả năng hiểu và áp dụng kiến thức ở mức độ cao hơn. Từ đây dẫn đến việc giới hạn khả năng tư duy phản biện, tính sáng tạo của người học.
Học sinh chỉ học thuộc lòng, học vẹt các dạng câu, dạng đề, dạng phân tích, chỉ “tái hiện” cách cảm, cách nghĩ của giáo viên mà không có cơ hội “nói lên tiếng nói khác”, tiếng nói của chính mình về các tác phẩm văn học, nhân vật văn học.
Những hạn chế này của cách thức ra đề, lâu dần, dẫn đến thực trạng việc dạy và học văn đi theo lối mòn, phần nhiều sa đà vào áp lực học để thi, đoán tủ học tủ. Khả năng cảm thụ văn chương của từng cá nhân người học không thể phát huy. Cả thầy và trò rơi vào cái bẫy dạy vẹt, học vẹt.
Thế nên, việc triển khai cách thức ra đề không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa là một hướng đi tất yếu. Xã hội phát triển, học sinh có nhiều điều kiện tiếp cận nguồn tài liệu đa dạng, đồng đều ở các địa phương cũng là cơ sở thuận lợi để chúng ta thay đổi.
Chúng ta cũng đã có lộ trình cho việc thay đổi này, ngay từ khi tiến hành thay SGK chương trình GDPT 2018 theo từng năm học.
Và năm học 2024-2025 này, với việc áp dụng sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9, lớp 12, chúng ta chính thức hoàn thiện chương trình 2018 với tất cả các khối lớp.
Để cách ra đề mới phát huy hiệu quả
Kiểm tra, đánh giá là một trong những thao tác quan trọng của hoạt động dạy và học, đòi hỏi nhiều công sức, cần được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng.
Chúng ta cần kiểm tra một cách toàn diện, chính xác tối đa năng lực học tập của học sinh, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo cũng như tư duy phản biện của các em.
Để việc ra đề thi môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong SGK không trở thành áp lực đối với cả người dạy lẫn người học, thiết nghĩ, chúng ta cần cân nhắc một số lưu ý.
Đề thi thay đổi, thì trước đó, cách dạy cần phải thay đổi tương ứng. Giáo viên cần tăng cường việc khuyến khích học sinh đọc và phân tích các văn bản ngoài chương trình thông qua các hoạt động như xây dựng câu lạc bộ yêu sách, các buổi đọc sách, các buổi trò chuyện tin tức thời sự…
Không chỉ dừng lại ở việc đọc, chúng ta cũng cần tạo điều kiện để học sinh thảo luận, trình bày, chia sẻ quan điểm của cá nhân về các văn bản ngoài sách giáo khoa. Viết nhật ký đọc, hội thảo tọa đàm, dự án nghiên cứu,… là những cách thức chúng ta có thể triển khai để hướng dẫn người học nâng cao kỹ năng cảm thụ, phân tích và trình bày.
Với cách dạy như trên, người dạy trao lại quyền năng khai mở văn bản cho người học; chỉ đưa cho người học “chìa khóa”, chứ không “mở cửa” sẵn thay cho người học; chỉ đưa phương pháp, chứ không đưa đáp án.
Mỗi phương thức ra đề đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Nên chăng, chúng ta có thể kết hợp hài hòa cả hai.
Tức là đề kiểm tra có thể bao gồm các câu hỏi dựa trên ngữ liệu của SGK và ngoài SGK. Điều này đảm bảo công bằng và an toàn cho sức học, lực học của học sinh; đồng thời giúp đề kiểm tra có tính phân hóa.
Đề thi cũng cần hướng đến các kỹ năng phân tích, tổng hợp và ứng dụng kiến thức thông qua các câu hỏi mở. Chẳng han như yêu cầu liên hệ với các chủ đề đã học, hoặc áp dụng các lý thuyết văn học vào văn bản mới.
Các cấp quản lý chuyên môn cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, quy định rõ ràng các tiêu chí lựa chọn ngữ liệu ngoài SGK để đưa vào đề kiểm tra.
Cũng cần quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho giáo viên thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn, trung hạn về các kỹ thuật, phương pháp mới trong việc ra đề thi sao cho sáng tạo.
Thực tế hiện nay, vì áp lực sợ sai, sợ trách nhiệm, các cấp chuyên môn mạng lưới thường chỉ nêu các yêu cầu chung chung về việc chọn ngữ liệu, dẫn đến việc giáo viên ra đề kiểm tra lúng túng, gặp nhiều khó khăn, thường sẽ chọn các hướng ra đề an toàn, không mạnh dạn sáng tạo.
Bên cạnh việc sau mỗi kỳ kiểm tra, đánh giá, các đề thi cần được thảo luận để chỉ ra những hạn chế (nếu có) thì chúng ta cũng cần tổ chức các diễn đàn để giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm ra đề.
Đây là nguồn ý tưởng vô cùng quan trọng cần được tận dụng tối đa. Các diễn đàn này cũng là dịp để ghi nhận các phản hồi, đóng góp từ góc nhìn của giáo viên, giúp cải thiện công tác ra đề, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Để việc ra đề thi môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong SGK phát huy tối đa hiệu quả, trong quá trình triển khai cần tuyệt đối nói không với bệnh thành tích. Chỉ khi và chỉ khi không đặt nặng vấn đề điểm số, cả người dạy và người học mới có động cơ trong sáng hoàn thành tốt việc dạy và học văn, tránh xảy ra tình trạng nghĩ ra các hình thức đối phó mới với hình thức ra đề mới. |