Một hộp sọ người Ireland cổ đại đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nguồn Reuters |
Ireland là nơi đặc biệt thú vị cho các nhà di truyền học, bởi vùng đất này có thể là nơi nhiều dân tộc cổ đại từng sinh sống. Những người Ireland thời tiền sử đã có quá trình chuyển đổi từ săn bắn và hái lượm sang canh tác, và chuyển từ sử dụng công cụ đá sang sử dụng công cụ kim loại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có khả năng những thay đổi này đã được thúc đẩy bởi những người di cư từ các vùng khác.
Để có được một bức tranh toàn cảnh về những người di cư đến nước này ở thời cổ đại, gần đây nhất, các nhà khoa học ở Belfast và Dublin (Ireland) đã nghiên cứu một số bộ hài cốt được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ ở Ireland, trong đó có xương của một phụ nữ có niên đại khoảng 5.000 năm - được khai quật ở Ballynahatty (gần Belfast), và hài cốt của ba người đàn ông sống khoảng 3.000 và 4.000 năm trước - được chôn cất tại quận Antrim ở Đông Nam Ireland.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 1000 năm, người Ireland đã có nhiều đặc điểm cho thấy họ có “gốc gác” từ Trung Đông và miền Nam nước Nga. Những người di dân đến từ Trung Đông đã thế chỗ các bộ lạc bản địa, và họ đã mang đến cho người dân địa phương lương thực, kỹ thuật nông nghiệp, những đàn bò cùng đặc trưng mái tóc đen và đôi mắt nâu.
Những người định cư tại Ireland thời gian sau đó đến từ các thảo nguyên miền Nam nước Nga với các kỹ năng làm việc và công cụ bằng đồng. Không chỉ vậy, họ còn mang đến Ireland màu mắt xanh và cả chứng rối loạn máu (haemochromatosis) – chứng bệnh hiện phổ biến ở Ireland còn được gọi là bệnh Celtic.
Nhà nghiên cứu Dan Bradley, giáo sư về di truyền học tại Đại học Trinity Dublin, giải thích rằng những tiến bộ gần đây về công nghệ phân tích ADN cổ đại đã cho phép nhóm của ông tái lập toàn bộ hệ gene của bốn người cổ đại mà họ đã nghiên cứu. "Có một làn sóng lớn của sự biến đổi gene đã tràn vào châu Âu từ phía Biển Đen vào thời kỳ đồ đồng", ông nói.