TIN LIÊN QUAN | |
Vốn tình cảm quý | |
Da đen và da vàng |
Tất cả các nước Bắc Âu có nhiều điểm ứng xử giống nhau vì có nhiều sắc thái văn hóa tương tự nhau.
Đan Mạch, Na Uy, Băng Đảo (Iceland) và Thụy Điển gắn bó họ hàng nhiều hơn vì đều thuộc ngữ hệ Bắc Nhật Nhĩ Man (North Germanie) còn dân tộc Phần Lan gốc vùng núi Á - Âu Ural và Altai nói các thổ ngữ Thổ-Mãn-Mông. Nhưng do Thụy Điển đô hộ Phần Lan lâu nên nói chung dân các nước Bắc Âu, đặc biệt người có học, giao tiếp dễ dàng với nhau qua lời nói, có khi cả chữ viết.
Có thể năm nước Bắc Âu là “đồng văn” tuy không hoàn toàn “đồng văn tự”. Có một tính cách Bắc Âu được thể hiện qua mấy điểm chính sau đây:
Khí hậu ảnh hưởng đến tâm tính. Có một sự khác nhau rõ rệt giữa văn hóa Latin của các nước Địa Trung Hải miền Nam châu Âu (Italy, Pháp, Tây Ban Nha…) nhiều ánh sáng, ấm áp và văn hóa Bắc Âu, rất lạnh lẽo, thưa dân khiến người ta dễ cảm thấy cô đơn. Ngay Đan Mạch ở phía Nam Scandinavia, chịu ảnh hưởng đại dương, vẫn có những mùa Đông khắc nghiệt. Martin Saymour - Smith nhận định là văn học Bắc Âu, do khí hậu, nên “thường được đặc trưng bởi tinh thần khắc kỷ, tính nghiêm túc, u sầu, bi lụy”. Trong một buổi trao đổi ở Stockholm, Giáo sư văn học Thụy Điển Algulin cho tôi biết: điểm chung của các nền văn học Bắc Âu là “ý thức hiện sinh” về số phận con người, ý nghĩa cuộc sống và cái chết, băn khoăn siêu hình. Tôi cho cái vô thức tập thể Bắc Âu này thể hiện qua triết học của ông tổ chủ nghĩa hiện sinh là triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard. Tư tưởng chủ yếu của ông là ghê tởm cuộc đời, bị cái chết ám ảnh, bi quan, lo âu khắc khoải.
Xu hướng nghiêm túc, khắc kỷ, u sầu lại bị đạo Tin lành Luther khiến cho đậm nét hơn. Đạo này bắt rễ sâu ở các nước Bắc Âu, có ảnh hưởng lớn đến tâm tính, do khuynh hướng nội quan, nó để lại nhiều dấu vết cho văn hóa truyền thống. Giáo phái Luther xuất hiện ở Đức, phê phán sự tham nhũng và biến chất của đạo Thiên Chúa La Mã và tách rời khỏi gốc. Tu sĩ Luther cho là người sinh ra đã có tội lỗi, chỉ được cứu vớt do đức tin, nhưng nếu không được hưởng Ân Chúa thì có tu nhân tích đức cũng vô ích (bi quan, định mệnh). Theo đạo có nghĩa là từng cá nhân tiếp xúc nội tâm thẳng với Chúa, nghi lễ và tăng lữ không quan trọng. Tôn giáo được dân chủ hóa, không trọng hình thức lễ hội, tăng lữ tôn ti trật tự như đạo Thiên Chúa. “Luther giáo” cũng rèn luyện tính cần cù. Một chị bạn Bắc Âu nói đùa với tôi: “Dân chúng tôi làm ăn tốt, hưởng thụ nhiều, ấy cũng là đạo Luther khắt khe tạo ra thói quen lao động cật lực từ mấy trăm năm nay”.
Giải phóng phụ nữ cũng là một nét đặc biệt của văn hóa Bắc Âu. Phong trào này rất rầm rộ, đặc biệt ở Đan Mạch. Ở nước này, nam nữ bình quyền đã được thực hiện trên thực tế: nữ được làm mọi thứ nam giới làm, bình đẳng về lương, bố và mẹ chia nhau nghỉ một năm nếu con dưới chín tuổi, nam cũng phải thường xuyên trông con và làm bếp. Đến nay, nỗi băn khoăn của một số phụ nữ tiến hóa xa là phải tìm ra một con đường phát triển riêng, khác nam giới chứ không phải chỉ là bình đẳng kiểu rập khuôn.
Đường lối phát triển văn học của các nước Bắc Âu tương tự như nhau. Có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn hình thành tiến đến trưởng thành: văn học mỗi quốc gia dần dần tự khẳng định với những truyền thống riêng; trong giao lưu với các nước châu Âu, phần vay mượn, tiếp thu là chính, phần đóng góp ít. Trong giai đoạn thứ hai, văn học Bắc Âu đóng góp nhiều vào văn học châu Âu, trở thành những trung tâm của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, nhà phê bình Đan Mạch G.Brandes đã mở đột phá khẩu, đưa văn học châu Âu vào cả Bắc Âu. Đến nay, các tác phẩm văn học Bắc Âu được dịch nhiều và phổ biến ở châu Âu và trên thế giới.
Cuối cùng, một nét đặc biệt của văn hóa hiện đại Bắc Âu là dân chủ và bình dân, “nhà nước phúc lợi” cho nhân dân, sự đam mê các thú vui văn hóa.
Vấn đề “choai choai” Ở ngã tư, khi có đèn đỏ, người Hà Nội nói chung đã quen dừng lại. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có hai ba chiếc xe ... |
Chuyện về một nhóm kiến trúc sư trẻ có tâm Chuyện xảy ra khá lâu. Cách đây hơn chục năm, Quỹ Đan Mạch phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam ... |
Qua tập thư gửi cho con gái Có nhiều điểm tương đồng giữa Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai vị gần như đồng tuế: Nehru ... |