Đại sứ Vũ Thanh Huyền viết lưu niệm nhân dịp trình quốc thư lên Tổng thống Burundi. |
Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế và Báo Quốc tế trước đây chính là tiền thân Báo Thế giới và Việt Nam ngày nay. Tờ Báo của ngành Ngoại giao đã luôn thể hiện rõ vai trò trong công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, của Nhà nước, mối quan hệ ngày càng phát triển sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Nhìn lại quá trình xây dựng và đóng góp của Báo trong 35 năm qua, chắc hẳn lãnh đạo Tòa soạn và toàn thể cán bộ nhân viên làm báo qua các thời kỳ đều tự hào về những đóng góp quan trọng của tờ báo đối với sự nghiệp đối ngoại, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường, đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Trên môi trường số và xã hội số, có không ít những thông tin độc hại, sai sự thật phản ánh không đúng bản chất hiện thực đất nước ta. Các thế lực phản động, thù địch vẫn thường xuyên lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các thông tin tiêu cực, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu và sai lệch về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế...
Đó chính là lý do tại sao báo chí luôn được coi là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, giúp tạo sự thống nhất và liên kết xã hội nhằm giải quyết các vấn đề và nhiệm vụ xã hội. Để xây dựng được “nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của báo chí nhằm thúc đẩy và góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn cho đất nước.
35 năm, một chặng đường chắc chắn có không ít khó khăn nhưng cũng rất tự hào và bước đi trên con đường đó, Báo Thế giới và Việt Nam dường như đã dần hội tụ đủ các yếu tố để khẳng định mình có vị trí quan trong, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Nhà nước, của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, của ngành và của người dân, của xã hội cùng bạn bè quốc tế.
Và có lẽ cũng từ lâu rồi, đối với thế hệ cán bộ ngoại giao như chúng tôi, Báo Thế giới và Việt Nam đã như một người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình tác nghiệp làm công tác đối ngoại từ việc soi mình, soi người để tiếp thu, vận dụng và để ngày càng hoàn thiện sứ mệnh của mình.
Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan tiếp Đại sứ Vũ Thanh Huyền nhân dịp trình quốc thư ngày 12/8/2024. |
Không chỉ là cầu nối, là lực lượng thông tin nhanh chóng, phản ánh một cách chủ động, tích cực và hiệu quả các hoạt động đối ngoại, các thông tin cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, Báo Thế giới và Việt Nam đã tiến những bước vững chắc, không ngừng nỗ lực đóng góp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước cũng như củng cố niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đổi mới trên quê hương đất nước. Hòa cùng dòng chảy của thời đại, 35 năm qua Báo Thế giới và Việt Nam đã đồng hành cùng đường lối đối ngoại Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử và quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.
Tôi tin chắc rằng thời gian tới Báo Thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục có nhiều sáng kiến đổi mới hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại số hóa. Qua đó, sức lan tỏa và tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền tiếp tục được nâng cao, đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới và đưa bạn bè quốc tế đến gần với Việt Nam. Báo sẽ không chỉ giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, mà còn đóng góp xây dựng hình ảnh, giá trị bản sắc ngoại giao Việt Nam thành công và sâu sắc trong mắt bạn bè thế giới, trở thành niềm tự hào và là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đối ngoại, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
* Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania, kiêm nhiệm Cộng hòa Kenya, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Cộng hòa Rwanda, Cộng hòa Uganda, Cộng hòa Dân chủ Somalia, Cộng hòa Burundi và Đại diện của Việt Nam tại Liên minh châu Phi